Nhiều tỉnh vừa quyết định hủy hàng loạt các món quà đắt tiền, dự định sẽ tặng cho đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh sắp tới. Điều đó nói lên rằng, việc tiếp thu ý kiến đóng góp từ người dân và sự cầu thị của lãnh đạo các tỉnh là có thật. Rằng các tỉnh ấy không phải quá ngại dư luận, đặc biệt là mạng xã hội, mà việc phản ảnh của dư luận chung quanh câu chuyện tặng quà là đúng bản chất của sự việc, cần phải tiếp thu sửa chữa để làm sao đó, đại hội Đảng bộ các tỉnh thật sự là “niềm mong đợi” của toàn dân. Nó cũng nói lên rằng, người dân đã bắt đầu ý thức việc giám sát của mình trước những quyết sách từ những người lãnh đạo. Ngược lại, những người lãnh đạo cũng bắt đầu “trông trước ngó sau” trước khi đưa ra những quyết định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Việc lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ hai phía như thế là rất cần thiết trong một xã hội mà nền dân chủ không thể chỉ tồn tại mãi trên các văn bản.
Trở lại với câu chuyện quà tặng cho đại biểu. Gần như thành lệ, hễ đến kỳ đại hội Đảng các cấp, trong tất cả các khoản chi cho đại hội, thế nào cũng có phần “quà cho đại biểu”, như thể không có quà thì đại hội không thành công vậy. Mà quà ở đây thì toàn là “quà khủng”, từ cặp da giá vài ba triệu/chiếc đến áo dài, áo vest cho đại biểu giá 3-5 triệu/ bộ; từ những quyển sách dày bằng đốt ngón tay cho đến “bông hồng cài áo” và bao nhiêu thứ không tên khác nhưng tiền dành cho nó thì vô cùng nhiều. Tiền đó là lấy từ ngân sách, tức tiền thuế của người dân chứ không có nguồn nào khác. Có địa phương cho rằng, nhiều công trình chào mừng đại hội là vận dụng từ việc “xã hội hóa”, tiền ấy là do doanh nghiệp đóng góp chứ không phải lấy từ ngân sách nên “không ảnh hưởng”. Đây là một kiểu biện hộ cho những chủ trương chưa thật sự thuyết phục của nhiều tỉnh. Suy cho cùng, tiền của doanh nghiệp cũng là tiền của dân, tiền được đánh đổi từ mồ hôi nước mắt chứ không phải từ trên trời rơi xuống.
Vậy thì quà như thế nào để đại biểu “có cái làm kỷ niệm” đây? Cái này cũng tùy vào túi tiền của từng địa phương, nhưng dứt khoát, quà đó phải thật sự là món quà ý nghĩa mà không thể đo đếm bằng tiền. Bộ đồ vest giá 6 triệu như quà cho đại biểu ở một tỉnh phía Bắc, liệu có đi theo đại biểu đó suốt đời được không? Chắc chắn là không rồi. Chiếc cặp da 2-3 triệu cũng thế, chỉ xài hết một nhiệm kỳ là cùng. Có địa phương “nghĩ ra” chuyện tặng sách cho đại biểu để khỏi mang tiếng là hoang phí. Nhưng sách ấy lại vô cùng lạc lõng với đại hội. Một tỉnh ở Nam Trung Bộ mà đi in hàng ngàn cuốn sách “Bác Hồ trong lòng người dân tỉnh X” dày như cục gạch để làm quà tặng cho đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh thì rõ là vẽ ra để tiêu cho hết tiền vậy.
Ngân sách quốc gia ngày một eo hẹp do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mỗi một đồng chi ra đều phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đừng nghĩ chỉ gia đình mới kêu gọi tiết kiệm mà ngay cả quốc gia lúc này cũng nên lấy việc tiết kiệm làm đầu. Đại hội Đảng là việc phải làm. Quà cáp cho đại biểu là điều không quá quan trọng nên mọi món quà lúc này cũng cần phải được cân nhắc để đại hội thành công trong niềm vui trọn vẹn của người dân.
Tác giả: Phạm Đương
Nguồn Văn nghệ số 41/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên