Sốt đất “khuấy đảo” các địa phương: Thuốc đắng mới cắt được cơn!

Thứ ba - 06/04/2021 09:52

Để tìm được liều thuốc đắng cắt cơn sốt đất ảo, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện luật pháp về đất đai bởi sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đất đai hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Giới đầu cơ đã và đang dựa vào các kẽ hở của pháp luật để tạo nên những “cơn sốt” đất ảo để trục lợi.

Giá đất đang sôi sục khắp nơi, tăng chóng mặt. Cục bộ, một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Đánh giá về thị trường BĐS năm 2020 và 2 tháng đầu năm 2021, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thừa nhận có hiện tượng giới đầu cơ BĐS lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... gây nhiễu loạn thông tin để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính. Trong động thái mới nhất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề nghị UBND các tỉnh công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, để tìm được liều thuốc đắng cắt cơn sốt đất ảo, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện luật pháp về đất đai bởi sau nhiều năm đi vào cuộc sống, Luật Đất đai hiện hành đã bộc lộ nhiều điểm bất cập. Giới đầu cơ đã và đang dựa vào các kẽ hở của pháp luật để tạo nên những “cơn sốt” đất ảo để trục lợi.

Hệ lụy từ sốt đất ảo

Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, trong vài năm trở lại đây, số lần sốt đất ảo diễn ra ngày càng nhiều. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường liên tục xuất hiện những cơn sốt đất “chết yểu” tại nhiều địa phương như xã Bình Ba (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội) và gần đây là huyện Hớn Quản (Bình Phước)… Cơn sốt lan dần trên nhiều địa phương trên cả nước theo sóng đầu tư đi tỉnh, ra các vùng ven đô như Hòa Lạc, Ba Vì, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang…

Đặc điểm của những cơn “sốt đất ảo” là đều ăn theo các thông tin chưa rõ ràng về các đề xuất xây dựng dự án hạ tầng quan trọng như sân bay, cao tốc, hay các đại đô thị của các doanh nghiệp lớn đang có kế hoạch triển khai. Thông qua lực lượng “cò đất” hùng hậu, giá đất được đẩy lên cao chóng mặt. Giao dịch chủ yếu là lướt cọc, sang tay chứ không có giao dịch thật bởi những người này không có nhu cầu sử dụng đất. Những người nhảy vào sau cùng sẽ chịu trận. Không ít người tán gia bại sản vì mang tiền đổ vào những cơn “sốt đất”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, những cơn “sốt đất” không chỉ xảy ra ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xuất hiện tại những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng... Những cơn sóng đó xuất hiện chủ yếu bởi các thông tin quy hoạch như sân bay, đường cao tốc giao thông, dự án của doanh nghiệp lớn. Ông Hà khẳng định, dù chỉ trong thời gian ngắn nhưng “sốt đất” đã tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân.

111

Cần có những động thái can thiệp dứt khoát

Khi những cơn sốt đất không bắt nguồn từ những nhu cầu thật, sẽ khiến thị trường bất động sản rơi vào cảnh lộn xộn. Một nhóm người đầu tư lướt sóng, nhanh nhạy, mua tranh bán cướp thì hưởng lợi không nhỏ.

Mới đây trao đổi với báo chí, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận sốt đất ảo để lại hậu quả rất nặng nề. Bởi vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, “thổi giá”, “làm giá” để lừa đảo, trục lợi; triển khai phần mềm sử dụng chung để kết nối, tích hợp, cập nhật số liệu, dữ liệu vào hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản...

Còn với góc nhìn của một chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, để hạn chế tình trạng “cò” đất tạo sốt ảo, đẩy giá lên cao thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Cần có những động thái can thiệp dứt khoát, kịp thời để giải tán đám đông. Nếu chính quyền quan tâm quản lý thì “cò” đất không thể lộng hành.

Chính quyền các địa phương phải công bố công khai thông tin về các chủ trương phát triển kinh tế chủ trương, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch thu hồi đất ở địa phương của mình một cách cụ thể, rộng rãi, thuận tiện cho người dân và những nhà đầu tư có thể tra cứu. Quản lý chặt chẽ các hoạt động mang đất ra để san lấp, san ủi không đúng quy định của pháp luật. Quản lý các hoạt động mua bán môi giới giao dịch như chợ trên địa bàn của địa phương”, ông Nguyễn Văn Đính đề xuất.

111

Nhận định về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng “sốt đất” xảy ra ở khắp các nơi thời gian qua một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.

Các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ. Về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất để gặt hái lợi nhuận. Đầu tư bỏ tiền vào bất động sản để tăng giá bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế”, GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.

Phân tích về bất cập Luật Đất đai, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên từ 2016 đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa, và có lẽ đến 2023 mới có thể thực hiện sửa.

Hiện nay, luật còn rất nhiều bất cập lớn, cản trở phát triển kinh tế. Cơ hội phát triển của Việt Nam khá lớn nhưng đất đai cứ bị ách tắc với những quy định cũ. Ta có thể tóm lại các vấn đề của Luật Đất đai:

Một là đất nông nghiệp, hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung đất đai có hiệu quả. Đây là câu chuyện phức tạp và cần có thay đổi. Hiện nay, chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không làm thủ tục mà giấy tay là chính. Vấn đề thứ hai là phát triển nhà ở, hiện nay cũng có nhiều ách tắc. Hà Nội và TP.HCM là hai thị trường lớn nhất mà giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm chỉ phê duyệt được vài dự án. Đến tận gần đây, Chính phủ mới có Nghị định 148 gỡ vướng cho các dự án.

Vấn đề thứ 3 là ách tắc đối với các dự án bất động sản du lịch. Luật Đất đai hiện hành chưa có dòng nào về loại hình này. Vấn đề thứ 4 là chuyện người nước ngoài mua đất tại Việt Nam. Làm sao chúng ta ngăn chặn được hiện tượng mua chui số lượng lớn như báo chí truyền thông đã đưa tin? Những bất cập này tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó làm méo mó thị trường”, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chấn chỉnh tình trạng sốt đất ảo

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước, đề nghị triển khai nhiều giải pháp nhằm hạ nhiệt cơn sốt đất ảo đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Công văn nêu, thời gian gần đây qua công tác chỉ đạo điều hành và nắm bắt các thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí, giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai các dự án đầu tư.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án bất động sản phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư và pháp luật về kinh doanh bất động sản. Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Bộ cũng đề nghị các địa phương công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin, để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 5 năm 2021.


Theo Khánh An/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây