Có thể cam đoan rằng người Việt sinh trưởng trong thế kỷ trước đều giống nhau ở rung cảm, ước muốn, nhớ nhung những hình ảnh mộc mạc làng quê.
Chẳng hạn như: tiếng gió qua vườn, trăng trên đường quê, bướm và hoa, nhịp của mùa ở góc đồng. Vân vân và vân vân.
Rồi đi rộng đi dài, lại thấy vì sao những bãi cỏ xanh rợn nhà người ở xứ Mỹ, vì sao nhiều loại cây hàng rào ở Lyon, vì sao nhũng giỏ hoa tươi đủ sắc màu trên các cột đèn ở Budapest… Con người dù có khác nhau nhiều thứ, kể cả hành xử về tự do cá nhân thì thảy đều là những sinh vật thiết tha với trời mây non nước lá hoa.
Đã từng có ở Việt Nam những miền quê hữu tình. Hà Đông và Sơn Tây. Bắc Ninh và Nam Định. Ngay cả vùng gió Lào cháy khét Thanh - Nghệ - Tĩnh cũng không ít những điền trang cây lưu niên hàng trăm năm tuổi. Miền Tây Nam bộ dạt dào thì khỏi nói, cây vườn miên man cho miền gái đẹp nức tiếng Cao Lãnh, Nha Mân, Cái Mơn, Phong Điền…
Lịch sử khẩn hoang cho thấy, trong khi người Chăm người Khmer bản địa thích đền đài và những cánh đồng khô thì người Việt muốn có cây trái trên đầu, vì vậy đi tới đâu họ làm vườn thổ cư rồi sau đó, đào mương xẻ liếp làm thủy lợi nội điền để sống đời sống điền viên.
Một trăm năm thuộc địa của những người duy mỹ phong tình lá hoa, chắc chắn dấu ấn của họ không mờ trong sở thích điền viên của người Việt.
Tôi nhớ hàng xoài cổ thụ ở cố hương Cao Lãnh mà ông bà nội tôi luôn khắc khoải. Tôi nhớ những bến nước, những vòm cổng của một bờ sông Vĩnh Long dù số người định cư ở hải ngoại của những dòng họ ấy nhiều vô kể.
Tôi nhớ mùi hoa cau khi ngồi xích lô một đêm trăng với cô bạn nhà thơ Song Hảo trên đất cù lao của gia tộc cô ấy. Tôi nhớ tuổi thơ của mình, con tèng heng, lũ thòi lòi, vô vàn hoa bớm và những khuôn hàng rào mỗi khu vườn một kiểu bằng cây xanh được xén kỹ mỗi tháng.
Rồi chúng đi đâu hết cả? Dĩ nhiên, chiến tranh là cái sọt để ai cũng có thể ném nỗi bất bình của mình vào đó. Thực sự chiến tranh 21 năm thì cây cũng phải suy, hoa và trái cũng nghẹn, con tèng heng và lũ thòi lòi của tuổi thơ tôi cũng phải mất.
Ở những vùng bình địa đương nhiên điêu tàn, những vùng đệm còn chút an yên cũng không thể như xưa. Đàn ông con trai mải miết hai trận tuyến, góa phụ đông vô kể, cái bến, góc đồng, đêm trăng không khiến xúc cảm nữa.
Vẫn phù sa, vẫn sông nước, vẫn khí núi, vẫn bờ ao, vẫn con cò, vẫn chén cơm, nhưng sao không phục dựng nổi chất lượng sống mà con người hằng có? Mấu chốt là đây.
Không chỉ không còn tinh hoa ở những xóm làng mà đất cũng phập phồng và không đủ cho thể hệ trẻ muốn được sống như cha ông mình. Chỉ vài thứ cây thổ cư thì bõ bèn gì. Cơm và gạo quá dễ nhưng có cái gì đi cùng với chén cơm thì dễ sao?
Cả miền Bắc nghèo, làm gì còn đất để có một lớp người gọi là điền chủ nữa? Không có điền trang thì điền viên nỗi gì? Miền Tây mênh mang miệt vườn, bị phân khúc rõ ràng, đất vườn của họ không bị trưng thu nhưng con cái đông, xẻ ra thành manh mún. Mà trồng gì cũng cam go, mãi lực yếu, do đất nước bị đóng kín.
Cửa hé dần. Vì sao cửa he hé là chuyện vĩ mô và thế giới trục nọ trục kia, eo ơi, ngọn gió, ánh trăng, góc đồng, rơm rạ chúng ở tận dưới đáy của mọi cân nhắc và toan tính, như giun và dế vậy thôi.
Bỗng dưng nhiều người rỉ tai nhau, điền viên được rồi đấy, mua đi chỗ đó chỗ đó. Hai mươi năm trước ông bạn thân của vợ chồng tôi gây dựng nhà nghỉ ở Đồng Mô, ô tô sớm, nhà vườn sớm, có lão bộc sớm luôn. Một cuộc sống trong mơ của biết bao người.
Thế rồi được mươi năm đã kêu chán. Con cháu không chịu theo lên nghỉ cuối tuần nữa, đi lại mệt quá. Biệt thự trắng kiểu Pháp cực đẹp trong rừng bạch đàn phó thác cho gia đình lão bộc nuôi chó để bán nuôi gà để phá khắp nơi.
Vậy đó. Rất nhiều bạn bè của chúng tôi háo hức điền viên Củ Chi, thành phố phía đông tương lai lắm đấy. Rồi lần lượt bỏ ý định rất dễ thương ấy. Thì ra, xã hội mình đã thiết kế theo kiểu rất khác rồi.
Việc học hành của con cháu, việc đi lại của cư dân, việc khám và chữa bệnh… ba việc ấy không thể song hành cùng sở nguyện nhân văn sâu xa ở con người. Một mình một cõi mà vui sao, bạn và bầy và an toàn nữa chứ. Bám riết đô thị để tiện mọi bề, buồn thay, là xu hướng của cả người già lẫn người trẻ.
Nhớ nhà thơ Chim Trắng vừa có một khu vườn ở ngọai vi Sài Gòn, nhưng chưa chi thì anh đã nằm xuống, ngay chỗ đó.
Dạ Ngân/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên