Không chỉ chị Nguyễn Anh Thư (phụ huynh ở Q.1, TP.HCM) hoang mang như vậy mà nhiều phụ huynh có con học lớp 1 đều "hết hồn" khi nghe con nói và đọc sách Tiếng Việt lớp 1 của con.
Nói theo... sách giáo khoa!
Chị Thư cho biết một lần trò chuyện với con và xem lại sách giáo khoa môn tiếng Việt, chị mới giật mình: "Hôm đó, tôi hỏi con là ba có đưa con về nhà ông bà nội không, con gọn ghẽ trả lời "chả có".
Tôi hỏi con học từ đó ở đâu, sao trả lời với người lớn cộc lốc như thế. Con cho rằng nói đúng theo trong sách giáo khoa.
Con kể chiều qua cô dạy tập đọc, một đoạn có từ "chả sợ gì", rồi con ghép từ. Tôi mở sách ra xem thì đúng như vậy, sách có nhiều ngữ liệu trong phần tập đọc dùng từ "chả"".
Một trường tiểu học ở trung tâm Q.1 (TP.HCM) chọn bộ sách "Cánh diều" cho học sinh lớp 1. Khi được hỏi về nội dung sách, cô N.H., khối trưởng khối 1, nhận xét: "Trường chọn bộ sách này vì lượng vần, âm trong môn tiếng Việt ít hơn so với các bộ sách khác.
Tuy nhiên, giáo viên chúng tôi như bị "mắc kẹt" bởi sách tiếng Việt có quá nhiều từ miền Bắc. Không riêng gì từ "chả" mà là rất nhiều từ khác.
Tôi lấy ví dụ như câu: "Vỗ bé khó ghê cơ!", người miền Nam sẽ nói: "Vỗ bé rất khó!", hoặc như trang 32 khi học "g", "gh" có từ "ghi", người miền Nam sẽ dùng: "viết", "chép". Hay ở trang 34 có 2 từ: "giá đỗ" và "giò".
Học sinh ở TP.HCM chỉ biết "giá" và "chả lụa". Trong lớp có một em từ Hà Nội chuyển vào, chỉ duy nhất em đó biết "giò" là gì. Chúng tôi phải cùng một lúc dạy và giải thích cho học sinh đồng thời từ miền Nam lẫn miền Bắc. Vì thế, nhìn chung giáo viên các lớp đều gặp khó khăn này".
Cô N.H. nói thêm: "Đó là chưa kể sách đưa chữ in hoa vào quá sớm. Biết rằng học sớm thì tốt thôi nhưng lượng tiếng nhiều, chữ hoa chữ thường các em không phân biệt được. Viết chữ "nhà" thì các em đọc được, nhưng "NHÀ" thì không nhớ, không đọc được.
Có em nói với tôi rất sợ khi nhìn bảng. Giáo viên chỉ còn cách động viên để con tự tin đọc, đúng sai chưa bàn, nhưng chúng tôi trước hết cổ vũ tinh thần các em".
Giống người nước ngoài học nói tiếng Việt
Dưới góc độ từ vựng, thạc sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Huyền (Trường ĐH Quy Nhơn) nhận định từ "chả", "chẳng", "không" đều là những phó từ tình thái, về nghĩa cơ bản là giống nhau, mang nghĩa phủ định.
"Trong đó, từ "không" mang màu sắc biểu cảm phù hợp với mọi đối tượng giao tiếp; còn "chả" và "chẳng" mang sắc thái biểu cảm phù hợp với ngôn ngữ khẩu ngữ, hay trong ngôn ngữ nghệ thuật.
Tuy nhiên, tùy vào ngữ cảnh mà thái độ tiếp nhận cần hướng đến sẽ có những biểu hiện khác nhau. Nếu học sinh lớp 1 học ở sách những câu có từ "chả" mà mang ra ngoài trang sách giao tiếp ở ngữ cảnh, ở vai vế khác nhau, cần sự tôn trọng, thì điều đó không phù hợp và mang sắc thái âm tính" - cô Huyền phân tích.
Trong khi đó, ông Hoàng Tuấn Công, một nhà phê bình từ điển ở Hà Nội, cũng chỉ ra rằng từ "chả" là từ khẩu ngữ, thông tục, thường được sử dụng trong văn nói hoặc văn học dân gian, ca dao, hò, vè.
"Nếu dùng "chả" thay thế cho "chẳng", "không" trong mọi trường hợp thì rõ ràng là cách học, viết tiếng Việt... giống như người ngoại quốc đang tập nói" - ông Công nói.
Một hiệu trưởng ở TP.HCM cho rằng tôn trọng ngôn ngữ chuẩn và lồng ghép từ vùng miền là cần thiết, "nhưng sử dụng quá nhiều từ miền Bắc sẽ khó khăn với các em".
Vị hiệu trưởng này cũng chỉ ra thêm: "Bản thân tiếng Việt rất phong phú, nên xét về nghĩa về từ, có thể giáo viên sẽ gặp những từ "định khung", có thể do ảnh hưởng của người biên soạn sách.
Vấn đề là giáo viên phải biết thoát ra những gợi ý từ đó, hướng học sinh đến thực tế gần gũi để đạt được mục tiêu truyền đạt".
GS Nguyễn Minh Thuyết - tổng chủ biên môn tiếng Việt của bộ sách "Cánh diều" - cho biết: "Đây là sách viết cho toàn quốc nên bên cạnh những từ phổ thông, chúng tôi cũng dùng những từ địa phương nhưng ít thôi.
Thầy cô có trách nhiệm giải thích từ ngữ cho các em, thế thì mới gọi là dạy học".
"Còn từ "chả", tôi phân tích cho rõ, đây là khẩu ngữ, không phải là văn chương, tôi dùng là vì bắt buộc phải dùng. Học sinh chưa học vần "ông" hay "ăng" trong từ "không" và "chẳng", nên phải dùng từ "chả" cho phù hợp khi học sinh mới viết lách được vài chữ" - ông Thuyết khẳng định.
Đặc trưng văn hóa vùng miền
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho biết các nhóm tác giả biên soạn sách giáo khoa đều dựa trên bộ quy tắc chính tả do Bộ GD-ĐT quy định để thống nhất.
Tuy nhiên, khi chọn ngữ liệu đưa vào sách, các nhóm tác giả có thể sử dụng các từ ngữ đa dạng mang đặc trưng văn hóa các vùng miền. Việc sử dụng các phương ngữ cũng có dụng ý nhằm vào đối tượng học sinh ở các vùng miền khác nhau của các bộ sách giáo khoa.
Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài cũng cho biết Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục lắng nghe góp ý về sách giáo khoa mới. Những nội dung phản ánh sẽ chuyển cho các nhà chuyên môn để nghiên cứu, phân tích và có trao đổi, tư vấn trở lại cho Bộ GD-ĐT để có thể điều chỉnh.
Sau một năm thực hiện chương trình sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT cũng có khảo sát, đánh giá việc thực hiện, trong đó có việc đánh giá sách giáo khoa mới để rút kinh nghiệm cho việc thực hiện các năm sau đó và triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp trên.
Theo Thảo Thương/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên