Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng mà còn là công việc trách nhiệm của nhân dân. Nhân dân là đối tượng lãnh đạo của Đảng, đồng thời là chỗ dựa của Đảng. Do vậy, dựa vào dân để xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành chủ trương nhất quán kể từ khi Đảng ta ra đời đến nay.
Tiến sĩ Lê Hữu Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, Đảng ta luôn quán triệt dân là gốc, là chủ thể của mọi cuộc cách mạng. Mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước đều phải hướng tới đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhân dân. Nhân dân có vai trò to lớn trong mọi mặt của đời sống xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng. Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định điều này và nhấn mạnh hơn đến việc phải dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Đây cũng là một trong những bài học xuyên suốt lịch sử của Đảng ta.
“Theo tôi, bài học xuyên suốt trong tất cả các bài học, là phải quán triệt quan điểm dân là gốc, dân là chủ thể của công cuộc đổi mới, dân là trung tâm của đổi mới trên tất cả hoạt động của Đảng, Nhà nước và hệ thống. Tất cả phải vì dân, phải gần dân, phải sát dân, phải thực sự vì lợi ích của nhân dân. Lần này chúng ta bổ sung dân giám sát, dân thụ hưởng. Đây là tư tưởng có sự phát triển so với các văn kiện đại hội XII”.
Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đăk Lăk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhận định: Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề cập toàn diện tình hình đất nước, đặc biệt là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII cũng như là tổng kết thành tựu sau 35 năm đổi mới của đất nước ta. Trong đó vấn đề phát huy dân chủ của nhân dân là quan điểm xuyên suốt và có những điểm mới như đề cao vai trò của nhân dân với sự phát triển của đất nước. Trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với sự chung sức chung lòng của nhân dân.
“Văn kiện lần này đề cập đến vấn đề tất cả là chung sức, chung lòng và đại hội cũng nêu vấn đề mới ngoài đường lối chủ trương, chính sách của Đảng. Tôi cho rằng, đó là đánh giá đúng đắn, là suy nghĩ đúng đắn để mà phát huy sức mạnh của toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới cũng như nghị quyết của Đảng đã đề ra”.
Thế nhưng trên thực tế, có lúc có nơi chưa thực sự chú trọng đến vai trò của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng. Lần này Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh và khẳng định dựa vào dân để xây dựng Đảng vừa là nguyên tắc, vừa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các cấp ủy đảng. Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì yếu tố quan trọng hàng đầu phải có là hệ thống thể chế thúc đẩy hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ từ trong Đảng đến dân chủ xã hội, được thực hiện ở các cấp, các địa bàn, các lĩnh vực.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, chuyên viên Ban Tuyên giáo huyện ủy Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đặt vấn đề “Lần này thì Đảng tiếp tục mở rộng quyền dân chủ trực tiếp mà đảng viên và nhân dân thì mong chờ là sau đại hội thì tất cả những điều này phải được thể chế hóa như thế nào để dân thực sự thực hiện quyền này, tránh tình trạng là văn kiện thì ghi nhận nhưng thực tế ở cơ sở vì nhiều lý do khác nhau mà dân chủ của dân vẫn bị hạn chế”.
Theo ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cần tổ chức thực hiện nhiều kênh tương tác hơn với nhân dân, sát dân hơn, tổ chức nhiều cuộc đối thoại với nhân dân thì đảng mới nhận được những góp ý chân thành từ nhân dân với các đảng viên và tổ chức Đảng.
“Nếu chúng ta không tạo ra được những kênh đối thoại tiếp xúc và tương tác với người dân thì chúng ta đã bỏ quên đi một nhiệm vụ rất lớn. Mặc dù chúng ta học trong tất cả các trường chính trị đều nói là phải gần dân, tôn trọng dân ,hiểu dân”.
Việc của dân là việc của Đảng và ngược lại, vì vậy việc thường xuyên về với dân, đối thoại, lắng nghe dân, tập trung giải quyết những kiến nghị của người dân ở cơ sở giúp cho các tổ chức Đảng và các đảng viên được dân tin tưởng, từ đó người dân không những tích cực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng mà còn đóng góp cho tổ chức cơ sở đảng và đảng viên nhiều ý kiến tâm huyết nhằm làm đảng mạnh hơn. Vì vậy, các đảng viên và tổ chức Đảng cần thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong đó có việc sát dân, lắng nghe dân, phụng sự nhân dân. Còn nhân dân cũng phải hiểu rõ quyền trách nhiệm của mình để thực hiện cho tốt.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Hội Cựu chiến binh quận Đống Đa, Hà Nội nêu quan điểm: “Đảng, chính quyền phải thực hiện tốt nội dung là phải thường xuyên xuống cơ sở, làm sao để hiểu người dân cần gì, nghĩ gì thì từ đó chúng ta mới có phương hướng và có mục tiêu cụ thể để chúng ta sát với dân, làm đúng với ý chí nguyện vọng của người dân”.
Từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra bệnh quan liêu xa dân và tình trạng này nếu không được khắc phục thì nhiệm vụ xây dựng Đảng khó có thể đạt hiệu quả. Muốn làm được điều này, mỗi cán bộ đảng viên phải gần dân và lắng nghe dân mà trước hết hãy học tập tác phong gần dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng phải luôn khắc cốt ghi tâm thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm phải 20, việc gì có lợi cho nhân dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho nhân dân thì phải hết sức tránh, chắc chắn Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn./.
Tiến Anh/VOV1
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên