Lớp 5 giáo viên không trả bài lấy 1 lần?
Học lớp 6 được một học kỳ, em N.V.K. nhất quyết nghỉ học dù phụ huynh nhiều lần khuyên lơn, thậm chí rầy la. Khi chúng tôi ghé nhà K., chỉ có mình em ở nhà, cha mẹ đều đi làm.
K. sang nhà hàng xóm chơi, trong khi các em nhỏ tuổi hơn đang học bài thì K. đang chơi điện thoại. Hỏi K. vì sao bỏ học, em rơm rớm: "Vì em không biết chữ, em mặc cảm với bạn bè".
K. kể lớp 1 và lớp 2 em vẫn biết mặt chữ, ráp vần được, nhưng sang lớp 3 thì bị tuột lại so với các bạn. Đỉnh điểm đến lớp 5 thầy cô chưa một lần gọi em lên trả bài.
"Con cũng không biết vì sao con được lên lớp", K. nói.
Chỉ một đoạn văn trong sách 2 dòng 30 chữ thì có 8 chữ K. hoàn toàn không đọc được, một vài chữ phải dừng lại đánh vần…
Cách đó không xa, em N.T.C.N. học cùng lớp K. cũng đã bỏ học từ sau Tết Nguyên đán. N. đã 14 tuổi nhưng người rất nhỏ và gầy, nghỉ học N. phải chăm em út chưa tròn tuổi. Hỏi ở cấp 1 thầy cô đã dạy em như thế nào thì N. nói "dạy A, Ă, Â, B, C".
Bà Nguyễn Thị Gơ, mẹ N., sinh cả thảy 5 đứa con, gia đình không đất canh tác, chỉ làm thuê làm mướn sống qua ngày. "Tui không cho nó nghỉ, mà nó cứ khăng khăng ở nhà. Nhưng nó cũng tối dạ, học trước quên sau. Em gái nó học lớp 4 đôi khi kèm cho nó", bà Gơ cho biết.
Lật xem một quyển vở N. để trên sàn nhà, ngay ở trang thời khóa biểu, em viết nguệch ngoạc và sai khá nhiều. Như chữ "nhạc" em ghi thành "nạc", "lịch sử" thì ghi thành "lịnh sử", "thời khóa biểu" ghi thành "thời phà hiểu"…
N. đọc chữ cũng khó khăn, chữ đọc được, chữ đọc sai, chữ hoàn toàn không biết, nhất là những từ ghép có nhiều âm tiết… Hỏi N. có muốn đi học lại không, N. lắc đầu: "Con ở nhà chăm em".
Ngoài K. và N. đã nghỉ học, còn 4 học sinh khác đọc viết cũng sai rất nhiều và không thể đọc liền câu, mà phải đánh vần từng chữ. Riêng chính tả các em viết sai nhiều.
"Có thể không chỉ 6 em"
Thầy La Thành Dũng, hiệu trưởng Trường THCS-THPT Tân Mỹ, ban đầu cho rằng các em chỉ là học lực yếu, chứ chưa đến mức đọc chữ không chạy. Thậm chí, thầy đưa ra danh sách các em học giỏi để "đánh tráo" với những em đọc viết không chạy.
Tuy nhiên "giấu đầu lòi đuôi", nhóm học sinh đọc viết chưa rành có 4 nữ 2 nam nhưng danh sách thầy đưa ra lại 3 nam 3 nữ và các em này cũng nói thật mình là học sinh giỏi, chứ không phải học sinh yếu kém.
Sau đó, thầy Dũng mới thừa nhận còn một số em đọc viết còn chậm, trước mắt phát hiện 6 em. Thầy cũng cho hay ngay khi được giáo viên báo cáo, trường đã cử giáo viên kèm cặp các em tại trường và đến nhà động viên gia đình đốc thúc việc học hành của các em nhiều hơn.
Thầy Đào Hoàng Phương, một giáo viên chủ nhiệm lớp 6, cho biết lớp thầy có 3 em đọc viết không chạy, trong đó 2 em bỏ học. Thầy đã trực tiếp đến nhà nắm hoàn cảnh các em, và vận động gia đình cho con em đi học lại nhưng không thành công.
"Các em phần lớn gia đình neo đơn, cha mẹ đi làm ăn xa, sống với ông bà, thiếu sự quan tâm của gia đình. Và cũng không hiểu sao các em này lên được lớp 6", thầy Phương nói.
Ông Lý Bảo Việt, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Bình, xác nhận tình hình học sinh đọc viết không chạy là có, thậm chí có thể không dừng lại ở 6 em ở Trường Tân Mỹ.
"Năm ngoái phòng đã có dự báo do việc nghỉ dịch COVID-19 khá dài, thời gian rèn luyện của các em không nhiều. Riêng việc đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học, phòng có kiểm tra, tuy nhiên chỉ là quy trình, chứ chất lượng chưa thể kiểm tra", ông Việt cho biết.
"Sẽ kiểm tra, rà soát tất cả các trường"
Trả lời vấn đề có hay không việc chạy theo thành tích "đá đít" các em lên lớp dù không đạt, ông Lý Bảo Việt nói: "Cách đây 1 năm, phòng đã không ủng hộ việc cắt thi đua, không xét chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... đối với giáo viên có học sinh ở lại lớp và không đặt nặng chỉ tiêu lên lớp 100% cho các trường như một giải pháp ngăn chặn việc chạy theo thành tích".
Ông Việt cho biết ngay trong học kỳ II này, phòng sẽ cho kiểm tra, rà soát hết các trường tiểu học, THCS trong huyện để nắm thực chất và chấn chỉnh kịp thời, không để kéo dài. "Phòng lo nhất nếu không chấn chỉnh liền, không khéo các em lên cấp THCS sẽ bỏ học, rồi tương lai các em sẽ đi về đâu. Các em là người thiệt nhất. Chất lượng giáo dục là lâu dài, chứ không phải hết năm học là xong", ông nói.
Theo Ngọc Tài/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên