Cần giữ gìn tính mô phạm của người thầy

Thứ bảy - 22/08/2020 12:44
Những hành vi bạo hành học sinh của một số thầy cô giáo đã từng gây phẫn nộ trong phụ huynh học sinh, dư luận, làm tổn thương tinh thần, thể xác các em, suy giảm uy tín, hình ảnh người thầy một cách nghiêm trọng. Những hành vi phản cảm ấy diễn ra từ bậc mẫu giáo cho đến bậc phổ thông gây nhức nhối dư luận. Từ những hành động đó, dư luận cho rằng, tính mô phạm, đạo đức của người thầy đang xuống cấp nghiêm trọng, để rồi không ít người băn khoăn tự hỏi: Tính mô phạm người thầy bây giờ ở đâu?

Di chứng, nỗi ám ảnh sâu nặng

111
ảnh minh họa

Bất cứ hình thức bạo hành nào cũng ảnh hưởng đến cảm xúc hành vi nhất thời hoặc lâu dài của học sinh. Nếu bạo hành với mức độ nặng, tần suất lặp lại nhiều lần, chắc chắn đứa trẻ đó rất ảnh hưởng về mặt tinh thần. Nhẹ thì sợ hãi, sợ đi học nhưng nặng thì dễ rơi vào trầm cảm hoặc ấn tượng sâu sắc vì những trận đòn roi cả sau khi đứa trẻ đó đã lớn lên, khiến các em bị sụp đổ niềm tin. Học sinh bị bạo hành bởi giáo viên thường cảm thấy rối loạn, tức giận, sợ hãi, tự ti và tự nghi hoặc bản thân và cực kì lo âu về năng lực học tập và xã hội của mình.

Điểm gây căng thẳng nhất với học sinh là không biết vì sao mình bị nhắm làm mục tiêu và làm gì để chấm dứt tình trạng bị bạo hành. Dần dần, nếu tình trạng không được can thiệp bởi bên chức trách, đối tượng sẽ tự trách cứ bản thân và để cho cảm giác bất lực và vô dụng ngấm sâu trong nội tâm; cảm thấy mình bị giam giữ hoặc thực sự bị giam giữ theo nghĩa đen (như trong lớp học hoặc văn phòng) và phải hứng chịu những hành vi công kích mà không có lối thoát hay phương cách giải tỏa nào.

 Mọi phản ứng từ học sinh đều có thể dẫn đến việc bị giáo viên trả thù, bao gồm việc dùng điểm số làm hình phạt, vì thế học sinh trốn học, bỏ học, hay lảng tránh một vài bộ môn của giáo viên bạo hành. Nạn nhân bị giáo viên bạo hành thường cảm thấy quẫn trí và sợ hãi, không có ai giúp đỡ. Nạn nhân càng cảm thấy căng thẳng khi tập thể khoanh tay làm ngơ hoặc trắng trợn vào hùa. Không bênh vực nạn nhân, những người ngoài cuộc vô tình xác nhận nạn nhân là đối tượng xứng đáng bị ngược đãi và hợp lí hóa hành vi bạo hành. Dù không phải ai trong tập thể cũng có cùng quan điểm với kẻ bạo hành, một số sẽ tán thành hành vi bạo hành. Những thành phần trung lập còn lại thường im lặng hoặc thuận theo để tránh bị nhắm thành mục tiêu mới. Học sinh cảm thấy bất lực và chán nản khi không có động thái can thiệp nào và từ đó sa sút trong học tập, trở nên bất cần, ngỗ nghịch, phạm tội, thậm chí tự tử.

Tình thương của giáo viên với học sinh chưa đủ lớn

Từ một số hành vi “điển hình”, dư luận cho rằng đạo đức nhà giáo đang có vấn đề và ngày càng đi xuống, tính mô phạm không còn, cách hành xử của thầy cô chưa đúng mực, như thầy giáo chửi tục trong lớp, còn cô giáo thì im lặng khi lên lớp đến hàng tháng trời, đặc biệt có cô giáo bắt học sinh uống nước lau bảng. Đây là một tình trạng đáng báo động. Dẫn đến thực trạng này là do đạo đức cá nhân của người thầy chưa tốt, năng lực chuyên môn của những thầy cô chưa đạt chuẩn, người giáo viên không có tình yêu nghề, tình yêu đối với trẻ nên mới hành xử như vậy hoặc do điểm chuẩn đầu vào sư phạm rất là thấp, đi học không phải đóng học phí nên đã dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tha thiết với ngành nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên vẫn cứ học, vẫn cứ hành nghề mà không hề yêu trẻ.

Bên cạnh đó, lương thấp, làm việc trong môi trường áp lực, thiếu kĩ năng nghề, gặp khó khăn, áp lực công việc cá nhân, chưa có bằng cấp nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non. Nhiều cơ sở mầm non hiện chưa quan tâm đến việc giải tỏa tâm lý của giáo viên, bảo mẫu dẫn đến sự ức chế bị dồn nén. Giáo viên được giáo dục nhiều về kĩ năng sư phạm hoặc về chuyên môn nhưng giá trị đạo đức nghề nghiệp không được nói nhiều. Hay nói cách khác, giá trị đạo đức của người giáo viên hiện nay không được tôn vinh nhiều như trước đây. Giáo viên chỉ dạy bài vở là chủ yếu, không được đào tạo và huấn luyện về các kĩ năng xã hội nhiều nên không có phương án, kĩ năng ứng phó với tình huống khủng hoảng của học sinh khi xảy ra, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên chưa được rèn đến nơi đến chốn nên đã sử dụng vũ lực, nghĩa là đã bất lực với đứa trẻ đó.Và vì sao họ bất lực? đấy là khi người đó không có phương pháp, không giáo dục được lòng nhân ái cho học trò, thiếu lòng kiên trì, họ sẵn sàng ra tay khi có bức xúc. Những nhà giáo có tâm huyết phải gánh vác hậu quả từ những đồng nghiệp bạo hành. Những hành vi tàn nhẫn nếu không được kiểm soát sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và không khí trường học.

Bạo hành từ giáo viên cũng bắt nguồn tự sự lạm dụng quyền lực, xảy ra trong khoảng thời gian dài, và thường mang cách thức công khai. Đây là một dạng lăng nhục nhằm gây chú ý từ tập thể để hạ phẩm giá của học sinh trước mặt những người khác. Về mặt hiệu ứng, sự bạo hành này có thể diễn ra như một nghi thức làm nhục, năng lực của học sinh bị phỉ báng và nhân cách bị chế giễu. Giáo viên bạo hành cảm thấy hành vi bạo hành của mình là chính đáng, và khẳng định mình bị học sinh khiêu khích. Họ thường che đậy hành vi của mình dưới mác “nói khích để học sinh cố gắng” hoặc là một phần trong cách thức sư phạm của họ. Họ cũng thường trá hình bạo hành như một hình thức kỉ luật thích đáng cho hành vi khó chấp nhận của đối tượng. Đối tượng, tuy nhiên, thường phải chịu bị làm nhục công khai có chủ đích – một hành động không phục vụ bất cứ mục đích giáo dục hợp lí nào, phản mô phạm.

Luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp

Hành vi bạo lực trong trường học là không thể chấp nhận dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân gì. Giáo viên có thể gặp tâm lý, áp lực công việc gia đình, nhà trường nhưng hoàn toàn không thể coi đó là nguyên nhân giải thích cho việc đánh học sinh. Đây là vấn đề đạo đức nghề nghiệp, là sự mô phạm của nhà giáo. Một giáo viên lâu năm hay mới vào nghề đều phải hiểu rõ công việc đặc thù của mình và luôn phải đảm bảo giữ vững đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn sự mô phạm của mình theo đúng chuẩn mực.

Vì thế, để tránh tình trạng “bạo lực học đường” của giáo viên đối với học sinh, tất cả Hiệu trưởng các trường cần tăng cường phổ biến, nhắc nhở đội ngũ giáo viên chấp hành nghiêm túc nội quy, quy định chung của trường, của ngành, tuyệt đối không vi phạm các nguyên tắc, đạo đức nghề nghiệp. Ban giám hiệu các trường phải nắm sâu sát tâm lý, năng lực sư phạm của giáo viên trong trường, vấn đề đạo đức nghề nghiệp phải được liên tục nhắc đi nhắc lại, các giáo viên phải ký cam kết mỗi năm học về việc không sử dụng bạo lực đối với học sinh, phải thực hiện nghiêm túc quy định về chuẩn đạo đức nghề nghiệp nhà giáo mà Bộ Giáo dục đã quy định. Không thể nói đây là việc biết rồi, nói mãi vì rõ ràng là với giáo viên lâu năm vẫn còn phạm sai lầm như vậy.

Ngoài ra, các trường cần quan tâm tới vấn đề tâm lý nghề nghiệp, góp phần định hướng, giải tỏa cho giáo viên trong các buổi họp giao ban, trao đổi kinh nghiệm về các tình huống sư phạm. Việc bố trí giám thị nhà trường, bao quát tình hình học tập, giảng dạy, theo sát các diễn biến trong trường học của cả thầy và trò cũng góp phần ngăn ngừa tốt hơn các hiện tượng bạo lực học đường. Tuyển chọn giáo viên đều phải chú trọng kỹ khâu tuyển dụng nhân sự. Đó phải là một người có trình độ chuyên môn nhất định và phẩm chất đạo đức tốt để có thể “trụ” được với nghề. Nếu không yêu trẻ, yêu công việc, hệ lụy đáng tiếc chắc chắn sẽ đến từ chính những người giáo viên như thế. Trong môi trường áp lực và mệt mỏi cần tạo ra không khí đoàn kết, chia sẻ và tương trợ nhau là điều rất quan trọng, là sợi dây vô hình để gắn kết các giáo viên, do đó, vai trò của “đầu tàu” của Ban giám hiệu là rất quan trọng. Một lời động viên trong ngày dài vất vả, có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Hoặc khi có giáo viên ốm đau, kịp thời chia sẻ, động viên, quan tâm đến đời sống của các cô để hỗ trợ về mặt tinh thần sẽ giúp giáo viên giải tỏa áp lực trong lòng. Bên cạnh đó nhà trường phải quản lý thông tin, tạo nên nhiều kênh giao tiếp, lắng nghe ý kiến của HS, từ phụ huynh để HS có cơ hội bày tỏ những trăn trở, chia sẻ, mong muốn của các em.

Đồng thời, các trường nên thành lập đội ngũ giáo viên chuyên trách làm cán bộ tâm lí giáo dục. Hiện tại, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý giúp giải tỏa tâm lí cho giáo viên, học sinh. Một số trường có thành lập nhưng đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân; một số khác là giáo viên dạy Lịch sử, Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng công tác Học sinh, Sinh viên, đoàn thanh niên, hội Sinh viên tham gia… đã làm hạn chế năng lực tham vấn tâm lý. Hiện nay, với Thông tư 31/2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã chọn giải pháp thành lập tổ tư vấn tâm lý tại mỗi trường học. Các giáo viên này phải có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn học đường do Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành và được giảm 3-4 tiết/tuần, vì vậy, cũng cần có những tư vấn tâm lý giải tỏa áp lực cho giáo viên để họ yên tâm công tác. Hiện cả nước có 14.000 trường phổ thông, mỗi trường cần có 5 giáo viên tư vấn tâm lý. Như vậy, chúng ta có khoảng 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý cần được bồi dưỡng trong 2-3 năm tới, sẽ góp phần giảm thiểu bạo lực học đường nói chung, bạo hành của thầy cô giáo với học sinh nói riêng.

Và một điều quan trọng hơn cả, trong mọi hoàn cảnh, mỗi giáo viên cần nhận thức rằng, phải yêu trẻ, yêu công việc thì mới bám trụ được, bởi đồng lương thấp mà môi trường làm việc căng thẳng sẽ luôn tạo áp lực cao. Những ai tự nhận thấy khó có thể theo nổi nghề thì nên chủ động tìm việc khác để tránh ảnh hưởng đến chính các trẻ mà mình chăm sóc. Để trở thành một người giáo viên chân chính là bản thân phải yêu trẻ, bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh, vị trí của trẻ để hiểu, cảm để có biện pháp ứng xử cho phù hợp. Phải có đạo đức và biết chấp nhận hy sinh, giỏi về chuyên môn, bởi nếu không giỏi chuyên môn thì sẽ làm hư một thế hệ, thậm chí nảy sinh những tâm lí không tốt dẫn đến hành động, việc làm phản cảm, “Roi vọt không dạy trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng”. Tác giả Roosevelt (Mỹ) từng nói “Có học vấn không có đạo đức như một kẻ xấu; có đạo đức không có học vấn như một người thô bỉ” và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói, “nghề nhà giáo không chỉ trau dồi về kiến thức phổ thông mà cần trau dồi đạo đức cách mạng”. Cái đẹp và cái chưa đẹp vẫn còn đan xen nhau, nhưng để phân biệt được cái nên học và điều nên tránh là trách nhiệm của những người thầy. Hãy tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, không ngừng trau dồi tâm lý sư phạm và phương pháp giáo dục hiệu quả, đó là con đường học hỏi không ngừng.

Thế nhưng, để phân định chính xác vị trí của người thầy trong nhà trường và xã hội cần có sự chung tay. Thầy không thể tròn vai nếu người học không hợp tác, quan hệ nhà trường và phụ huynh sẽ rời rạc bất nhất nếu như cha mẹ ỷ thác toàn bộ nhận thức và lối sống lên thầy cô, xã hội thích phán xét hơn là khách quan và bình tâm, dễ dãi đầu vào rồi lại chật vật, sấp ngửa tìm kiếm đầu ra cho ngành sư phạm, lương sao cho giáo viên được ổn định tạo cho họ toàn tâm, toàn ý với nghề, không còn chân thấp, chân cao với nghề tay trái. Robot có thể làm hộ con người nhiều thứ trong cuộc sống sinh hoạt, nhưng người thầy trên bục giảng thì không có gì có thể thay thế được.

Nhà Giáo. Vị trí cao cả nhưng không kém phần vất vả, gian nan khi xã hội trao cho người thầy trọng trách giáo dục thế hệ tương lai của đất nước. Mỗi giáo viên phải tự mình xây dựng hình ảnh và tạo nên thương hiệu “người giáo viên nhân dân” và là một trọng trách và vinh dự của những ai đã, đang và sẽ trở thành những thầy, cô giáo.

Tác giả: Trương Anh Sáng
Nguồn Văn nghệ số 34/2020

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây