Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12/10/2020 có trang Giáo dục rất thú vị, cả nội dung thông tin và cách trình bày.
"Dân tộc, Khoa học, Đại chúng" là những nguyên tắc căn bản được thiết kế từ Đề cương Văn hóa năm 1943, nhưng SGK Tiếng Việt 1 (Cánh Diều) chưa đạt tới.
Phải bảo đảm ít nhất theo 3 nguyên tắc như Đề cương Văn hóa năm 1943 của Đảng CSVN, là “Dân tộc, khoa học, đại chúng”. Nghe có vẻ cũ nhưng lại rất kinh điển đang trở thành nền tảng phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại. Xem lại sách giáo khoa tiếng Việt (cánh diều) thì đều chứa đạt tới.
Chưa cần nói thêm các quan điểm mới, dài dòng.
Giải thích như Tổng chủ biên là chưa thuyết phục và thêm khó chấp nhận.
Tôi chưa có thời gian nghiên cứu kỹ và cũng không thuộc chuyên môn mình, để phản biện cuốn Tiếng Việt 1 (Cánh diều), trong khi nhiều bậc cha mẹ và các chuyên gia đã chỉ ra, nhưng từ góc độ truyền thông, chỉ xin nêu 3 ý nhỏ thôi.
1. Trong kho tàng ngữ liệu Việt Nam, truyện cổ tích, ngạn ngữ, thơ ca,... thiếu gì chuyện hay và đậm chất giáo dục? Tại sao không khai thác, lại đi vay mượn quá nhiều rồi phỏng theo, theo,... Hãy xem sách giáo khoa cũ đều từ nguồn ngữ liệu Việt, nhiều thơ, truyện,... rất hay, gần gũi với học sinh lớp 1... và giàu ý nghĩa, triết lý giáo dục.
Kho tàng ngữ liệu, văn hóa dân tộc rất phong phú và toàn mang đậm chất giáo dục lại chưa được khai thác triệt để, lại đi vay mượn, phỏng theo… nước ngoài là “thả mồi bắt bóng” và không gần gũi với trẻ lớp 1. Triết lý giáo dục nền tảng là bắt nguồn từ bầu sữa mẹ, từ triết lý văn hóa dân tộc Việt Nam.
Đó có phải là một phương diện của “Tính dân tộc”?
2. Dạy Tiếng Việt lớp 1 thì nên và cần phải bắt đầu từ từ chuẩn phổ thông cả về phát âm và ngữ nghĩa, sau đó giáo viên mới mở rộng ra phương ngữ, cách dùng theo bản địa cho từ ngữ và ngữ cảnh thêm phong phú; giải thích như Tổng chủ biên là làm ngược. Và nếu như giáo viên các vùng miền chỉ giải thích theo phương ngữ thì chuẩn tiếng Việt liệu có được cây nền?
Không dùng từ thuần Việt và chuẩn Tiếng Việt, lấy phương ngữ làm trung tâm, là xâm hại chuẩn Tiếng Việt của sách giáo khoa. Vì không thể làm ngược bắt giáo viên giải thích theo phương ngữ vùng miền trong khi chuẩn sách giáo khoa đã bị bỏ qua
Đó là một nét của “Tính khoa học” mà sách giáo khoa phải tuân theo.
3. Các câu chuyện và cách diễn giải đưa vào SGK Tiếng Việt lớp 1 nên và cần giúp học sinh “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và dễ học theo”.
Tính đại chúng của SGK là không phải lắt léo hay mẹo vặt để một số người mới hiểu được, mà phải làm cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng hiểu, cùng tham gia sáng tạo; như vậy mới tránh việc hiểu sai, hiểu chệch.
Sáng hôm qua con trai hỏi mẹ, khi gặp kho báu thì mẹ làm gì? Mẹ hỏi, theo con thì nên làm gì? Và cháu tự trả lời là... phải chôm ngay chứ còn gì nữa! Không thể vì vần chưa học mà xâm hại giá trị hay để học sinh hiểu chệch khi học tiếng Việt. Chả nhẽ kho tàng văn hóa dân gian, thơ ca Việt Nam nghèo nàn đến phải vay mượn và phỏng theo nước ngoài nhiều đến thế ư?
Câu chuyện vay mượn, cắt đôi gây hiểu nhầm, hiểu sai rồi bài sau mới hiểu đúng là rất không nên; và nếu trẻ học buổi trước rồi nghỉ ốm, thì nửa sau câu chuyện ai bù cho các em? Thử hỏi như thế, giáo dục ra sao cho trẻ mới vào trường?
Đó là một yêu cầu của “Tính đại chúng”.
Tôi không biết việc biên soạn sgk đầu tư thế nào để nhóm tác giả đầu tư thời gian và tâm sức cho công trình này, nhưng không thể cải tiến đổi mới đến mức mà xã hội phải kiên trì mãi mới có thể hiểu nhưng thực tế là rất khó hiểu?
Tổng chủ biên nên lắng nghe, cầu thị mà nhìn lại nghiêm túc và biên tập chỉnh sửa để SGK Tiếng Việt 1 đáp ứng chuẩn mực.
Tôi đề xuất, Tiếng Việt cho lớp 1 năm sau phải được biên tập toàn diện, sau đó công bố công khai để phản biện xã hội, sau đó, hội đồng nghiệm thu mới đánh giá lại và xuất bản.
Nếu Bộ cảm thấy khó khăn, khó xử và luẩn quẩn theo kiểu “tự sướng” như thế này thì nói thật, Chính phủ nên mua chương trình Giáo dục phổ thông tiểu học, trung học cơ sở và SGK mà Nhật Bản đã làm.
Hàn Quốc và Nhật Bản vốn “không ưa nhau”, nhưng sau chiến tranh Triều Tiên 1953 thì Hàn Quốc đã nhập khẩu gần như nguyên chương trình và SGK của Nhật Bản.
Vì sao ư? Vì họ tôn thờ lợi ích quốc gia, vì sự phát triển đất nước mà bỏ qua mọi tính toán nhỏ nhen lợi ích nhóm, kể cả bỏ qua “thói tự ái” của văn hóa tiểu thương.
Nhật Bản cải cách giáo dục vì sự thịnh vượng quốc gia chủ yếu dựa trên 2 nền tảng chính.
Một là, văn hóa dân tộc (Phương Đông) trên cơ sở tự chỉ trích theo triết lý trong cuốn Khuyến học của nhà tư tưởng, nhà giáo dục học Fukuzawa Yukichi.
Hai là, hướng theo tư tưởng tự do, khai phóng khuyến khích mọi sáng tạo, tự do cá nhân của Phương Tây. Và họ có được nước Nhật như hôm nay.
Chúng ta cứ thế này thì khó phát triển.
PGS-TS Nguyễn Văn Dững (Nguyên Trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí Tuyên truyền)