Bạo lực học đường không chỉ xuất phát từ nhà trường

Thứ hai - 22/03/2021 09:21

Bạo lực học đường xuất phát từ đâu? Bạo lực trên phim ảnh, bạo lực trên đường phố đều gián tiếp nảy sinh bạo lực ở học đường.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, đã xuất hiện hai clip nữ sinh đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội, khiến cộng đồng âu lo. Không khó khăn gì, để xác định được nơi xảy ra vụ việc cũng như những đối tượng tham gia vào cuộc ẩu đả đáng ái ngại kia.

Thứ nhất là hai nữ sinh đánh nhau ngay trong lớp học ở Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM. Thứ hai là hai nữ sinh đánh nhau tại bãi đất trống gần khu vực trường học ở thị trấn Vĩnh Thuân, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Học trò có những bất hòa không tránh khỏi. Thế nhưng, nữ sinh đánh nhau lại được những người xung quanh hò reo cổ vũ và quay clip, thì không phải chuyện bình thường.

Thái độ quyết liệt ăn thua của nữ sinh đánh nhau và thái độ cười nói hả hê của những người chứng kiến, đã nói lên điều gì? Đó là dấu hiệu hình thành tâm lý hứng thú giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Nhiều năm nay, bạo lực học đường đã xuất hiện gây nhức nhối lương tri. Tuy nhiên, không có tổ chức nào tiến hành khảo sát và đánh giá đầy đủ để tìm giải pháp tích cực hơn. Nam sinh đánh nhau đã không hay, mà nữ sinh đánh nhau thì càng khủng khiếp hơn. Hai đối tượng lao vào đánh nhau có thể là sự nóng giận không thể kiềm chế, nhưng không ai can gián hay tìm cách chấm dứt sự xung đột ấy mới là điều cần suy nghĩ.

Sự thật bẽ bàng đã và đang chứng minh, trong nhà trường hiện nay không có một bài giảng nào để hướng dẫn học sinh ứng xử với những căng thẳng giữa người với người. Nói cách khác, áp lực thi cử và điểm số đè bẹp kỹ năng sống. Thậm chí, một đường dây nóng của ban giám hiệu để phản ánh vụ việc cũng không có. Đừng nghĩ đơn giản đó là xích mích trẻ con. Và cũng đừng nghĩ đơn giản, chỉ cần kỷ luật đuổi học những trường hợp nữ sinh đánh nhau thì sẽ lập lại không khí lành mạnh cho học đường.

Giữa thời đại internet, trường học không còn khả năng tồn tại như một ốc đảo bình yên riêng biệt nữa. Trường học bị tác động bởi gia đình và xã hội. Chưa từng thấy vụ nữ sinh đánh nhau nào xảy ra ở trường quốc tế hay trường chuyên lớp chọn. Những trường học càng có nhiều con em của lao động nghèo thì càng thường xuyên có nữ sinh đánh nhau. Vì những nữ sinh kia từng một lần hoặc nhiều lần bắt gặp lối sử dụng bạo lực để giải quyết các vướng mắc xung quanh mình. Hoặc, ở nhà thì bố mẹ dùng bạo lực với con, nên con đến trường dùng bạo lực với bạn bè.

Hai clip nữ sinh đánh nhau ở TPHCM và Kiên Giang, chưa hẳn là hai ví dụ cuối cùng. Bạo lực trên phim ảnh, bạo lực trên đường phố đều gián tiếp nảy sinh bạo lực ở học đường. Để kiến thiết một nền văn minh đích thực, thì thế hệ tương lai của đất nước phải tập được thói quen đối thoại thay cho bạo lực. Muốn vậy, những bài học đạo đức hoặc những buổi tuyên truyền vẫn chưa đủ, mà phải xây dựng nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực. Nếu ở nơi công cộng, người nào dùng bạo lực thì lập tức bị xử lý nghiêm khắc chứ không chỉ bị phạt hành chính, may ra mới hết thảm cảnh nữ sinh đánh nhau. 
 

Theo Nhà thơ Lê Hiếu Nhơn/NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây