Quan hệ EU – Trung Quốc bất ngờ 'nổi bão'

Thứ tư - 24/03/2021 10:19
Ngày 22/3, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên áp các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trong hơn 30 năm. Chỉ vài phút sau, Bắc Kinh tuyên bố đáp trả.
111
Các lãnh đạo Trung Quốc và EU trên màn hình hội nghị trực tuyến thông báo hoàn tất đàm phán CAI. Ảnh: Euronews

Bắc Kinh thông báo sẽ trừng phạt cả tá chính trị gia châu Âu, bao gồm 4 nghị sĩ cấp cao, thành viên của ủy ban nhân quyền thuộc Nghị viện châu Âu.

Quan chức phụ trách đối ngoại EU Josep Borrell nói tại một cuộc họp báo rằng việc Bắc Kinh đáp trả ngay lập tức, tạo nên “bầu không khí mới” cho quan hệ EU - Trung Quốc, Euronews đưa tin. Giới phân tích cho rằng, thực tế mới đó có thể đe dọa thỏa thuận đầu tư mà hai bên mới ký hồi tháng 12. Một số người coi diễn biến lần này là khoảnh khắc tràn ly đối với Brussels, dù EU trước đó vẫn cách biệt với lối tiếp cận mạnh mẽ và cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Dưới thời chính quyền Biden, Mỹ tiếp tục quyết liệt chỉ trích Bắc Kinh và dành nhiều công sức hơn để xây dựng lực lượng nhằm cạnh tranh với quyền lực của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.  Nỗ lực đó được nhìn thấy trong thượng đỉnh Bộ Tứ lần đầu tiên của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đầu tháng này. Dù chính quyền Biden gọi cách đối xử của Trung Quốc với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bằng từ “diệt chủng”, EU đến nay vẫn tránh sử dụng từ này. Nhưng Brussels vừa trở thành mục tiêu của ngoại giao “chiến binh sói” mà các quan chức Trung Quốc sử dụng để đáp trả những chỉ trích từ nước khác.

“Bước đi của EU hoàn toàn dựa trên lời nói dối và thông tin sai lệch, coi thường và bóp méo sự thật, can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản về quan hệ quốc tế, phá hoại nghiêm trọng quan hệ Trung Quốc - EU”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố ngày 22/3.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những cá nhân ở châu Âu bị trừng phạt sẽ bị cấm vào Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, và các tổ chức cũng như công ty liên quan đến họ sẽ bị cấm làm ăn ở Trung Quốc.

“EU nên thôi giảng giải cho người khác về nhân quyền và can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Họ nên chấm dứt cách làm đạo đức giả khi dùng tiêu chuẩn kép và dừng đi sai đường. Nếu không, Trung Quốc sẽ kiên quyết đưa ra những phản ứng tiếp theo”, tuyên bố nói.

Ðẩy EU về phía Mỹ

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người thường có cách nói ôn hòa hơn với Trung Quốc, vừa viết trên Twitter: “Động thái của Trung Quốc là phản ứng hoàn toàn phi lý đối với cơ chế áp dụng các biện pháp trừng phạt nhân quyền của EU”. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói những hành động của Trung Quốc là “hoàn toàn không thể hiểu được”. “Chúng tôi trừng phạt những người vi phạm nhân quyền, không phải các nghị sĩ như điều phía Trung Quốc vừa làm. Điều này vừa không thể hiểu vừa không chấp nhận được với chúng tôi”, ông Maas nói.

Nhiều dự đoán cho rằng, căng thẳng này sẽ gây tổn hại cho thỏa thuận đầu tư mà Ủy ban châu Âu và Trung Quốc nhất trí hồi tháng 12, bất chấp kêu gọi của chính quyền Mỹ sắp kế nhiệm rằng hãy trì hoãn để Mỹ và EU có thể phối hợp với nhau tốt hơn trong quan hệ với Bắc Kinh.

Lúc đó, Thỏa thuận đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) vấp phải chỉ trích gay gắt từ các chuyên gia của châu Âu về Trung Quốc vì theo họ, cho nó mang lại cho Bắc Kinh nhiều lợi hơn Brussels. Trước khi được phê chuẩn, CAI phải qua được Nghị viện châu Âu. Cơ quan này vốn đã có hoài nghi lớn về Bắc Kinh trước khi Trung Quốc trừng phạt trả đũa.

Việc Bắc Kinh đáp trả có thể buộc EU tiếp tục có biện pháp với Trung Quốc, nhất là khi Brussels vẫn chưa nguôi ngoai về chuyến đi mất mặt của ông Borrell đến Mátxcơva hồi tháng trước, Asia Times bình luận. Trong cuộc họp báo chung dịp đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói EU là một “đối tác không đáng tin cậy” mà ông Borrell chỉ nhăn mặt. Trở về Brussels, ông bị nhiều quan chức EU chỉ trích vì không bảo vệ khối.

Mâu thuẫn EU - Trung Quốc xảy ra chỉ vài ngày sau khi Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì chỉ trích Mỹ gay gắt trong cuộc gặp Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan tại Alaska ngày 19/3. Hôm 23/3, ông Blinken đến Brussel để gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và các quan chức khác.
 

Theo Thu Loan/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây