Thiếu căn cứ quân sự
Trung Quốc đã thực hiện đợt nâng cấp và mở rộng lực lượng hải quân lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này và đây cũng là đợt mở rộng hải quân lớn nhất thời kỳ hậu chiến tranh Lạnh.
Lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện vận hành 2 tàu sân bay và đang đóng thêm 2 tàu sân bay khác nhằm hướng đến mục tiêu sở hữu 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào giữa những năm 2030. Điều này có thể giúp hải quân Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành “Hải quân nước Xanh” (Blue-water Navy - một lực lượng hải quân có khả năng hoạt động ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhất là ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà - ND). Song để đạt được tham vọng đó, Bắc Kinh cần phải giải quyết một vấn đề lớn là thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài để từ đó các lực lượng được triển khai trên toàn cầu của họ có thể hoạt động.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, hải quân Trung Quốc đã có những bước phát triển lớn trong bốn thập kỷ qua và tiếp tục thu hẹp khoảng cách với Hải quân Mỹ. Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI), năm 2015, hải quân Trung Quốc chỉ có 225 chiến hạm trong biên chế. Nhưng tới cuối năm 2020, lực lượng này đã có khoảng 360 chiến hạm, nhiều hơn Mỹ 63 chiếc.
Tuy vậy, theo SCMP, hạm đội Trung Quốc vẫn kém xa so với Hải quân Mỹ xét về yếu tố tổng trọng tải. Hải quân Trung Quốc sở hữu nhiều chiến hạm nhất thế giới nhưng chủ yếu là tàu thuyền cỡ nhỏ, hoạt động gần bờ, khó cạnh tranh sức mạnh với Mỹ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng thiếu các căn cứ ở nước ngoài để triển khai chúng.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chỉ có duy nhất 1 căn cứ đặt ở nước ngoài. Trong khi đó, Mỹ duy trì gần 800 căn cứ quân sự ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống căn cứ quân sự Mỹ ở nước ngoài như một “mạng lưới khổng lồ” phủ kín địa cầu.
Thực tế nói trên đã khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Căn cứ hải quân nước ngoài duy nhất của Bắc Kinh ở Djibouti. Là một nước nhỏ thuộc vùng Sừng châu Phi, Djibouti có một vị trí đắc địa vì nằm gần eo biển Bab al-Mandeb tấp nập tàu thuyền, ngăn cách Vịnh Aden và Biển Đỏ. Toàn bộ tàu thuyền bắc tiến thông qua kênh đào Suez để đến châu Âu hay xuôi về phương nam vào Ấn Độ Dương đều phải đi qua eo biển này.
Trước đây, chính sách của Trung Quốc phần lớn không ủng hộ việc thiết lập căn cứ quân sự ở nước ngoài. Hiện giờ, Trung Quốc đã đảo ngược chính sách này, để có thể gia tăng hiện diện quân sự.
Sở hữu hạm đội được cho là lớn nhất thế giới, Trung Quốc ngày càng có nhu cầu thiết lập các cơ sở hạ tầng ở nước ngoài để bảo vệ và bảo trì các tàu chiến. Các căn cứ này sẽ giúp Bắc Kinh vươn xa sức mạnh ra khỏi vùng lãnh hải của mình và bảo vệ cái gọi là “Con đường Tơ lụa trên biển”. Là một trụ cột trong Sáng kiến Vành đai - Con đường, “Con đường tơ lụa trên biển (MSR)” phản ánh tham vọng vươn tầm của Trung Quốc từ một cường quốc khu vực sang tầm thế giới.
“Thiếu căn cứ quân sự ở nước ngoài là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc vì Bắc Kinh quá phụ thuộc vào các thị trường, năng lượng và các nguồn tài nguyên tự nhiên ở những địa điểm xa xôi, chẳng hạn như Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latin. Hơn nữa, các dự án trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường rất dễ bị thiệt hại và gián đoạn. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Trung Quốc”, SCMP dẫn nhận định của Timothy Heath, nhà phân tích an ninh cấp cao tại Rand Corp cho biết. Theo ông Timothy Heath, dù Trung Quốc có lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh nhưng nhưng nước này vẫn thiếu khả năng điều động các hạm đội tàu tới những vùng biển khác.
Không theo đuổi mô hình thành lập liên minh
Việc xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài không hề đơn giản như việc cắm 1 lá cờ. Nó đòi hỏi Bắc Kinh phải đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực. Hơn nữa, Trung Quốc không theo đuổi mô hình giống như mô hình tạo lập liên minh và đối tác của Mỹ và cũng không cởi mở với những cam kết giống kiểu liên minh – vốn là một trong những điều kiện quan trọng để một quốc gia có thể duy trì lực lượng quân sự tại nước khác.
“Hiện tại, Trung Quốc thiếu các cơ sở như vậy vì các thỏa thuận thiết lập căn cứ và đồn trú quân đội thường đòi hỏi những cam kết giống như liên minh – điều mà Bắc Kinh không muốn thực hiện”, chuyên gia Health nhấn mạnh.
Song ông cho rằng, Trung Quốc sẽ tìm kiếm một loạt thỏa thuận về tiếp cận quân sự. “Thỏa thuận cho phép các tàu quân sự Trung Quốc dừng và tiếp nhiên liệu sẽ rất hữu ích, và đây có thể là hình thức tiếp cận phổ biến nhất mà Trung Quốc sẽ tìm kiếm. Nhưng điều này đồng nghĩa với việc các cảng lưỡng dụng (sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự) cần phải được nằm dưới sự quản lý của các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc”.
Vấn đề đặt ra là việc các công ty thương mại Trung Quốc thâu tóm một số cảng biển trên thế giới đã khiến nhiều quốc gia lo ngại. Sự lo ngại ở đây là Bắc Kinh sẽ duy trì sự hiện diện trong thời gian bao lâu, với quy mô như thế nào và mục đích ra sao. Điều đó khiến họ không muốn để Bắc Kinh kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng của mình.
Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, nhận xét rằng chính sách quốc phòng của Trung Quốc chủ yếu mang tính chất phòng thủ và vì thế nước này ít cần đến các căn cứ ở nước ngoài.
"Lực lượng hải quân của Trung Quốc chủ yếu có nhiệm vụ chống lại các mối đe dọa ở các vùng biển lân cận. Mỹ đã triển khai nhiều tàu sân bay và máy bay chiến đấu đến Biển Đông, đi qua eo biển Đài Loan và điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa”.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng lực lượng hải quân và tầm ảnh hưởng, nước này có thể tìm những cách thức mới để thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài, nếu không, PLAN sẽ đơn thuần chỉ là một lực lượng lớn trong khu vực./.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo National Interest
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên