Khi nhắc đến kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh, chúng ta nghĩ ngay đến người thiết kế và chỉ đạo thi công Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Thời điểm đó, không ít các kiến trúc sư, họa sĩ tên tuổi đã dấn thân theo cách mạng cùng nhân dân, nhưng vinh dự được tham gia tổ chức, thiết kế Lễ đài Độc lập thì lịch sử chỉ gọi tên Ngô Huy Quỳnh. Không những thành công trong lĩnh vực kiến trúc, ông còn là người đa tài bậc nhất trong giới văn nghệ nước ta. Ngô Huy Quỳnh sinh ngày 15/5/1920, quê ở Ngọc Lập, phường Phùng Chí Kiên, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên trong gia tộc có truyền thống yêu nước và hiếu học. Cụ tổ dòng họ Ngô Huy ở Ngọc Lập là cụ Ngô Huy Xưởng, tri phủ Phúc Long (Nam Kỳ) đời vua Tự Đức, trong họ còn có cụ Ngô Huy Trác đỗ Cử nhân đời Thiệu Trị. Đây cũng là dòng họ của các liệt sĩ, lão thành cách mạng như Ngô Huy Tăng, Ngô Huy Ngụ, Ngô Thị Nhung, Ngô Thị Sâm... Ngô Huy Quỳnh sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1938, sau khi tốt nghiệp trung học, Ngô Huy Quỳnh thi đỗ vào Khoa Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Khi còn là sinh viên năm thứ ba, ông đã thiết kế và hướng dẫn xây dựng nhiều biệt thự ở các phố Nguyễn Du, Cao Đạt (Hà Nội), Nam Định, Đình Bảng (Bắc Ninh)… Trong các sáng tác của mình, ông cố gắng gửi gắm vào đó cái hồn dân tộc qua từng đường uốn cong của mái nhà, từng nét trang trí họa tiết, hay bố cục không gian, tổ chức sân vườn mang phong cách Á Đông, mà biệt thự số 84 Nguyễn Du là tiêu biểu.
Năm 1942, ông và nhà điêu khắc trẻ Trần Văn Lắm (đồng tác giả) đạt Giải Nhất cuộc thi thiết kế “Đài Trận vong chiến sỹ” đặt tại Lạng Sơn do chính quyền Pháp tổ chức. Cũng năm đó, ông cùng hai người bạn học Khoa Mỹ thuật là Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn tổ chức triển lãm và bán tranh tại Hà Nội. Triển lãm đã gây được sự chú ý của giới trí thức sinh viên Hà thành. Sau triển lãm, số tiền bán tranh của ông được 300 đồng. Đây là khoản tiền lớn đối với một sinh viên nghèo như ông. Có tiền, Ngô Huy Quỳnh quyết tâm thực hiện ước mơ mà ông thường ấp ủ, là hành trình xuyên Việt. Thế là, với chiếc xe đạp Pơ – giô cũ kỹ, lỉnh kỉnh giá vẽ, bút, màu, giấy… ông hăm hở lên đường, từ Hà Nội đạp xe qua Huế – Nha Trang – Đà Lạt – Sài Gòn rồi sang tận Ăng – cor (Campuchia), Viên Chăn (Lào). Mấy tháng trời rong ruổi qua những miền đất lạ, đã cho ông một cái nhìn mới mẻ về đất nước, con người, và khám phá những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc truyền thống. Hình ảnh những mái nhà gianh cổ truyền ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nhà rường ở miền Trung, những công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm, chùa miếu ở kinh thành Huế, cùng vẻ đẹp thơ mộng, dịu dàng của thiên nhiên, con người những nơi ông qua, đã gieo vào tâm hồn ông một cảm xúc mãnh liệt, tác động sâu sắc đến cuộc đời hoạt động sáng tác và nghiên cứu kiến trúc của ông sau này. Cũng thời gian này, ông tham gia viết bài trên Báo Sinh viên, phê phán quan điểm nghệ thuật tư sản của một số văn nghệ sĩ đương thời và bày tỏ quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh, vì nền văn hóa dân tộc, cổ động sinh viên trí thức trở về với bản sắc truyền thống.
Năm 1943, Ngô Huy Quỳnh tốt nghiệp kiến trúc sư (KTS) và làm việc tại Văn phòng thiết kế của KTS nổi tiếng Võ Đức Diên. Bắt đầu từ đây, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng và gia nhập Việt Nam Cứu Quốc Hội. Ngôi nhà vợ chồng ông thuê ở 22 Quang Trung (nay là Trụ sở Nhà xuất bản Sự Thật) là nơi qua lại hội họp của Vũ Oanh, Học Phi và nhiều đồng chí khác. Năm 1945, Khởi nghĩa tháng Tám, ông được Đảng điều đi thành lập chính quyền Cách mạng tại thành phố Nam Định.
Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 1/9 năm ấy, KTS Ngô Huy Quỳnh được tổ chức tin cậy giao thiết kế và chỉ đạo lắp dựng Lễ đài Độc Lập tại Quảng trường Ba Đình. Công việc được hoàn thành chỉ trong một ngày đêm. Sáng 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ lâm thời đã đứng trên Lễ đài ra mắt quốc dân đồng bào và Người đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh Nhà nước Dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Về công trình lịch sử này, Ngô Huy Quỳnh nhớ lại: “Sáng 1/9/1945, khi đang làm việc ở văn phòng thì thấy ông Phạm Văn Khoa hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc (sau này là Nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn, Cục trưởng Cục Điện ảnh đầu tiên) đến truyền đạt yêu cầu của Kỳ bộ Việt Minh về việc thiết kế kỳ đài để chiều mai (ngày 2/9), Hồ Chủ tịch đứng đọc Tuyên ngôn độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào tại Vườn hoa Ba Đình”. Ông phấn khởi nhận lời, lập tức đạp xe đến Vườn hoa Ba Đình khảo sát, để kịp 12 giờ trưa hôm ấy, ông Phạm Văn Khoa sẽ quay lại xem bản vẽ. Đến nơi, ông đứng ngắm toàn cảnh Vườn hoa Ba Đình một lần, khảo sát tổng thể địa điểm, mặt bằng, những hình khối xung quanh vườn hoa có liên quan rồi vẽ 3 kiểu. Gần trưa, ông quay lại văn phòng, trình cả 3 bản vẽ để ông Khoa cùng một số thành viên trong Hội Văn hóa cứu quốc (Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Ngọc Lợi, Ba Hương…) xem xét. Mọi người sau đó quyết định chọn bản vẽ thứ nhất, bởi đó là bản vẽ đơn giản nhưng lại đẹp và phù hợp nhất. Sau này, Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình của KTS Ngô Huy Quỳnh được coi là tác phẩm kiến trúc đầu tiên của nền kiến trúc cách mạng.
Tháng 10/1945, Ngô Huy Quỳnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông cùng các cộng sự lên Chiến khu Việt Bắc, tham gia công tác xây dựng cơ bản để Việt Bắc trở thành thủ đô kháng chiến. Năm 1947, ông cùng với các kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, Trần Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp tham gia thành lập Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, tiền thân của Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngày nay. Trong thời gian này, ông được Đảng giao nhiệm vụ thiết kế khu nhà ở và hội trường Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ V, khu phục vụ Đại hội lần thứ II của Đảng… Để đảm bảo yêu cầu vừa đẹp, tiện lợi, lại phải thông thoáng để có thể theo dõi địch từ xa, Ngô Huy Quỳnh đã sử dụng vật liệu tại chỗ như tre, nứa, lá, gỗ và phương pháp mà những người dân vùng cao lâu nay vẫn dùng để thi công. Các công trình hoàn thành, vừa hòa vào tổng thể chung của bản làng Việt Bắc, vừa có công năng tiện lợi, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Năm 1951, ông cùng 20 cán bộ được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử sang Liên Xô nghiên cứu bậc sau đại học, chuẩn bị cho công cuộc kiến thiết đất nước sau giải phóng. Đó là số trí thức đầu tiên được đào tạo tại nước ngoài. Họa sĩ Ngô Thành Nhân, con trai của KTS. Ngô Huy Quỳnh kể lại: “Vì là nhiệm vụ bí mật, nên cả nhà tôi lúc đó không ai biết. Phải đến một năm sau có thư gửi về từ Liên Xô, cả nhà mới ngã ngửa ra cả năm qua bố mình mất tích ở đâu”. Trong thời gian 4 năm (từ tháng 1/1951 đến tháng 7/1955) ông đã hoàn thành luận án bằng tiếng Nga về đề tài theo hướng khai thác truyền thống kiến trúc dân tộc Việt Nam để lập đồ án quy hoạch đô thị trên cơ sở kinh nghiệm của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên.
Theo KTS. Vũ Hoài Đức - Phó Phòng Nghiên cứu phát triển, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho biết: “Từ sau khi KTS. Ernest Hébrard và những kiến trúc sư khác tạo nên phong cách kiến trúc Đông Dương kết hợp văn hóa Đông - Tây trên khía cạnh kiến trúc thời thuộc địa. KTS. Ngô Huy Quỳnh có lẽ là người đầu tiên đặt nền tảng về lý luận cho bản sắc Việt trong kiến trúc - quy hoạch đô thị Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”. Giờ đây, chúng ta có thể thấy hình ảnh vươn lên của mái đao, của hàng cột trong kiến trúc đình, chùa Việt Nam ở Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là kết quả của những góp ý mà các thế hệ kiến trúc sư Việt Nam, trong đó có KTS. Ngô Huy Quỳnh đưa ra đối với phương án thiết kế do Liên Xô giúp đỡ. “Những mái đao, hàng cột này là sự giao hòa của truyền thống Việt vào các kiến trúc mang phong cách xã hội chủ nghĩa. Và trùng hợp thay, khi chính tại đây - nơi ông để lại tên tuổi gắn với lễ đài mà ông đã thiết kế dựng xây - thế hệ các ông vẫn tiếp tục lưu lại dấu ấn của mình cho mai sau như một lời nhắc nhở về bản sắc dân tộc trong dòng chảy thời đại”. Năm 1955, ông về nước và làm việc tại Bộ Kiến trúc, trực tiếp chủ trì lập đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội với sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô. Tiểu khu nhà ở Kim Liên do ông thiết kế, lần đầu được xây dựng tại thủ đô, có thể coi là dấu mốc khởi đầu trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng nhà ở của ngành xây dựng Việt Nam.
Năm 1961, ông được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Chính phủ Lào thiết kế, quy hoạch và chỉ đạo xây dựng thành phố Khăng Khay (nay thuộc tỉnh Xiêng Khoảng). Sau khi về nước, ông tiếp tục đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của ngành kiến trúc và xây dựng, như: Ủy viên Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Vụ trưởng Quy hoạch đô thị - nông thôn, Cố vấn Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước. Ông còn là Ủy viên thường vụ, Bí thư Ðảng đoàn Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Kiến trúc và tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Kiến trúc. Trường Đại học Xây dựng và một số trường đại học khác. Ông cũng đã tham gia chỉ đạo thiết kế nhiều công trình lớn tiêu biểu, như: Quy hoạch Khu trung tâm Hà Nội, Trụ sở Quốc hội; và có nhiều công trình nghiên cứu về lý luận kiến trúc như tính dân tộc trong kiến trúc, về thiết kế và quản lý đô thị nông thôn. Ông tham gia giảng dạy tại một số trường đại học. Năm 1984, ông được phong hàm Giáo sư.
Năm 1984, KTS Ngô Huy Quỳnh được Nhà nước phong học hàm Giáo sư. Ông đã viết hàng trăm bài báo bàn về tính dân tộc trong kiến trúc, về thiết kế và quản lý đô thị. Nhiều cuốn sách của ông đã làm giàu cho tủ sách Kiến trúc Việt Nam. Tiêu biểu là: “Thẩm mỹ học Kiến trúc”; “Hình thức kiến trúc cổ điển”; “Xây nhà bằng vật liệu tại chỗ ở nông thôn Việt Nam”; “Xây nhà bằng đất”; “Quy hoạch cải tạo xây dựng đô thị”… Đặc biệt, tác phẩm “Tìm hiểu lịch sử Kiến trúc Việt Nam” gồm ba tập của ông đã được in và tái bản tới hai lần. Đây là bộ sách được giới khoa học xã hội, kiến trúc đánh giá cao và được sử dụng làm tài liệu giảng dạy trong các trường đào tạo KTS. Với tác phẩm này, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật.
KTS Ngô Huy Quỳnh là người tài hoa. Không chỉ là KTS tài năng, ông còn là một họa sỹ, một Guitarist có hạng. PGS.KTS Tôn Đại, một trong những sinh viên khóa đầu tiên của ông ở Trường Đại học Bách Khoa đã từng ca ngợi “KTS Ngô Huy Quỳnh là một nghệ sĩ đa tài. Ông vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp. Những bức vẽ nghiên cứu bằng bút chì cho ta thấy công phu học tập nghiêm túc của ông, những bức sơn dầu bộc lộ những nét tài hoa qua bút pháp phóng khoáng. Hồi trẻ, ông chơi thành thạo hai loại đàn ghi ta là Tây bán cầm (ghi ta Tây Ban Nha) và ghi ta Hạ-uy-di (chơi với ba móng sắt và một bloc chặn bằng kim loại). Ông thường hòa tấu đàn với Bùi Công Kỳ và Đỗ Nhuận vào thời gian những năm 1943-1945”.
Ông mất năm 2003 tại Hà Nội, an táng tại quê nhà Ngọc Lập, Phùng Chí Kiên. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt tên ông cho một tuyến phố tại quận Long Biên (trong khu đô thị Việt Hưng). Nhắc đến ông, anh em đồng nghiệp đều trân trọng khẳng định ông đã có một cuộc đời hoạt động phong phú và đa dạng, hòa quyện những phẩm chất tốt đẹp của nhà kiến trúc, nhà giáo, nhà báo, nhà nghiên cứu lý luận, nhà hoạt động xã hội để làm nên một nhân cách, một tài năng, một tấm gương sống động cho các KTS hôm nay noi theo.