Khi biên soạn giáo trình văn học cho thiếu nhi, phần văn học dân gian, tôi có nói đến thể loại ngụ ngôn. Ngụ ngôn mang tính trí tuệ hàn lâm hơn là tính chất bình dân. Ngụ ngôn thường sử dụng hình tượng loài vật như một ẩn dụ về một triết lý. Điều này làm cho ngụ ngôn khác biệt với truyện loài vật. Ngụ ngôn không lấy loài vật làm đối tượng miêu tả (đặc điểm tự nhiên và mối tương quan với xã hội con người) như truyện loài vật mà chỉ dùng loài vật như một phương tiện minh hoạ cho bài học triết lý.
Hình tượng của ngụ ngôn không là hình tượng trực quan sống động mà là hình tượng của suy tư trừu tượng. Cho nên sẽ có loại ngụ ngôn trẻ em hiểu được và loại không thể hiểu được. Loại hiểu được là những truyện đơn giản nằm trong tiềm năng và phạm vi trải nghiệm của trẻ. Còn loại không thể hiểu được là những truyện hoàn toàn thuộc trải nghiệm của người lớn khi con người phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống: dối trá, lọc lừa, thủ đoạn… Những truyện này nếu áp đặt cho trẻ em, không chỉ trẻ em không hiểu được mà còn tác động ngược. Do tính chất hàm ẩn rất trừu tượng của hình tượng gián tiếp, cho nên cái sai, cái xấu bị phê phán trong ngụ ngôn nhiều khi tác động trực tiếp vào trẻ em làm cho trẻ em tự đồng hóa mình với nhân vật. Không chừng trẻ em thấy lười biếng, lừa lọc, dối trá… tốt hơn là thật thà, siêng năng mà với lứa tuổi ấy, thầy cô rất khó nói sao cho chúng hiểu.
Tôi hiểu những người soạn sách tiếng Việt 1 mới muốn tích hợp học chữ với học trải nghiệm cuộc sống qua ngụ ngôn, nhưng sự tích hợp ấy là vội vàng và hoàn toàn sai lầm. Không nhất thiết phải biến trẻ mới 6 tuổi thành người lớn nhanh, vì như vậy là giết chết tuổi thơ hồn nhiên. Mà sự lớn nhanh theo tác động tiêu cực từ trong những mẩu chuyện ấy thì là một thảm họa của xã hội. Đó là chưa nói, các mẩu chuyện gọi là “phỏng theo” Lev Tolstoy hay La Fontaine đã bị các nhà soạn sách cắt xén, xuyên tạc hoàn toàn khác với nguyên bản. Trong trường hợp ấy, thầy cô nếu không biết nguyên bản sẽ còn hiểu sai và dạy sai, huống hồ là đặt vào quá tầm đón nhận của trẻ em.
Tôi thật sự bất ngờ là truyện ngụ ngôn lại chiếm một dung lượng lớn trong sách tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cho cái chữ trừu tượng trở nên gần gũi, dễ hiểu, đằng này người viết sách chủ quan ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cho cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn nữa. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?
Bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục toàn cầu của Microsoft, chia sẻ: “Cảm giác đầu tiên của tôi khi đọc câu chuyện trong sách là không an toàn, không thoải mái nếu có con học cuốn sách này. Con tôi sẽ được giáo dục thế nào khi đây khi não bộ của một đứa trẻ 6 tuổi chưa đủ khả năng để suy nghĩ đặt ngược lại vấn đề. Ở lứa tuổi này khi đọc bài tập đọc sẽ ám thị và sẽ là cách ứng xử nên nếu đưa ra một tình huống sai thì có thể dẫn đến cách ứng xử theo tình huống đó”.
Vì vậy, theo bà Diễm Quyên, với học sinh lớp 1, đang học và luyện từ thì cần thiết nên dùng ngữ liệu là những câu chuyện đẹp, có ngôn từ đẹp, định hướng tốt, giáo dục lối sống, kỹ năng. Và không kho tàng văn học dân gian hay hiện đại, trong nước hay trên thế giới đều không hề thiếu. Và có thể lấy từ chính những câu chuyện có thật trong cuộc sống hằng ngày đề giáo dục học sinh
Còn giáo viên Huỳnh Lê Ý Nhi (Q.Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ quan điểm: “Nội dung câu chuyện không có tính giáo dục. Bởi lẽ trẻ em sẽ bắt chước sự gian dối, lừa lọc. Hãy cứ dạy trẻ thật thà, ngay thẳng và biết giúp đỡ người khác. Những bài học đầu đời rất quan trọng vì nó để lại dấu ấn sâu đậm, khó quên trong tâm trí mỗi người”.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên