Ông Quý dáng to con, tóc cắt gọn, bộ ria mép con kiến rất bụi bặm nghệ sĩ, vừa gõ bàn phím làm việc vừa tòng tọc nói những điều mình biết, mình nghĩ, mình làm. Những điều được mất của nghề làm báo, nghiệp làm thơ cũng gan ruột tâm sự uẩn khúc đa đoan mà bạn bè hay bàn luận. Tôi hỏi Quý việc một số ít người cứ phân chia thơ ca Việt Nam ra các giai đoạn rạch ròi khô cứng. Nó làm lớp nhà thơ đàn anh không mặn mà lớp nhà thơ sau, các nhà thơ trẻ thì tung tẩy lờ thế hệ trước. Buồn lắm! Ông Quý cười to: “Thế mới là đời, là chữ nghĩa, nếu không có ganh đua đó thì không khí văn chương nước nhà nhạt lắm!”.
Quý lại trầm ngâm nói sâu lắng: “Theo tôi dòng thơ Việt là một dòng chảy liên tục bền bỉ, chỉ có một dòng thơ hay thôi. Thơ hay và có ích là chứng thực cao nhất không lệ thuộc luận thuyết trường phái nào, thơ không lụi tàn, có cả cánh đồng thơ bạt ngàn mùa mẩy hạt đấy chứ!”.
Cứ nhìn tuyển thơ, tập thơ xếp chồng ở phòng ông Quý mới đáng kính nể. Các người viết thơ có in tập thơ cũng muốn có cái madein Nhà xuất bản Hội Nhà văn trân trọng. Thơ không lạm phát không mất giá, nó là tâm hồn Việt sống trường tồn cùng thời gian.
Tôi hỏi ông Quý nghề làm báo và nghề làm sách văn chương có gì giống nhau, có gì khác biệt. Cái ghế Tổng biên tập báo và Phó giám đốc Nhà xuất bản, cái “Mặt ghế” nào mang ngôn ngữ của rừng cây và “Cái đầu luôn khao khát tự do”. Ông Quý lại cười: “Đó là “mặt ghế” này bác ạ! Ở đây tôi được đọc nhiều thơ, gặp nhiều giọng điệu, cách cảm, cách tư duy mới, ít tiền và quyền nhưng thấm được thế sự nhân gian qua rừng thơ. Đó là “Một bóng cây đổ rỗng bóng rừng! Thiên nhiên vẫn cháy trong từng thớ gỗ/ Lạ chưa kia mặt ghế hư vô”.
***
Nhà thơ Trần Quang Quý sinh năm 1955 ở làng Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ. Vùng đất cổ trung du gò đồi lúp xúp, làng mạc miên man dưới tán cọ, vườn chè, xào xạc lũy tre. Đất tổ Vua Hùng cội gốc dân tộc hồn vía mê cảm điệu hát xoan bùa ngải: “Tậm tầm vông ới a tầm vông” cùng nhịp trống quân vỗ vào thời gian, vỗ vào hồn cảm nhà thơ tương lai: “Nụ cười xanh tán cọ/ Nắng Việt Trì phơi phới vàng au/… Anh vẫn nhớ cánh đồng ngày xưa gieo hạt/ Hạt khổ đau/ Hạt lỡ/ Hạt còn”.
Học xong phổ thông, như bao thanh niên khác lớn lên trong cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quý xung phong đi bộ đội được tuyển vào công an vũ trang nay là bộ đội biên phòng. Gần bảy năm anh bộ đội Quý vượt đèo, lội suối len lách trong rừng sâu, núi thẳm của Nghệ An, An Giang, Kiên Giang… Năm 1977 ra quân Trần Quang Quý về làm cán bộ văn hóa Vĩnh Phú, rồi đi học khóa II Trường Viết văn Nguyễn Du. Năm 1988 ra nhập làng báo, từng là trưởng ban biên tập báo Nông thôn ngày nay, Tổng biên tập tạp chí Dân số và Gia đình, khai lập và Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, là Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn... Đường đời của ông Quý gắn với nghề báo, nghiệp văn, nghề gieo chữ, nhọc nhằn trên trang giấy, trên bàn phím.
Làm báo, ông Quý va đập với cái xấu, cái hèn, kém, ham hố và cái cao thượng nhân ái của xã hội đang rạn nứt bung phá, tạo lập của nền kinh tế mở. Ông Quý tìm về ngọn nguồn của con người, dân tộc để chiêm nghiệm lý giải những ngày “Ký ức phập phồng mụn vá/ Đau bạc ngày xanh”. Những bài thơ Giấc mơ hình chiếc thớt, Siêu thị mặt, Mặt ghế, Cây đèn đường… là phản quang từ đời sống bề bộn, bất trắc vào lăng kính tâm hồn thơ Quý. Cái được của nghề báo cho ông Quý nhiều sự việc, góc nhìn để luận thuyết thế sự nhưng dễ đánh mất cái nhân ái, vị tha của thơ. Xã hội nào cái ác, cái hèn mọn chẳng tồn tại đua tranh với cái thiện, cái đẹp. Quay lưng là bờ, lòng nhân mới là cửa mở cho cái xấu ra đi. Trong xã hội mỗi con người có danh phận của nó. Chị hàng rong có niềm vui mua bán, anh xích lô hể hả cười đón khách, bác thợ cày mừng cánh đồng bội thu. Họ vui niềm vui lao động, sống giữa tình yêu thiên nhiên và con người, không ham hố đua chen. Xin các nhà thơ đừng bắt họ buồn giả, đau giả ở cõi người.
Tôi hay ngồi café vỉa hè với các nhà thơ U50. Họ bàn về nghề làm báo, nghiệp làm thơ. Nghề báo mang tính thời sự, viết nhanh, duy lý rạch ròi nên thơ mất đi sự mờ ảo, lung linh cảm xúc. Họ dẫn chứng mấy nhà thơ làm Tổng biên tập báo này, báo nọ giờ làm thơ khô lắm. Họ cười to khen ông Quý mà may, trong cái mất lại có cái được, về đọc thơ ở nhà xuất bản ít tiền, ít quyền nhưng quản lý “Một siêu thị - thơ” tha hồ vùng vẫy. Chính vì vậy phần thơ luận thuyết thế sự của ông Quý không cao đàm khoát giọng, không khô cứng mà thủ thỉ duy cảm vị tha thu hút được người đọc.
Nhà thơ Trần Quang Quý là thế hệ người viết sau 1975, đang sung sức, có nhiều tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao về cách cảm, cách nghĩ, thi pháp, ngôn ngữ mới. Đó là lớp nhà thơ chuyển tiếp của dòng thơ chống Mỹ cuộn chảy sang dòng thơ xây dựng đất nước độc lập tự do, công nghiệp hiện đại và hội nhập toàn cầu. Một sứ mạng văn học nặng nề. Họ bám rễ vào cội nguồn văn hóa dân tộc của 4000 năm dựng nước, giữ nước nhưng bắt đầu thu nạp, học hỏi kiến thức của nền văn minh đa sắc màu.
Nhà thơ Trần Quang Quý viết chăm, in nhiều. Ngoài truyện ngắn, kịch phim, dịch, ông đã xuất bản nhiều tập thơ chất lượng. Đó là Viết tặng em trong ngôi nhà chật (1990) Mắt thẳm (1993), Giấc mơ hình chiếc thớt (2003), Siêu thị mặt (2006), Cánh đồng người (Song ngữ 2010), Màu tự do của đất (2012), Nguồn (2019). Ông Quý ôm nhiều giải thưởng thơ danh giá: Giải thưởng thơ tạp chí Văn nghệ quân đội (1984), 2 giải thưởng thơ tuần báo Văn nghệ 1990 và 1995, 3 giải thưởng thơ hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam: năm 2004 cho tập Giấc mơ hình chiếc thớt và năm 2012 cho tập Màu tự do của đất, năm 2019 tập Nguồn và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016.
Mạch hồn thơ Trần Quang Quý đồng hiện duy mỹ, mê đắm ở hai cảm xúc trong cùng bài thơ với thi pháp mới mở rộng dòng thơ và ngôn ngữ thơ. Đó là hệ duy lý, chiêm nghiệm triết luận về nhân sinh cõi đời. Đó là hệ duy cảm trước cái đẹp, thánh thiện của thiên nhiên, tình người, tình đất nước nguồn cội. Để chuyển tải mạch hồn thơ, Trần Quang Quý lặn sâu vào tiềm thức quá khứ để nương bay đôi cánh vào bầu trời thơ hiện đại. Tứ thơ được xây dựng có chủ đích để đến bạn đọc trong tầm tư tưởng khát vọng về ngày mai tươi đẹp.
Dòng thơ cuộn chảy theo các hình tượng liên kết thực và ảo. Ngôn ngữ thơ chắt lọc bóc tìm được hình ảnh cốt lõi bản thể của nó. Đúng như nhà lý luận phê bình Nguyễn Đăng Điệp viết: “Anh muốn đưa thơ vươn tới tầm tư duy mới mẻ của thơ ca hiện đại. Đó là nỗ lực nhìn cái rất quen bằng đôi mắt lạ, là ý thức soi chiếu đối tượng từ nhiều góc quét khác nhau…”.
Trần Quang Quý “soi chiếu” thế cuộc hôm nay trong sự rạn vỡ, bung phá, tái tạo của cái đẹp, cái nhân. Ông là người rung chuông cảnh tỉnh, cũng là người hy vọng “Tôi nhân nghĩa hay tôi hiểm ác/ Tôi đo bằng cách ném mặt mình vào siêu thị mặt/ Hy vọng mỗi ngày giá nhân nghĩa nhích lên” (Siêu thị mặt).
Ông Quý luận thuyết cõi người, nhập thiền đạo Phật sắc sắc không không để trong trẻo niềm mong sống đẹp và tốt hơn.
Ta lùa tay vớt cõi phù vân bên khung cửa sổ nhà nghĩ vớt những cơn mưa đang trôi, những cơn mưa hoang dã bầu trời.
Tâm thức lững lơ
Thời gian hoang gió núi
Tất cả đều lọt qua kẽ tay
Cả nỗi buồn, cả nỗi người mây trắng
(Một mây Tam Đảo)
Cõi đời, cõi phù vân, danh lợi qua như gió lọt kẽ tay, câu thơ thanh tao óng ả như đất mây Tam Đảo.
Trần Quang Quý hòa nhập thiên nhiên, đất đai, làng quê với hồn thơ đằm thắm, ma mị phồn thực. Miền Trung du Bắc bộ ấy với các dòng sông lững lờ, vườn chè đồi cọ xanh non, mùa thu mờ ảo sương giăng đã ám vào thơ Hữu Thỉnh, Trần Quang Quý. Đúng như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo viết: “Con người mang tiềm thức quê hương, càng đổi thay không gian bao nhiêu thì cái tiềm thức quê ấy càng vững chắc hiện hữu bấy nhiêu… Đọc thơ Trần Quang Quý và cảm ơn anh đã lập lại hồn tôi xanh thẳm một miền quê”. Cảm xúc đất đai, làng quê, người thân, nguồn cội được ông Quý tìm đến tận cùng niềm ký ức, miền yêu thương. Từ các sự vật giản đơn gắn bó một đời tuổi thơ: cái sàng, cối xay, thúng mủng, con cua, bờ duối… đắm đuối tái hiện với các câu chữ dồn nén, chọn lọc:
Ta ngược về thương cũ áo tơi
Chum vại tháng ba nằm rỗng
Quả cà muối dón qua rào hàng xóm
Bát trăng đong ngấn mắt đêm rằm
(Nhớ nguồn)
Ông Quý thấm “Gương mặt thời gian nhàu nát ruộng bùn” để ân nghĩa quê nghèo có chợ chiều, mái rạ, bờ đê và người thân vất vả đồng xa, ruộng gần đầy lòng hy sinh nhân hậu:
Qua qua chợ nghe rỗng lòng thúng mủng
Lấm tấm chân cua bò ngang số phận
Cọng rơm ngày không thóc
… Tức tưởi những bờ tre rụng tóc
Mồ hôi làng trần trọc chảy sang tôi
Thơ viết về bà, về mẹ, về người con gái yêu vụng, nhớ thầm của ông Quý tức tưởi đầy thương mến: “Chiếc gậy của bà khua dọc mùi hương qua nhà hàng xóm/ Sân trăng rúc rích giần sàng” và “Mẹ cổ xưa như bếp lửa nhà ta” để mãi nhớ:
Nhớ mãi hiên chiều mẹ ta sàng gạo
Dưới tay người rào rạt mắt thời gian
Rồi em nữa, mái tóc buông mềm xanh trời trung du hút hồn thi sĩ: “Hoa xoan chợt hoang vu chiều nhớ/ Tóc ai về gọi gió bờ đê”…
Trần Quang Quý đi nhiều, thích xê dịch. Ông đã đi Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan. Ông về đất mũi Cà Mau, lên Lũng Cú… ngang dọc trời Nam đất Bắc. Ông Quý có thơ hay về các vùng đất ấy. Thơ ông soi chiếu được hồn vía nguồn cội hệ văn hóa, hệ tư tưởng con người lịch sử nơi đó…. Đất nước trong thơ Trần Quang Quý, đẹp lộng lẫy, ấm màu, thăm thẳm, bình dị như một bức tranh sơn dầu cố họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Tôi hay ngồi hầu chuyện các bậc đàn anh Định Hải, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Ngô Thế Oanh… để lắng nghe những điều bình xét về thơ. Tôi cũng ùa vào với lứa em út nghe họ bàn gì, nói gì về thơ hôm nay. Với Trần Quang Quý người khen người chê nhưng đều thống nhất: Thơ của ông Quý đang có bứt phá về thi pháp và ngôn từ, cách cảm mới, sáng tạo chữ, triển khai mạch thơ văn xuôi… đó là điều cổ vũ và trân trọng.
Đọc thơ Trần Quang Quý, quý ở chỗ ở bài nào cũng có câu hay, từ đẹp, như hạt ngọc lấp lánh. Ông Quý chọn được động từ, trạng từ đắc địa, “bóc” vỏ được cảm xúc như: rỗng, lột, cởi, thui thủi, tức tưởi, trĩu, tụt… sống động cựa quậy trong tiềm thức người đọc. Ông Quý còn là người mạnh dạn dùng danh từ sex để nói những cái gì xưa kiêng kỵ, né tránh nay đã thông dụng trên truyền thông đại chúng như: khỏa thân, lột trần, núm vú, bờ cong… không gây phản cảm, nó là khoa học hội nhập ở thế giới phẳng muôn màu.
Trên cánh đồng thơ của mình, Trần Quang Quý lao động cật lực như người nông phu sức dẻo bền trí não, nguồn mạch cảm xúc, sự mê đắm cuộc đời cho nhà thơ học nhiều, đọc nhiều, viết nhiều. Ông Quý khoe với bè bạn vừa dịch được vài chục bài thơ của Ấn Độ. Ông xuýt xoa: “Thơ sâu sắc ý tưởng, giàu nhân ái. Họ viết thơ về sự trường tồn của đất nước con người họ yêu…”.
Trên cánh đồng thơ, Trần Quang Quý miệt mài dồn trí lực vào những mùa gieo cày. Mong học từ đất một tình yêu để mùa thơ chắc hạt, nặng bông: “Một đời khát vọng/ tìm gió/ theo mây/ mới hay mọi điều học ngay từ đất”. Đó là đức tin nghiệt ngã, thánh thiện của một đời văn.
Hạt lại gieo. Nhẫn nại. Hạt người.
(Bài hát tháng 10)
Tác giả: Nguyễn Ngọc Quế
Nguồn Văn nghệ số 13/2021
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên