Sách có 'sạn' phải truy trách nhiệm cả những người phản biện
Thứ ba - 13/10/2020 16:07
Nhiều ý kiến cho rằng những điều không phù hợp trong sách giáo khoa lớp 1 mà dư luận phản ảnh, ngoài trách nhiệm của nhóm làm sách thì cũng đặt vấn đề trách nhiệm của người phản biện.
Nhóm phản biện sách cũng vô trách nhiệm
Nhận định về việc dùng từ ngữ, bài học trong sách lớp 1 mới năm nay, PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng khoa Việt Nam học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) phải thừa nhận sách còn tồn tại khá nhiều vấn đề về mặt ngôn ngữ và tính giáo dục.
PGS-TS Đoàn Lê Giang từng nằm trong nhóm biên soạn sách giáo khoa (SGK) môn ngữ văn lớp 10 (hiện nay học sinh (HS) vẫn dùng). Ông Giang cho biết cuốn sách của ông có tới 8 người phản biện.
“Ngoài nhóm làm sách thì theo tôi nhóm phản biện sách cũng vô trách nhiệm. Khi phản biện SGK, dùng chung cho cả nước, dùng để giáo dục HS thì phải phản biện từng ly, từng tí một. Với những bài đọc, bài dịch thấy không hợp lý thì phải truy lại bản gốc để đối sánh, kiểm chứng. Nếu bây giờ sách có lỗi, có “sạn” thì phải truy trách nhiệm của cả những người phản biện”.
Ngôn ngữ dùng trong sách giáo khoa khá “phàm tục”
Về việc dùng từ ngữ trong sách, ông Giang nói: “Khi xem những cuốn sách tiếng Việt của lớp 1 năm nay tôi không hiểu tại sao nhóm tác giả lại có thể đưa những từ ngữ mang tính vùng miền, từ lóng, từ địa phương vào sách nhiều đến vậy. Những từ này đưa vào cho HS lớp 1 là không phù hợp, sau này các em lớn lên học từ sách, từ cuộc đời các em sẽ biết thêm. Trẻ vào lớp 1 vốn từ còn ít, chỉ nên đưa vào những từ ngữ đơn giản, phổ thông và dễ hiểu.
Đặc biệt có những từ rất lạ như “gà nhép”, “gà nhí”, “chén cá” (ăn cá), “tợp mỡ”... đây có thể là khẩu ngữ mang tính khá phàm tục, đưa vào SGK thì rất phản giáo dục. Như từ “gà nhép” có ai sử dụng bao giờ. Việc cho rằng trẻ chưa học đủ vần, đủ từ nên đưa những từ này vào cho phù hợp là vô lý, vì thực tế ngôn ngữ Việt Nam rất phong phú, không thiếu từ để thay thế”.
Tương tự, GS-TS-NGND Bùi Khánh Thế (Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) cũng cho rằng việc sử dụng ngôn từ để giáo dục HS rất quan trọng, nên khi làm sách phải cân nhắc từng câu từng chữ, không thể qua loa, vội vàng.
Những từ như “cuỗm”, “chén cá”, “tợp” (tợp thức ăn), “bú tí mẹ”... là không phù hợp. Đây là những từ địa phương, từ lóng, văn nói không phù hợp với trẻ con, không nên dạy các em dùng những từ này. Đây là những từ chỉ được một nhóm người nào đó dùng, và dùng trong các trường hợp khá phàm tục, chẳng hạn như “đánh chén” để nói về việc ăn uống.
Với sách lớp 1, theo GS Bùi Khánh Thế, nên bỏ hết những từ này. “Nhiều bài học trong bộ SGK cũ rất hay, nhiều thế hệ HS 20 - 30 năm sau vẫn nhớ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng lại để dạy, không nhất thiết phải làm mới hoàn toàn và gượng ép chỉnh sửa các bài học như hiện nay”, ông Thế nói thêm.
Văn hóa dân gian Việt Nam phong phú, sao không sử dụng ?
Về việc SGK lớp 1 sử dụng khá nhiều truyện ngụ ngôn, GS Bùi Khánh Thế cho rằng đưa truyện ngụ ngôn vào dạy phải cân nhắc rất kỹ, vì ý nghĩa của nó thường rất thâm thúy, không tường minh như những câu chuyện khác, trình độ HS ở lớp 1 khó hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu chuyện. Chưa kể việc thay đổi nhân vật, phỏng theo làm mất đi tính giáo dục của truyện gốc. “Mà kho tàng truyện ngụ ngôn rất phong phú, thiếu gì mà chúng ta không tìm được truyện phù hợp”, GS Thế chia sẻ.
Đề cập đến việc biên soạn sách SGK, đặc biệt với sách dùng cho HS lớp 1, nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ: “Nhà biên soạn sách không thế máy móc áp từ mới vào bất cứ câu nào, đoạn văn nào miễn là phù hợp. Những câu, đoạn văn, khúc thơ có sự xuất hiện từ mới phải được lựa chọn vô cùng công phu, bảo đảm những câu văn thật nuột nà, ý tứ thật nhân văn, đoạn văn phải diễn đạt thật trong sáng, thật gần gũi. Muốn thế “ phương tiện” chuyên chở phải thật ngọt ngào, lung linh, lôi cuốn để không chỉ HS nhận mặt được từ mới mà còn là cách để bổ sung nhận thức về cảm quan, xúc cảm làm giàu tâm hồn". Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đặt vấn đề: “Kho tàng văn hóa dân gian, thơ ca ở nước ta có biết bao câu, đoạn, khổ thơ hay, trong trẻo và gần gũi, tại sao lại phải lấy từ văn học nước ngoài, tại sao lại phải 'phỏng theo?' ''.