Thủ đoạn 'đường lưỡi bò'

Thứ tư - 07/04/2021 08:01
Bất chấp việc Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 phán quyết bác bỏ bản đồ "đường lưỡi bò" do Trung Quốc đưa ra để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nước này đã dùng mọi thủ đoạn để tiếp tục tuyên truyền bản đồ phi pháp này.

Tận dụng ưu thế của thị trường 1,4 tỉ dân đồng thời lại cấm nhiều dịch vụ của Google trong những năm qua, Trung Quốc ép các tập đoàn quốc tế phải sử dụng bản đồ Baidu cho tính năng định vị, tìm kiếm các vị trí cửa hàng của các tập đoàn trên website phiên bản Trung Quốc. Trong khi đó, bản đồ Baidu lại sử dụng “đường lưỡi bò” để thể hiện tuyên bố chủ quyền phi pháp mà Bắc Kinh đưa ra trên Biển Đông.

Cứ thế, vì quy mô thị trường Trung Quốc quá lớn, nhiều tập đoàn dù không muốn cũng trở thành công cụ tuyên truyền cho bản đồ phi pháp vốn đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ.

Cũng bằng cách khai thác lợi thế thị trường lớn, Trung Quốc đặt ra các rào cản để các hãng phim nước ngoài phải hợp tác với các công ty nội địa. Qua đó, Trung Quốc cũng không quên “cài cắm” bản đồ "đường lưỡi bò". Kết quả, như Thanh Niên từng phản ánh, bộ phim hoạt hình Abominable (tựa Việt: Everest: Người Tuyết bé nhỏ) dành cho trẻ em nhưng vẫn bị lồng ghép hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò”. Vụ việc này đã dẫn đến làn sóng chỉ trích ở nhiều nước trong khu vực, chứ không chỉ riêng tại Việt Nam, nên nhiều nước ra quyết định cấm lưu hành bộ phim trên.

Bắc Kinh đã sử dụng những chiêu trò để ép buộc phải có sự xuất hiện của bản đồ “đường lưỡi bò” bằng mọi cách, thậm chí gây khó khăn cho chính người dân của Trung Quốc. Điển hình, nhiều công dân Trung Quốc đã bị nước khác từ chối đóng dấu nhập cảnh do sử dụng hộ chiếu mà trong đó có “đường lưỡi bò”.

Tất cả đều nằm trong chiến lược dài hơi mà Bắc Kinh đang thực hiện nhằm tuyên truyền bản đồ “đường lưỡi bò” mọi lúc mọi nơi. Từ các nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các chuyên san quốc tế, cho đến các ấn phẩm đồ chơi trẻ em và thậm chí cả là các phương tiện học tập, trang trí… thì Trung Quốc đều tìm cách lồng ghép bản đồ phi pháp ấy.

Điều đáng lo là tại nhiều quốc gia ngoài khu vực, nhiều người không hề hiểu vấn đề liên quan tấm bản đồ trên. Cứ thế, một số bên bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon đã vô cùng ngạc nhiên và không hề biết một số quả địa cầu có thể hiện “đường lưỡi bò”. Tương tự, chỉ đến khi Thanh Niên liên hệ và phản ánh, nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế mới nhận ra rằng trong nhiều tài liệu nghiên cứu đã sử dụng bản đồ phi pháp, không được thế giới công nhận.

Có thể, Bắc Kinh đã lợi dụng thực tế này nhằm tăng cường tuyên truyền, tạo ra “sự đã rồi” cho tấm bản đồ của tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông nhằm đạt được mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Chính vì vậy, trong công cuộc bảo vệ chủ quyền nói chung, và cụ thể là chống lại việc Trung Quốc tìm cách lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”, đang ngày càng trở nên thách thức hơn đối với chúng ta.


 
Theo Hoàng Đình/Thanh niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây