Vì sao đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hẹn ngày đưa vào khai thác?

Thứ bảy - 10/10/2020 15:28
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự - các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác.
111
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể khai thác vận hành chính thức sau nhiều lần lỗi hẹn

Chính phủ vừa gửi báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực giao thông vận tải.

Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục “điểm danh” nhóm 5 dự án đường sắt đô thị, trong đó có 3 dự án do thành phố Hà Nội và TP. HCM làm chủ đầu tư và 2 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

Với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Bộ GTVT làm chủ đầu tư), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định “đã cơ bản hoàn thành, đang được các bên hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác”.

Tuy nhiên, theo đại diện chủ đầu tư, còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến thiết bị khu Depot, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán... Bộ GTVT đang chỉ đạo giải quyết vướng mắc, khắc phục các tồn tại và hoàn thiện các hạng mục còn lại.

Theo Bộ trưởng Thể, khó khăn chính hiện nay là công tác huy động nhân sự - các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam hoàn thành công tác đánh giá an toàn hệ thống để nghiệm thu, bàn giao đưa vào vận hành khai thác.

“Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Ngoại giao có công hàm đề nghị cấp có thẩm quyền của Pháp hỗ trợ, tháo gỡ để các chuyên gia tư vấn ACT sớm sang Việt Nam thực hiện dự án”, báo cáo nêu, nhưng lại không ấn định thời gian dự án đưa vào vận hành khai thác khi nào.

Lý giải nguyên nhân, cũng như các lần báo cáo trước, Bộ GTVT tiếp tục lập luận, hầu hết các dự án trọng điểm đều là dự án quy mô lớn, đòi hỏi quy trình quản lý, công nghệ thi công phức tạp; có những dự án lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam (các dự án đường sắt đô thị), trong khi chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; rồi năng lực nhà đầu tư, ban quản lý dự án, tổng thầu, nhà thầu, tư vấn còn hạn chế, chưa thực sự chuyên nghiệp…

Trong đó, vấn đề chậm giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư kéo dài, thiếu mặt bằng sạch bàn giao cho nhà thầu thi công được xem là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại nhiều dự án, đặc biệt các dự án đường sắt đô thị. Trách nhiệm này thuộc địa phương, chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Bộ GTVT, công tác quy hoạch tại một số địa phương chưa thực sự tốt, mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến cơ quan chuyên môn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (như tại dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi, công tác quy hoạch chi tiết 1/500 các ga Quốc gia Hà Nội, Giáp Bát, Gia Lâm, quy hoạch 1/2000 phân khu ga Hà Nội, phương án tuyến cầu vượt sông Hồng chậm phê duyệt cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ tại dự án). Trách nhiệm liên quan đến công tác quy hoạch thuộc địa phương.

Kêu gọi giám sát, phát hiện từ xã hội

Về nguyên nhân chính của việc tăng tổng mức đầu tư, theo Bộ GTVT là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Đặc biệt đối với các dự án đường sắt đô thị, do chưa có kinh nghiệm với loại hình mới này nên tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tưchưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Ngoài ra là yêu cầu điều chỉnh quy mô đầu tư dẫn đến tình trạng tăng tổng mức đầu tư. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư, tư vấn thực hiện dự án.

Bộ GTVT cũng cho rằng, cơ chế thực hiện các dự án (đặc biệt là các dự án ODA) còn bất cập.Kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu, tình trạng thiếu vốn đối ứng kéo dài dẫn đến tiến độ thi công bị ảnh hưởng; công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu gặp nhiều vướng mắc, khó khăn do các ràng buộc phức tạp quy chế đấu thầu của các nhà tài trợ…

Bên cạnh đó, việc VEC được chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dẫn đến tình trạng chưa thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc xác định cấp quyết định đầu tư đối với các dự án của VEC… “Đây là một khó khăn chung, có liên quan đến trách nhiệm của rất nhiều cấp, bộ, ngành và cần được nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp”, báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký ban hành nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp được Bộ GTVT đưa ra trong thời gian tới là phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của xã hội thông qua việc nâng cao công tác truyền thông, thông tin đến xã hội, người dân được biết. Qua đó huy động và duy trì sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc tham gia giám sát, phát hiện những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, tránh bức xúc trong dư luận.

Theo Luân Dũng/Tiền phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây