Những “ông Nghè” công chức!

Thứ hai - 22/03/2021 08:41

Tiến sỹ học xong, lấy bằng rồi gần như… đoạn tuyệt với khoa học. Luận án, công trình “mọc rêu” trong kho lưu trữ. Nghĩa là học vị tiến sỹ gần như không phục vụ cho công việc mà chỉ để giới thiệu cho… oai.

111
Chuyện sính bằng cấp, chạy theo bằng cấp, tư duy trọng bằng cấp hơn năng lực vốn đã quá phổ biến.

Một cơ quan, tổ chức không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý nhà nước về khoa học công nghệ hay giáo dục đào tạo nhưng lãnh đạo vẫn đi học tiến sỹ. Và không hiểu thời gian đâu để một công chức vừa hoạt động công vụ mẫn cán lại vừa nghiên cứu khoa học.

Có người thậm chí, còn vừa ăn lương công vụ, vừa tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước lại vừa học tiến sỹ.

Dân gian gọi vui đó là những lãnh đạo… siêu nhân. Cũng chính dân gian hiện đại còn ví von các lớp đào tạo tiến sỹ ấy là… “lò ấp” hay lớp thứ… 15. Sở dĩ gọi là lớp thứ 15, bởi đó là gọi theo cấp học tăng dần theo thứ tự từ thấp đến cao: đại học (lớp 13), thạc sỹ (lớp 14) và tiến sỹ (lớp 15).

Trong khi nghiên cứu khoa học là một hoạt động sáng tạo đặc biệt thì người ta lại xem như đó là một cấp học có ý nghĩa… số học. Tức là kiểu cứ từ từ xếp hàng tuần tự rồi sẽ đến lượt.

"Tôi không biết công chức mình đào tạo tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học, cần học là chính sách công". Đó là quan điểm được Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng đã nêu tại hội nghị phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ diễn ra sáng 18/3.

Đây không phải là vấn đề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Vì thế, phát biểu của ông Dũng đã khiến dư luận tiếp tục dậy sóng.

Là bởi bấy lâu nay ở ta chuyện sính bằng cấp, chạy theo bằng cấp, tư duy trọng bằng cấp hơn năng lực vốn đã quá phổ biến. Nó hiển hiện ngay trong quan niệm xã hội và trong cả quy trình đề bạt, giới thiệu, cất nhắc cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Một người dù có năng lực thực tiễn tốt đến mấy nhưng thiếu điều kiện cần là bằng cấp, chứng chỉ, cơ hội sẽ giảm đi trông thấy, thậm chí không có cơ hội phát triển.

Và vì thế, tiến sỹ dần trở thành một danh hiệu, một đích đến hơn là một hành trình nỗ lực nghiên cứu sáng tạo ra những giá trị mới cho khoa học.

Bây giờ, người ta cũng không còn giật mình nếu nghe giới thiệu một vị lãnh đạo cấp… huyện có học vị tiến sỹ. Bởi nói như ông Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hồ Chí Minh thì đến công chức phường cũng đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học.

Tất nhiên, rất nên khuyến khích những cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo nỗ lực học hành nhưng phải là thực học, thực việc chứ không phải học để lấy bằng, để tranh thủ cơ hội tiến thân.

Hiếu học không đồng nghĩa với ham hố học hàm, học vị, danh hiệu. Hiếu học phải là tinh thần học tập suốt đời, học để phụng sự, cống hiến.

Việt Nam là đất nước bị ảnh hưởng bởi Nho học. Người xưa đi học để làm quan, để kinh bang tế thế. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến quan niệm học hành, thi cử sau này. Trong khi thực học phải là: học để có kiến thức, có kỹ năng, có đạo đức để làm việc. Học tốt, làm việc tốt ắt sẽ được lựa chọn để… làm quan.

Mới đây nhất, một tiến sỹ là chủ tịch huyện ở Thanh Hóa đã được điều động làm Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ. Nhiều người cảm thấy tiếc cho sự nghiệp chính trị của ông này vì đang làm cấp trưởng phải xuống cấp phó, cho dù về ngạch, bậc, đó là cấp tương đương. Nhưng thực chất đó là sự sắp xếp phù hợp với năng lực, sở trường, đặt vị lãnh đạo ấy đúng chỗ. Một tiến sỹ - nhà khoa học cần phải có môi trường khoa học để hoạt động, cống hiến, phát huy tài năng hơn là sắp xếp ở vị trí điều hành một cơ quan hành chính địa phương thuần túy.

Bên cạnh những vị tiến sỹ học để nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc ít nhất là quản lý lĩnh vực khoa học, giáo dục thì vẫn còn có những tiến sỹ học để “tráng men”. Nghĩa là học vị tiến sỹ gần như không phục vụ cho công việc mà chỉ để giới thiệu cho… oai.

Là tiến sỹ nhưng đến hội thảo khoa học lại với tư cách dự khán để giới thiệu đại biểu. Vậy, tiến sỹ để làm gì?

Tiến sỹ học xong, lấy bằng rồi gần như… đoạn tuyệt với khoa học. Luận án, công trình “phủ bụi” trong kho lưu trữ. Vậy, tiến sỹ để làm gì?

Có những quan chức, ngày bảo vệ luận án tiến sỹ bị biến thành ngày… hội. Xe pháo rồng rắn từng đoàn nườm nượp chúc mừng. Phòng đánh giá luận án, diễn đàn học thuật trở thành… sân khấu ngợp hoa và những lời có cánh.

Quyền lực của tri thức không giống với quyền lực từ những chiếc… ghế. Cân – đai -  áo - mũ không tạo nên những ông Nghè. Đừng để cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến phải… tái thế bằng những câu châm biếm bất hủ:

“Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe,

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”

(Trích: “Tiến sỹ giấy” – Nguyễn Khuyến)


Theo Quang Duy/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây