Theo Business Insider, một trong những điểm nổi bật trong lực lượng hải quân mà Trung Quốc đang tích cực cải tiến là các tàu sân bay.
Trung Quốc hiện có 2 tàu sân bay trong biên chế và chiếc thứ 3 đang được chế tạo. Truyền thông nước này đã đăng tải các đoạn video để phô diễn năng lực của các chiến hạm này.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có nhiều hơn một lý do để khẳng định tàu sân bay của Trung Quốc không phải là mối đe dọa với hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Thiết kế lỗi thời
Theo Business Insider, cả 2 tàu sân bay đang trong biên chế quân đội Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông đều dựa theo mẫu tàu sân bay lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo từ những năm 1980.
Tàu Liêu Ninh thực chất là tàu được cải tạo từ một con tàu Liên Xô mà Trung Quốc mua của Ukraine vào năm 1998. Tuy nhiên, một di sản có nguồn gốc từ Liên Xô được cho vẫn đang ngăn cản tàu sân bay Trung Quốc hoạt động hiệu quả là đường băng kiểu “nhảy cầu”. Đặc điểm của đường băng là phần mũi dốc lên, và nó nằm trong hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR).
STOBAR phóng máy bay bằng cách buộc nó phải hãm tốc độ lại trên boong, khiến máy bay cất cánh chậm hơn bình thường. Điều này dẫn tới việc máy bay trên tàu sân bay dùng hệ thống STOBAR phải nhẹ, đồng nghĩa với việc máy bay Trung Quốc phải mang ít vũ khí đi, cũng như giảm bớt khối lượng nhiên liệu.
Trong khi đó, tàu sân bay Mỹ sở hữu hệ thống phóng máy bay năng lượng hơi nước hoặc năng lượng điện từ trường, giúp các máy bay có thể tăng tải trọng nhiên liệu hoặc vũ khí. Tàu sân bay Mỹ có thể phóng tiêm kích, máy bay ném bom chiến đấu, máy bay trinh sát và điều khiển trên không, thậm chí là máy bay vận tải hạng nhẹ. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ phóng được tiêm kích với năng lực tấn công hạn chế để đảm bảo không quá nặng nề.
Tàu sân bay Trung Quốc hiện chỉ có thể phóng 1 máy bay/lần, trong khi hàng không mẫu hạm Mỹ có thể phóng 2 máy bay trong vài giây.
Năng lực máy bay
Theo Business Insider, tiêm kích hải quân hiện tại của Trung Quốc J-15 “cá mập bay” được xem là kém hơn nhiều so với các máy bay cùng loại của Mỹ.
Giống các tàu sân bay, J-15 Trung Quốc được chế tạo dựa trên thiết kế của Liên Xô. Do không thể mua tiêm kích Su-33 dùng cho tàu sân bay của Nga, Trung Quốc đã mua nguyên mẫu Su-33 chưa hoàn thiện từ Ukraine để chỉnh sửa. Tuy nhiên, phiên bản J-15 này được xem ẩn chứa nhiều vấn đề.
Nguyên mẫu Su-33 của Ukraine có phần khung khá tốt nhưng không bao gồm động cơ. Trung Quốc, trong khi đó, lại gặp khó trong việc sản xuất động cơ máy bay hiệu quả và phải sử dụng các phiên bản nội địa kém hơn.
Động cơ chưa hiệu quả cùng với các vấn đề kỹ thuật đã gây ra các vụ tai nạn hàng không, trong đó một số vụ gây chết người. Trung Quốc từng cấm bay toàn bộ J-15 trong vài tháng vì những sự cố trên.
Ngoài ra, J-15 có trọng lượng khá nặng - một trở ngại khác khi tàu sân bay Trung Quốc dùng hệ thống STOBAR. J-15 nặng hơn cả F/A-18E/F và F-35C của Mỹ.
Hạn chế về vận hành
Số lượng máy bay mà Liêu Ninh và Sơn Đông mang được lần lượt là 40 và 44, thấp hơn hẳn các tàu lớp Nimitz và Gerald R. Ford của Mỹ (60 và 75).
Tàu sân bay Trung Quốc được cho di chuyển chậm hơn và chỉ hoạt động trên biển được trong 6 ngày trước khi cần được tiếp liệu, trong khi hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ có thể di chuyển liên tục trong vài năm.
Hơn nữa, Trung Quốc mới có chưa đầy 10 năm kinh nghiệm vận hành tàu sân bay, trong khi, Mỹ có gần một thế kỷ sở hữu những hàng không mẫu hạm “khủng”.
Trong tương lai, tàu sân bay lớp Type 003 của Trung Quốc được cho sẽ được bổ sung hệ thống phóng máy bay năng lượng hơi nước hoặc năng lượng điện từ trường. Trung Quốc dường như cũng đang thúc đẩy việc thay thế tiêm kích J-15 để khắc phục những điểm yếu “chí mạng”.
Theo Dân trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên