GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vừa qua có 221 cán bộ, người lao động thôi việc, tinh giản. Trong số này có 28 bác sĩ, bao gồm 1 phó giáo sư, 10 tiến sĩ.
Bệnh viện giải thích có 4 lý do chính khiến nhân viện thôi việc: Do tinh giản một số bộ phận, thu nhập giảm vì Covid-19, tâm lý căng thẳng sau các vụ lùm xùm xã hội hoá và do áp lực đổi mới.
Thay đổi quản lý theo mô hình tư nhân
Một tiến sĩ nghỉ việc cho biết, các lý do bệnh viện đưa ra chưa thật hợp lý. Bác sĩ này cho hay, khi có Covid-19, tất cả bệnh viện đều bị ảnh hưởng, không riêng Bạch Mai.
“Bệnh viện nói khó khăn tài chính nhưng vẫn tuyển thêm người ồ ạt với 506 người, trong khi chỉ có 221 người nghỉ. Bệnh viện cũng xây dựng bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan mới, thay đổi hạ tầng, sửa sang, đập đi xây lại rất nhiều hạng mục như khu vực sân phía sau, khu vực mặt tiền, khu vực nhà lưu trú, xây lại miếu thờ…”, bác sĩ phân tích.
Vị bác sĩ cũng cho rằng, nhiều bác sĩ ra đi vì thấy mô hình quản lý mới có nhiều điểm không phù hợp. Trước đây, lãnh đạo bệnh viện từng ký quyết định yêu cầu nhân viên khu khám bệnh đi làm từ 5h sáng, nhưng sau đó đã rút lại.
“Các bác sĩ mong muốn có môi trường làm việc chuyên nghiệp, phát triển các chuyên khoa học thuật, không phải môi trường chỉ thích đánh bóng, phô trương, hát hò”, bác sĩ nói tiếp.
Đặc biệt trong mô hình quản lý mới, bệnh viện yêu cầu từng khoa phòng phải báo cáo kiểm điểm, đánh giá nhận xét, chấm điểm thi đua từng cá nhân.
“Bệnh viện học theo mô hình tư nhân, quản lý nhân sự của tư nhân nhưng đãi ngộ với anh em không hợp lý, lương giảm kinh khủng. Các quy trình, cơ chế đánh giá cũng không rõ ràng, dẫn đến câu chuyện soi mói, thù hằn cá nhân trong việc đánh giá. Cuối cùng, mọi người đều trong tâm thế đề phòng, rất mệt mỏi”, vị bác sĩ nêu.
Một tiến sĩ khác làm việc hàng chục năm tại Bệnh viện Bạch Mai cũng đã nghỉ việc từ cuối năm 2020. Anh chia sẻ, bản thân nghỉ việc do môi trường không còn phù hợp.
Vị bác sĩ phân tích, bác sĩ làm vì nghề là chính, kế đó là vì học trò, anh em tuyến dưới, cuối cùng mới đến thu nhập. Bệnh viện Bạch Mai là thương hiệu lớn, ai cũng muốn gắn bó nhưng khi bệnh viện thay đổi mô hình, anh không còn được làm nghề đúng nghĩa nên xin nghỉ.
"Với tôi, thu nhập, dịch bệnh Covid-19 không phải lý do. Tôi được yêu cầu chuyển sang bộ phận khác không phù hợp chuyên môn, nếu tôi chuyển, người trong ngành, học trò sẽ nghĩ gì. Việc sử dụng người không hợp lý khiến tôi và nhiều bác sĩ cảm thấy không phù hợp nên mọi người chọn cách ra đi”, vị bác sĩ nói.
Theo nam bác sĩ, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt, dù tự chủ nhưng không thể biến thành doanh nghiệp tư nhân, quản lý theo mô hình tư nhân.
“Chúng tôi làm khoa học, đào tạo, làm chuyên môn nhưng hàng tuần lại yêu cầu lên kế hoạch công việc, cuối tuần báo cáo kiểm điểm. Nếu báo cáo để rút kinh nghiệm thì không sao, nhưng báo cáo kiểu này khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm, hình thành tình trạng sát phạt nhau”, bác sĩ tâm tư.
Anh chia sẻ bản thân thấy tiếc cho thương hiệu Bạch Mai khi để xảy ra những lùm xùm thời gian qua. Theo anh, thay đổi là tốt nhưng phải phù hợp, phải lấy con người làm trung tâm.
Chỉ báo trước khi cho thôi việc 5 ngày
Anh V. là một trong số hơn 100 nhân viên buộc phải cho thôi việc do tinh gọn, giải thể một số đơn vị dịch vụ tại Bệnh viện Bạch Mai.
Khi còn làm ở bệnh viện, thu nhập của anh trung bình 8-9 triệu đồng/tháng, nhưng từ khi bị cho nghỉ việc từ tháng 5/2020 đến nay, anh không xin được việc làm mới, nguồn thu cả nhà trông chờ vào mối bán hoa quả cho khách quen của vợ, anh trở thành shipper. Lời lãi không được bao nhiêu, mỗi tháng cả nhà mất 6,5 triệu đồng tiền thuê nhà.
Anh làm việc tại bệnh viện từ những ngày đầu có đơn vị dịch vụ, hợp đồng chính thức thời hạn 1 năm, ký lại hàng năm, từng được nhận bằng khen lao động xuất sắc của giám đốc cũ.
Ngay sau khi bệnh viện gỡ phong toả, anh nghe bệnh viện râm ran sẽ giải thể một số đơn vị. Dù lo lắng nhưng anh có chút yên tâm vì nghĩ bản thân cũng cống hiến nhiều, có thâm niên làm việc 16 năm.
Bất ngờ vào cuối tháng 4/2020, Chủ tịch Hội đồng bệnh viện thông báo cho anh và nhiều nhân viên khác lên nhận quyết định nghỉ việc, yêu cầu mặc đồng phục đầy đủ.
“Lúc đi tôi vẫn tràn đầy hy vọng. Nhưng đến nơi mới biết, gần như tất cả đều bị nghỉ. Chủ tịch Hội đồng bệnh viện nói ‘Hôm nay là ngày mệt mỏi, quá nhiều người nghỉ việc, rất đau lòng’”, anh V. kể lại.
Tổng cộng có 113 nhân viên như anh V. buộc chấm dứt hợp đồng từ ngày 1/5/2020, cách thời điểm thông báo đúng 5 ngày. Bệnh viện hỗ trợ 1 tháng lương.
“Tuy nhiên điểm lạ, trong khi rất nhiều người làm việc lâu năm lại cho nghỉ thì nhiều trường hợp mới làm việc 1-2 năm lại được giữ lại. Khi thông báo nghỉ là nghỉ luôn, bệnh viện cũng chưa từng hỏi nguyện vọng của anh em thế nào”, anh V. nói.
Theo anh V., sau khi bị cho nghỉ việc đồng loạt, nhiều anh em có làm đơn kiến nghị, phía bệnh viện phản hồi phải giải thể đơn vị dịch vụ nên không cần người nữa. Cả nhóm bị thôi việc vẫn giữ liên lạc với nhau, hầu như chưa ai tìm được công việc mới, thậm chí có người bị trầm cảm.
Theo đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019, đơn vị sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động, tuy nhiên phải thông báo trước ít nhất 30 ngày với người có hợp đồng lao động ký xác định thời hạn 1 năm.
“Chúng tôi từng mất tới 4 năm đầu mới ổn định được tình trạng xe bên ngoài vào tranh cướp bệnh nhân, có khi mất máu. Đùng một cái bệnh viện thông báo rồi nghỉ luôn, tôi thấy không được thoả đáng, không có tình người, nhất là trong bối cảnh Covid-19 khó khăn, rất khó kiếm việc mới”, anh V. chia sẻ.
Bệnh viện khẳng định làm đúng quy định
Trao đổi với VietNamNet, TS.BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, những nhận xét cho rằng bệnh viện có nhiều điểm bất hợp lý trong mô hình quản trị là không có cơ sở.
Theo ông Thành, việc thay đổi nếp nghĩ, nếp làm hàng chục năm không dễ dàng, thay đổi theo hướng chặt chẽ hơn rất khó khăn, nhất là khi tâm lý mọi người luôn muốn hướng tới những điều dễ dàng, thuận lợi.
“Bệnh viện Bạch Mai trong bối cảnh không thay đổi không được khi không được cấp ngân sách nhà nước và nguồn thu năm qua tụt tới 30% so với năm 2019”, ông Thành nói.
Ông Thành cho biết, trước đây quan hệ khối lâm sàng với khối các phòng ban khác là cơ chế xin - cho, tức khoa cần máy móc, vật tư gì sẽ đề xuất rồi duyệt.
Nhưng hiện nay, cơ chế ngược hẳn, thay đổi sang quan hệ phục vụ, khối phòng ban coi khối lâm sàng là khách hàng nội bộ, chủ động đến tìm hiểu nhu cầu rồi lên kế hoạch theo nhu cầu. Điều này khiến một số người không vừa lòng.
“Khi GS Nguyễn Quang Tuấn lên làm Giám đốc cũng đưa ra một số quy định chặt chẽ hơn về giao tiếp, ứng xử, lề lối làm việc. Có những quy định trước đây không đưa thành chế tài nhưng giờ nếu nhân viên có lỗi giao tiếp, ứng xử khiến bệnh nhân, người nhà bức xúc, có đơn thư sẽ bị đưa ra hội đồng bệnh viện kỷ luật. Vấn đề này Bộ Y tế đã có khung xử lý, chỉ là trước đây không áp dụng”, ông Thành giải thích.
Về các hạng mục sửa sang, chỉnh trang bệnh bệnh, ông Thành nói đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình phát triển. Bệnh viện có quỹ phát triển sự nghiệp hàng trăm, ngàn tỷ đồng để phục vụ mục đích mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà cửa.
“Bệnh viện có những gói kinh phí riêng, không thể dùng quỹ phát triển chi sang quỹ lương. Vừa rồi bệnh viện đã mua sắm rất nhiều trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh”, ông Thành nói.
Theo Thúy Hạnh/VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên