Nỗi niềm chi rứa Huế ơi!

Thứ năm - 15/10/2020 15:08
Những ngày qua, hình ảnh người chồng, người cha ở Thừa Thiên Huế gào thét, vái lạy thủy thần trả lại vợ và hài nhi chưa kịp khóc chào đời đã gây bao ám ảnh, đã cho ta thấy rõ nhất những hậu họa đau thương xảy đến với miền Trung sau những năm tháng phát triển nóng, tàn phá thiên nhiên bất chấp…

1. Mùa mưa năm nào cũng vậy, sẽ có một bản làng, thôn xóm, thậm chí cả một tỉnh rộng lớn trở nên tan tác vì mưa và thủy điện xả lũ.

Miền Trung năm nay, lúc này đang phải hứng chịu những ngày ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về tài sản và nhân mạng. Lãnh đạo Ủy ban quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói thẳng, việc điều tiết xả lũ vừa qua gây nên ngập lụt, nhiều nơi bị ảnh hưởng là do xả lũ. Do đó, Ủy ban này đề nghị phải xả lũ theo đúng quy trình và có thông báo để an toàn, báo động cho người dân và các lực lượng đang tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.

111
Bão, lũ lụt còn tiếp tục diễn biến khó lường trong nhiều ngày tới tại khu vực miền Trung. Ảnh: GĐVN

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho biết khu vực giúp các hồ tích được nước ở vùng núi thì không giữ được nước nên mưa lúc nào xuống lúc đó. Các hồ thủy điện xả lũ căn cứ vào lượng mưa lũ về và vận hành theo đúng thời gian mùa lũ để làm sao đảm bảo an toàn… “Nhận định thủy điện xả lũ gây ngập lụt là chưa toàn diện, không đúng”, đại diện bộ Công thương phản ứng.

Mặc dù đại diện Bộ Công thương chối lỗi, nhưng dư luận đang đặt câu hỏi về việc các hồ chứa các thủy điện đã vận hành đúng quy trình? Và việc quy trình vận hành hồ chứa thủy điện có được kịp thời điều chỉnh?  Cơ quan quản lý có chạy theo lợi ích kinh tế của doanh nghiệp hay không?...

Mặc dù đại diện Bộ Công thương chối lỗi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong công điện khẩn về ứng phó mưa lũ, đã yêu cầu các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ động chỉ đạo công tác vận hành an toàn các hồ đập thủy lợi, thủy điện, góp phần giảm lũ cho hạ du, không để gia tăng ngập lụt ở hạ du do xả lũ.

111
Bão, lũ lụt còn tiếp tục diễn biến khó lường trong nhiều ngày tới tại khu vực miền Trung. Ảnh: GĐVN

2. Miền Trung địa hình hẹp, dốc, lượng nước đổ về dồn dập, lại thêm các thủy điện đồng loạt xả lũ khiến vùng hạ du không kịp trở tay. Nhưng vì sao lượng nước đổ về dồn dập?

Ngoài tình trạng xây dựng thủy điện tràn lan, thì căn nguyên đã được gọi tên đó chính là nạn bạt núi làm dự án và phá rừng đến cạn kiệt, là việc ẩu tả trong chuyển đổi diện tích rừng sang sử dụng cho các mục đích khác…

Năm 2016, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, cả nước có gần 14,4 triệu ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 10,2 triệu ha, rừng trồng 4,1 triệu ha; độ che phủ rừng 41,19%. Những con số đẹp đẽ ấy không che lấp được thực trạng rừng bị tàn phá ngày một nghiêm trọng, khiến Thủ tướng Chính phủ đã phải ra lệnh “đóng cửa rừng”.

Và bất chấp quyết tâm của Thủ tướng, rừng vẫn luôn “rỉ máu”. Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại lên tới 7.283ha, tức mỗi năm Việt Nam mất đi 2.430ha rừng.

Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên năm 2019 có hơn 3.239.600 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng 2.559.596 ha. Mặc dù diện tích rừng trồng ở Tây Nguyên tăng 18.387ha so với năm 2018, nhưng  diện tích rừng tự nhiên giảm 15.753ha.

Các thống kế đều cho thấy tại miền Trung và Tây Nguyên, diện tích rừng rừng phòng hộ đang suy giảm, thay vào đó là gia tăng diện tích rừng sản xuất. Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, rừng phát huy hiệu quả trong việc chắn gió, cản sức nước và góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió tại các vùng mà bão đi qua… Khi rừng còn “rỉ máu” năm này qua năm khác, thì báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc đã kết luận: Lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn,... ở Việt Nam ngày càng nghiêm trọng do phá rừng, mất rừng!

Một câu hỏi đau xót nữa, là vì sao các tỉnh thành miền Trung đều giáp biển, nhưng thoát lũ lại rất chậm? Các chuyên gia đã nhiều lần chỉ thẳng: Sông ngòi bị san lấp, thu hẹp, đường thoát nước tự nhiên ra biển bị “chắn” bởi hàng loạt resort, khách sạn sừng sững ven biển!

111
Miền Trung chìm trong biển nước do mưa lớn và thủy điện xả lũ.

3. Thủy điện tràn lan, nạn phá rừng và lỗi quy hoạch đô thị ven biển là những nguyên nhân trực tiếp gây lũ lụt trên diện rộng ở miền Trung.

Về thủy điện, như loạt bài của báo CAND chỉ ra: Lịch sử đất nước chưa bao giờ thấy mạng lưới thủy điện đã bủa vây chằng chịt khắp các dòng sông, con suối trên vùng đất miền Trung và Tây Nguyên. Có lúc các “đại gia” tranh nhau “chạy” dự án thủy điện và ví chuyện được dự án như trúng vàng. Và rồi, có ai để ý nhiều con sông sử thi đã biến mất?

Thủy điện đang là những mối họa treo trên đầu các khu dân cư khi không kiểm soát quy hoạch, thi công, vận hành. Ở Huế, vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 đã khiến hàng chục người gặp nạn, trong đó có 17 công nhân của công ty thủy điện và 13 người trong lực lượng cứu hộ mất tích, hiện mới chỉ tìm thấy những thi thể đầu tiên.

Các chuyên gia thủy lợi, môi trường không phủ nhận lợi ích từ các dự án thủy điện, nhưng mặt trái của chúng là làm ngập, phá hủy nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái,… và đang phải coi chúng là “sự đã rồi”. Giờ, các chuyên gia yêu cầu phải thay đổi quy trình vận hành, xả lũ để cứu người dân vùng hạ du miền Trung, đặc biệt là khi những dự báo về mưa lũ còn đầy hiểm họa trong nhiều ngày tới.

Về quy hoạch, theo các chuyên gia, việc cần làm ngay và luôn là ngăn chặn sự thay đổi quy hoạch bị chi phối bởi lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kỳ tại các địa phương, rà soát, thu hồi các dự án vi phạm, sai phạm, hủy bỏ các dự án bạt núi lấp sông, lấn chiếm bờ biển, cửa biển,...

111
Núi Chụt ở trung tâm TP Nha Trang bị cào nát, phía dưới là các khu dân cư hiện hữu và đường giao thông, bờ biển.

Những hô hào về kiểm soát thủy điện, bảo vệ rừng, thắt chặt quy hoạch đô thị,… cứ ra rả, đến hẹn lại lên. Và lũ lụt thì vẫn ập về miền Trung, vẫn bất ngờ, điên cuồng, rút đi rất chậm sau khi gây tang tóc.

Nhà báo Trần Vương Thuấn đã vừa đặt những dấu hỏi xé lòng: “Có bộ đồ gỗ khủng kỳ công nào được hợp thức hóa từ gỗ phá rừng đầu nguồn góp tay vào chuyến đi định mệnh của sản phụ ấy không? Có sự phát triển nóng, hợp tác lạnh, có lòng tham nhân danh cái đói, miếng ăn nào để phá sơn lâm, đâm hà bá, đào tróc núi, lấp cửa sông, ngăn dòng chảy,... đã đưa bàn tay đen mà bịt chặt tiếng trẻ khóc chào đời?”.

Và câu trả lời thuộc về tất cả chúng ta!

Theo Kiên Giang/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây