Đến nay, tại Hà Tĩnh, công việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông 2018, năm học 2020-2021 đã hoàn tất.
Nhưng hoàn tất không có nghĩa là xong.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học SP Hà Nội và NXB Đại học SP TPHCM đã chiếm ưu thế tại đất học Hà Tĩnh. Con số 144/241 trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều, chiếm tỷ lệ (60%); 77/241 trường lựa chọn bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, chiếm tỷ lệ (33%), và 20/241 trường lựa chọn bộ sách Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống, Bình đẳng và Dân chủ trong giáo dục, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 7% đã nói lên điều đó.
Lựa chọn SGK : Chọn bộ sách có tính ưu việt.
Thứ nhất, bộ sách lớp 1 Cánh Diều được chọn sách dễ dạy, có cấu trúc gợi mở cho việc tổ chức hoạt động học cho học sinh. Điều đặc biệt, sách thiết kế hoạt động dạy cho giáo viên bài bản. Bên cạnh đó là thiết bị dạy học phân bổ đến từng tiết dạy, từng tuần, từng tháng. Dựa vào đó giáo viên có thể xây dựng giáo án giấy và giáo án PowerPoint thuận lợi.
Thứ hai, quan điểm biên soạn thống nhất, xuyên suốt là “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”. SGK lớp 1 Cánh Diều đáp ứng tiêu chí “thực học, thực nghiệp” - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên Chương trình SGK Cánh Diều, kiêm chủ biên bộ SGK Tiếng Việt đại diện nhóm làm SGK Cánh Diều.
Đó là những lý do cơ bản để các cơ sở GD trên địa bàn Hà Tĩnh lựa chọn Cánh Diều. . Hiện tại sách giáo khoa đã được chuyển đến cơ sở. Nhưng, công việc không dừng lại ở đó. “ Cần tiếp tục lan tỏa những ưu điểm của bộ sách đến giáo viên, phụ huynh, học sinh để tạo được niềm tin vững chắc. Đó là bước chuẩn bị cần thiết, khởi đầu năm học mới, chương trình mới thuận lợi nhất”. Cô Hà Thị Liên- Phó phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn chia sẻ.
Còn cô Trần Thị Nga- Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh dự tính: “ Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khung chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ nhằm thực hiện khung chương trình. Vì vậy, theo chúng tôi, lựa chọn một bộ sách, nhưng không có nghĩa là đoạn tuyệt với các bộ sách khác. Chúng tôi khuyến khích giáo viên cập nhật tất cả các bộ sách, đối chiếu so sánh, tìm những điều hay, mới mẻ, làm giàu có nguồn tri thức, rất cần cho quá trình giảng dạy”.
Thầy Phan Duy Nghĩa – Chuyên viên phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: “ Sách Toán 1 Cánh Diều đáp ứng được yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Cấu trúc sách bao gồm 4 chủ đề...Mỗi chủ đề bắt đầu bằng một tranh vẽ mô tả một tình huống hướng đến những kiến thức trọng tâm. Mỗi chủ đề phân chia thành các bài học. Mỗi bài học nhiều dạng câu hỏi, bài tập hoặc hoạt động được sắp xếp theo tiến trình từ dễ đến khó…. Cuối mỗi chủ đề học sinh dành thời gian tham gia các hoạt động thực hành và trải nghiệm qua phần: “Em vui học Toán”. Sách được trình bày hấp dẫn, khơi gợi trí tò mò, kích thích húng thú, truyền cảm hứng yêu Toán cho các em.”. Bám sát nguyên lý, làm theo hoàn cảnh, vận dụng một cách linh hoạt - sáng tạo theo tình hình thực tế của địa phương là phương châm của GS Đỗ Đức Thái được thể hiện rất rõ không chỉ ở môn toán, Tổng chủ biên môn toán, mà của cả bộ sách lớp 1 Cánh Diều.
Bên cạnh đó, sách Tiếng Việt Cánh Diều, có những ưu điểm cơ bản, Ngữ liệu trong SGK Cánh Diều hầu hết là văn bản mới. Các văn bản này được xây dựng dưới dạng đa phương thức (kết hợp cả chữ viết với hình ảnh) và được lựa chọn, biên soạn, biên tập một cách kĩ càng, đáp ứng nhiều yêu cầu giáo dục. Các câu chuyện, bài thơ trong sách có nội dung phù hợp với học sinh và tạo hứng thú cho học sinh khi học. Học sinh các vùng miền có thể tiếp nhận một cách dễ dàng Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, mà không dễ “quên” bài học .
Bức tranh lựa chọn sách giáo khoa hiện nay đa dạng, muôn màu , muôn vẻ. Nhưng hầu hết các cơ sở giáo dục đều khẳng định lựa chọn bộ SGK Cánh Diều là phù hợp với thầy và trò. Những đợt tập huấn được chính các Chủ biên, đồng chủ biên và các tác giả SGK đã tham gia tập huấn ở các tỉnh thành, trong đó có Hà Tĩnh đã có dịp trao đổi về những bài cụ thể, những vấn đề trong SGK . Để từ đó, các cán bộ quản lý, GV cốt cán sẽ tiếp tục tập huấn lại tại các trường.
Cần lực lượng “tinh nhuệ” cho việc thay sách và lựa chọn bộ sách có tính ưu việt cho học trò :
Để giải quyết vấn đề nhân lực cho việc thay sách, nhiều địa phương trên cả nước đã có cách làm linh hoạt rất hay và hiệu quả. Hà Tĩnh là một ví dụ. Đó là tỉnh đã công nhận 250 giáo viên cốt cán cấp tỉnh và 551 giáo viên cốt cán cấp huyện. Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 17/8/2018 về: “ Phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo” quy định chế độ hỗ trợ cho giáo viên cốt cán cấp tỉnh mỗi tháng bằng 0,3 lần lương Chính phủ quy định và 0,2 lần lương đối với giáo viên cốt cán cấp huyện. Chính sự nhạy bén này đã khích lệ đội ngũ giáo viên cốt cán phát huy được tác dụng, lan tỏa những yếu tố tích cực trong giáo viên. Lực lượng giáo viên cốt cán vừa qua là Thư kí, hoặc Ủy viên Hội đồng chọn sách. Họ không chỉ tư vấn hướng dẫn mà còn là người tổ chức lập nhóm zalo hay meseger chia sẻ dữ liệu, thông tin, đề xuất, định hướng cho giáo viên trong nhóm, trong tổ và đưa ra những ý kiến xác đáng có hàm lượng chất xám cao trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Rồi đây, khi sách giáo khoa được thực hiện, đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ vẫn là lực lượng nòng cốt trong việc bồi dưỡng giáo viên, truyền tải những kinh nghiệm, những sáng kiến hay trong quá trình dạy- học.
Đã từng có mặt hầu hết ở các trường phổ thông, đã từng trải qua những lần cải cách giáo dục, thay sách giáo khoa, tôi hiểu cùng với đổi mới sách giáo khoa là đổi mới cơ sở vật chất. Phòng học, thiết bị dạy học phải tương thích với sách mới. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục phải được hỗ trợ từ phía nhà nước và các tổ chức xã hội, phụ huynh. Lựa chọn bộ sách Cánh Diều, với Hà Tĩnh, ngoài chất lượng và tính ưu việt của bộ sách, còn có lí do ngoài bản cứng (sách in), hai NXB ĐHSP Hà Nội và ĐH SP TPHCM còn có bản sách điện tử đính kèm phim hoạt hình đưa ra hai phương pháp: Tiếp cận mục tiêu và tiếp cận đối tượng dạy học theo hướng mang cuộc sống vào bài học và đưa bài học vào cuộc sống tạo điều kiện để trẻ trải nghiệm, kích thích hứng thú khám phá sáng tạo cho học sinh.
Còn đó những nỗi lo:
Nhưng ngần ấy chưa đủ. Nỗi lo của các cơ sở giáo dục ở Hà Tĩnh hiện nay là cơ sở vật chất và thiết bị dạy học. Khi nguồn lực huy động từ phụ huynh mấy năm nay tại Hà Tĩnh không được phép, khi nguồn chi khác từ ngân sách nhà nước không được cấp đủ 20%, thì biết lấy nguồn lực ở đâu bổ sung nhằm thực hiện kế hoạch trong năm học, chưa nói đến vấn đề thay sách!?
Được biết, từ ngày 1/7/2020, Luật giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành. Tại điều 32 quy định: “ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan quản lý giáo dục về mặt Nhà nước, vậy Ủy ban sẽ sẽ cộng tác với cơ quan chuyên môn ra sao để tránh được những bất cập, để có được quyết định sáng suốt, lựa chọn được bộ sách giáo khoa tốt nhất phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với hoàn cảnh của địa phương là cả một vấn đề không hề đơn giản.
Được biết, sau ngày 20/7, Bộ GD&ĐT tiếp tục thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Đã có ý kiến xì xào đâu đó về hiện tượng “ cháo chấm cơm”. Làm sao có thể tránh được tình trạng này!?
Lại có ý kiến Bộ GD&ĐT không biên soạn bộ sách giáo khoa có cái hay tránh được tình trạng “ vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nhưng sau khi tuyên bố thẩm định năm bộ sách, với Thông tư 01/2020, Bộ GD&ĐT đã giao quyền lựa chọn cho cơ sở. Một cán bộ giáo dục (không tiện công khai danh tính) phàn nàn: “ Sau khi cơ sở “chốt” xong sách giáo khoa, mọi công việc tiếp theo như tổ chức tập huấn cho giáo viên, cung ứng sách giáo khoa cho cơ sở chỉ thấy cơ sở liên hệ, làm việc trực tiếp với các nhà soạn sách, không thấy Bộ ở đâu, khác xa những lần cải cách thay sách giáo khoa trước đây!?”.
Đổi mới thay sách giáo khoa, nỗi lo này không chỉ riêng ai!
Tác giả: Lê Văn Vy/Văn nghệ
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên