Không công khai thì rất nhiều cơ quan vẫn sử dụng những người dùng bằng giả đó với tư cách tiến sỹ, thạc sỹ, dù là hữu ý hay chỉ là không phát hiện được.
Theo Trung tâm Công nhận văn bằng thuộc Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục - Đào tạo), thì qua kiểm tra, đã phát hiện hàng chục ngàn văn bằng có yếu tố nước ngoài bị cơ quan này từ chối công nhận tại Việt Nam. Lý do, những trường cấp văn bằng đó không được Việt Nam công nhận. Trong số những văn bằng không được công nhận đó, có văn bằng có được khiến người ta phải… cười ra nước mắt.
Đó là trường hợp một ông làm… tiến sỹ ở Trường đại học Asia E (AeU, Malaysia). Theo hồ sơ, thì ngài quan chức này đã học chương trình tiến sỹ giáo dục học, ngành giảng dạy tiếng Anh trong thời gian 4 năm, từ năm 2011 đến năm 2015. Nhưng theo thông tin trên hộ chiếu, thì ngài tiến sỹ không… học trực tiếp (lời lãnh đạo trung tâm công nhận văn bằng) mà trong 4 năm đó, ngài chỉ sang Malaysia 4 lần, mỗi lần 2 ngày kể cả thời gian đi về, tổng cộng 8 ngày tất cả.
Không học trực tiếp nghĩa là có nhiều hình thức hoặc nguyên nhân khác, trong đó có thể thuê người học thay hoặc mua bằng, tức cái bằng đó là bằng "rởm". Con số hàng chục ngàn tấm bằng đó, mà toàn là bằng cấp cao, nói lên điều gì?
Thứ nhất, là số người dùng bằng đó đều có hy vọng tiến thân, leo cao, bởi người trung thực chẳng ai dùng bằng loại đó. Thứ hai, con số đó cũng góp phần trả lời câu hỏi ở nhiều cấp quản lý lại có số người có bằng tiến sỹ nhiều đến thế?
Cho đến nay, mới chỉ có 3 người dùng bằng tiến sỹ "rởm" được công khai danh tính. Thứ nhất là ông Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng; thứ hai là ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (khóa XIV) tỉnh Bình Định. Và thứ ba là ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Ông này còn nổi tiếng với cái tên “ngài tiến sỹ 17.000 USD”, bởi ông đã lấy 17.000 USD ngân sách sang nước ngoài mấy ngày để rước về một tấm bằng Tiến sỹ của một trường đại học rởm.
Đáng lưu tâm là 3 vụ bị công khai danh tính ở trên đều liên quan đến những người có chức vụ cao trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Lại nữa, mới đây nhất, qua kiểm tra bằng cấp của 10 cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), thì phát hiện tới… 9 người dùng bằng giả (?).
Một vấn đề nữa cũng gây rất nhiều bức xúc cho dư luận, là vì sao hàng bao nhiêu tấm bằng như thế, mà chủ nhân của chúng chưa bị Bộ GD-ĐT công khai danh tính? Không công khai, thì rất nhiều cơ quan vẫn sử dụng những người dùng bằng giả đó với tư cách tiến sỹ, thạc sỹ, dù là hữu ý hay chỉ là không phát hiện được…
Chừng nào danh tính chủ nhân của hàng chục ngàn tấm bằng đó còn bị vùi trong bóng tối, thì những người sử dụng chúng vẫn tiếp tục có thể thăng tiến, không chừng còn ngày ngày lên giọng răn dạy người đời về đạo đức, về tính trung thực…
Theo Nhà văn Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên