Từ xa xưa, ông bà đã đúc kết bốn hiểm họa có sức tàn phá đối với cuộc sống của con người là 'thủy, hỏa, đạo, tặc'. Hỏa hoạn chỉ xếp sau lũ lụt.
Chỉ trong vòng một tuần lễ, người dân cả nước không khỏi chua xót khi chứng kiến hai vụ hỏa hoạn xảy ra ở hai đô thị lớn.
Rạng sáng 30/3, vụ hỏa hoạn tại căn nhà ở đường Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, Thủ Đức, TP.HCM làm 6 nạn nhân thiệt mạng.
Và rạng sáng 4/4, vụ hỏa hoạn tại căn nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội làm 4 nạn nhân thiệt mạng.
Hai vụ cháy, có hai bối cảnh sống khác nhau, dù là nhà cấp 4 lọt thỏm giữa khu dân cư hay nhà mặt phố kết hợp kinh doanh, thì rõ ràng kết cục đau lòng ấy khiến cộng đồng phải băn khoăn về ý thức đề phòng hỏa hoạn hiện nay. Nhất là trong mùa nóng đang đến gần, không khí hanh khô rất dễ bùng phát những vụ cháy ngoài tiên liệu.
Hai vụ cháy, có nhiều điểm chung phải quan tâm: hỏa hoạn xảy ra vào đêm khuya, trong nhà có chứa nhiều đồ đạc dễ cháy, ngọn lửa bít kín cửa chính không thể nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài. Về quy định lối thoát hiểm và các hạng mục bảo đảm phòng cháy chữa cháy, chỉ áp dụng với các công trình trên 7 tầng.
Cho nên, phần lớn khả năng ứng phó hỏa hoạn của các hộ dân nhỏ lẻ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Vì vậy, nếu mỗi nhà và mỗi người đều tiếp tục chủ quan thì nguy cơ hỏa hoạn sẽ còn đe dọa.
Nguyên nhân ban đầu xác định, cả hai vụ cháy thương tâm vừa qua ở Hà Nội và TP.HCM là do chập điện.
Kết quả điều tra trong 537 vụ cháy nổ xảy ra trên toàn quốc năm 2020, có đến hơn 70% nguyên nhân cháy do sự cố từ thiết bị điện trong nhà. Không chỉ sự cố từ hệ thống điện sinh hoạt mà còn xuất phát từ hệ thống điện của các xe máy bị chập điện. Do đó, ý thức phòng cháy cần bắt đầu từ hành động xử lý những thiết bị điện cũ kỹ, hỏng hóc và không còn an toàn.
Theo lời khuyên của các chuyên gia phòng cháy chữa cháy thì mỗi gia đình phải chủ động trong việc tự hình dung, xây dựng phương án xử lý sự cố cháy nổ trong nhà mình.
Ví dụ nếu đám cháy xảy ra ở tầng 1, các thành viên trong gia đình sẽ chọn thoát nạn ra lối nào... Hoặc khi cháy ở tầng 3 thì di chuyển xuống tầng 1, cách xử lý khi cháy trong đêm… Những kế hoạch, phương án này phải phổ biến cho từng thành viên trong gia đình và được ghi nhớ để khi tình huống cháy xảy ra có thể chủ động thoát nạn.
Từ xa xưa, ông bà đã đúc kết bốn hiểm họa có sức tàn phá đối với cuộc sống của con người là “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Hỏa hoạn chỉ xếp thứ hai, sau thiên tai lũ lụt. Hỏa hoạn không phải tự nhiên sinh ra, cho nên có tránh được hay không, đều phụ thuộc vào ý thức của xã hội.
Thời phong kiến, mỗi khi bước vào mùa nóng, thì người đánh trống canh luôn nhắc thêm câu “thời tiết hanh khô, cẩn thận củi lửa”.
Bây giờ, trong đời sống công nghiệp, cũng đã đến lúc có những chương trình nâng cao thái độ đề phòng và kỹ năng sinh tồn trước hỏa hoạn cho người dân.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn
TheoNNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên