Bất kỳ một người dân bình thường có con, có cháu đang đi học chương trình phổ thông ở nước ta cùng có thể thấy rõ, nền giáo dục phổ thông của chúng ta đang có những vấn đề nếu không kịp thay đổi để đi vào quỹ đạo quy chuẩn thì nhiều thế hệ trẻ em sẽ tiếp tục chịu những ảnh hưởng nặng nề trong sự tiếp thu kiến thức cơ bản và hình thành nhân cách. Những vấn đề của ngành giáo dục đã xuất hiện chí ít trên hai thập niên qua, và ngày càng hiển hiện rõ ràng, dai dẳng trong môi trường giáo dục. Đó là tình trạng dạy thêm, học thêm, là việc bắt phụ huynh đóng thêm các phụ phí, là bệnh thành tích, là bạo lực học đường… Những tệ nạn này diễn ra từ nhiều nhiệm kỳ trước, nhưng đến hết nhiệm kỳ này dường như không thuyên giảm mà ngược lại còn có dấu hiệu gia tăng với những biến tướng tinh vi hơn. Như việc dạy thêm, học thêm thì núp dưới bóng những lá thư yêu cầu của phụ huynh học sinh đề nghị thầy cô dạy thêm. Bệnh thành tích thì biến tướng thành những bài giải, bài văn được chép trước, học thuộc để vào giờ thi chỉ việc chép lại từ trí nhớ, rồi nâng điểm kém lên cho đủ điểm học sinh khá, học sinh giỏi… Thế cho nên trong năm năm qua mới xuất hiện tình trạng toàn lớp học sinh khá, với vài em học sinh giỏi, tỉ lệ lên lớp đạt 100% … trong khi thực chất chất lượng học sinh thì hoàn toàn ngược lại. Bạo lực học đường trong thời gian gần đây không chỉ gia tăng mà còn có những biểu hiện đáng lo ngại, như tổ chức đánh bạn tập thể, thầy đánh trò và trò đánh thầy…
Cùng với tệ nạn cũ đó, trong vòng 4,5 năm trở lại đây ngành giáo dục lại lại nẩy sinh thêm những hiện tượng khiến dư luận xã hội bất bình. Đó là sự giảm sút chất lượng của sách giáo khoa lớp 1, là sự gia tăng các loại sách tham khảo ở cấp tiểu và trung học khiến cặp sách của học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 ngày càng quá tải so với tuổi học trò. Đó là sự ép phụ huynh viết các lá đơn để mượn cớ gia tăng thêm các khoản thu cho lớp, cho trường… Trong tình hình đó, tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sau khi nhận chiếc ghế nóng của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đã có thư gửi toàn thể các nhà giáo trong ngành. Trong thư có đoạn: “Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó... Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có vị thế xứng đáng trong xã hội”.
Tuy lá thư của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mới chỉ thể hiện lời hứa quyết tâm, nhưng chúng ta cũng có quyền hy vọng ở tài năng và những quyết sách mới của ông sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu “trồng người” của xã hội. Còn với tư cách là người dân, chúng tôi hy vọng ở cương vị mới của mình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ có giải pháp để giảm bớt sức nặng chiếc cặp sách đang làm oằn lưng con trẻ nước ta, làm thoái hoá giống nòi Việt. Làm thế nào cho học trò cảm thấy niềm vui khi đến trường, phát huy được tính độc lập, sáng tạo chứ không phải là một sự học theo thành tích. Làm thế nào để loại trừ được tệ nạn bạo lực học đường. Làm thế nào để nhà trường không phải có thêm các loại đóng góp phiền toái như hiện nay…
Xin chúc tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ thực hiện được mục tiêu trong nhiệm vụ của mình để đưa nền giáo dục nước ta trở lại quỹ đạo như xã hội mong muốn.
Tác giả: Nguyễn Hiếu
Nguồn Văn nghệ số 16/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên