Xung đột liên quốc gia
Liên quan đến vấn đề về an ninh nguồn nước vừa được Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội tổ chức phiên giải trình, Bộ Xây dựng đã nêu ra 4 vấn đề lớn đang đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn nước hiện nay.
Nguy cơ đầu tiên đe dọa an ninh nguồn nước là việc tranh chấp, xung đột về nguồn nước, đặc biệt là những tranh chấp, xung đột liên quan đến nguồn nước liên quốc gia. Nguy cơ này được cả Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT lo ngại, khi có trên 60% dòng chảy từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Nguy cơ này càng trở nên hiện hữu khi thời gian qua, các quốc gia đầu nguồn đã xây nhiều đập, hồ thủy điện... nên Việt Nam bị động trong việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nước và phải hứng chịu hậu quả, hệ lụy của việc sử dụng nước ở các nước thượng nguồn.
Bên cạnh đó còn xảy ra những tranh chấp, xung đột giữa các địa phương ở thượng lưu và hạ lưu về quản lý lưu vực sông. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các Ủy ban lưu vực sông như sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai được thành lập, tuy nhiên hoạt động chưa hiệu quả.
“Việc liên kết giữa các địa phương trong quản lý lưu vực sông còn yếu, địa phương ở hạ lưu phải gánh chịu ô nhiễm nguồn nước do các địa phương ở thượng lưu chưa kiểm soát được tình trạng xả thải ra sông”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Cơ quan này cũng chỉ ra mâu thuẫn trong phân bổ tài nguyên nước khi có tới 90% tổng lượng nước sử dụng trên toàn quốc phân bổ cho hoạt động tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản.
“Sự gia tăng nhu cầu nước cho thủy điện và các hoạt động sản xuất sử dụng nước giá trị cao khác là khởi nguồn của các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là nước sinh hoạt”, báo cáo đánh giá.
Tiêu tốn 18 triệu USD/ngày cho xử lý ô nhiễm
Cũng theo Bộ Xây dựng, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cũng đang là một vấn đề lớn khi sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng. Lượng nước thải sinh hoạt và công nghiệp phát sinh rất lớn nhưng chưa được thu gom, xử lý triệt để trước khi xả thải vào môi trường hoặc nước thải công nghiệp xả thải trộm vào môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước trên hầu hết các lưu vực như lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, sông Cầu, sông Đồng Nai...
Theo báo cáo của WB, tác động của ô nhiễm nguồn nước lên sức khỏe của con người có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035, là mối đe dọa đối với nền kinh tế. Việt Nam sẽ tiêu tốn 12,4 -18,6 triệu USD mỗi ngày cho việc xử lý ô nhiễm nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiêm nguồn nước lớn nhất.
Điều đáng bàn là công tác quản lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải nguy hại còn kiểm soát chưa chặt chẽ, xử lý chưa đảm bảo, có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt. Việc xử lý chất thải không đúng quy định đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu thải vừa qua.
Hai nguy cơ lớn khác theo Bộ Xây dựng là mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác nước ngầm quá mức, đặc biêt ở vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các hộ gia đình đều có ít nhất một giếng khoan. Việc khai thác nước ngầm quá mức làm thay đổi cấu trúc địa chất dẫn đến sụt lún nền đất, dấu hiệu rõ nhất tại bán đảo Cà Mau.
Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề xuất lập đề án xây dựng Luật Cấp nước đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. Bộ này cũng đề nghị lập danh mục nguồn nước phải và lập hành lang bảo vệ theo quy định. Đồng thời thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phá hoại nguồn nước và an toàn hệ thống cấp nước.
Theo Luân Dũng/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên