Từ 'món nợ' của đại biểu Nguyễn Văn Giàu

Thứ năm - 25/03/2021 10:19

Trước khi Quốc hội khóa XIV họp kỳ cuối cùng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu tâm sự rằng đây là một nhiệm kỳ 'rất thành công', nhưng ông còn cảm thấy 'nợ' dân hai điều.

 

"Món nợ" thứ nhất là chưa có chính sách tốt để giúp nông dân thoát khỏi tình trạng được mùa rớt giá, được giá mặt hàng này lại mất giá mặt hàng kia; thứ hai là hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long quá tải, tụt hậu.

Với đánh giá của lãnh đạo Đảng, Nhà nước rằng chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như ngày hôm nay, đặc biệt là với tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 6% cho toàn giai đoạn trong bối cảnh được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví là "con tàu Việt Nam đã đi qua hải trình dồn dập bão tố", các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều vinh dự được góp phần trong thành công đó. 

"Nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách mang tính đột phá, thể hiện tính kịp thời, sự quyết liệt, tạo hành lang pháp lý về đổi mới tổ chức bộ máy, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo trước quốc dân.

Tuy vậy, còn đó những vấn đề đặt ra từ nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, vì các lý do khách quan, chủ quan khác nhau chưa giải quyết triệt để được, khiến các đại biểu quốc hội cảm giác như mình mắc nợ. 

Một trong số đó là "điểm nghẽn" cơ sở hạ tầng vẫn chưa đạt được những bước tiến đột phá, đặc biệt là với "vùng trũng" như Đồng bằng sông Cửu Long. Có lần đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) bức xúc lên tiếng rằng mặc dù kỳ họp Quốc hội nào ông cũng phát biểu căng thẳng, nhưng ông sẽ tiếp tục phát biểu cho đến khi nào những vấn đề đặt ra được giải quyết mới thôi. 

Cho đến cuối nhiệm kỳ, những kiến nghị không mệt mỏi của đại biểu Quốc hội đã "buộc" Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hứa đến năm 2025 Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 300km đường cao tốc.

Trong những thành tích được liệt kê, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư những dự án, công trình quan trọng quốc gia, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể như xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần của dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Nhưng xét cho cùng, cả hai dự án này đều được Quốc hội định hướng chủ trương đầu tư từ nhiệm kỳ trước. Sau nhiều lần xem xét, điều chỉnh, thực hiện các thủ tục, đến nay một số dự án thành phần cảng hàng không quốc tế Long Thành mới khởi động bước đầu; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì triển khai chậm và nhiều dự án thành phần Quốc hội phải chuyển đổi hình thức đầu tư so với quyết định ban đầu (từ PPP sang đầu tư công).

Vậy đến năm 2025 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 300km đường cao tốc không? Cảng hàng không quốc tế Long Thành có "về đích" đúng tiến độ? Và bao giờ chúng ta thực sự có nối tuyến cao tốc liền một dải từ Lạng Sơn đến Cà Mau? Những câu hỏi ấy còn để lại khi nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đã kết thúc.

Và "món nợ" đại biểu Giàu nêu ra không chỉ là "nợ" của riêng ông chưa "trả" được cho cử tri. Hay nói cách khác, vẫn còn đó những mong mỏi, kỳ vọng, tâm tư, ý nguyện của người dân chưa thể giải quyết rốt ráo được. 

Cũng như không ít đại biểu Quốc hội quá tuổi ứng cử, không còn tiếp tục được cống hiến trong bộ máy nhà nước, không tiếp tục làm người đại diện của dân ở nhiệm kỳ tới, đại biểu Giàu sẽ trao "quyền thừa kế" trách nhiệm này cho các đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026).
 

Theo Lê Kiên/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây