SGK mới lớp 1: Giáo viên cần chủ động và linh hoạt trong quá trình giảng dạy

Thứ năm - 08/10/2020 14:12
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021, điểm mới ở chương trình này là có 5 bộ sách được Bộ giáo dục Đào tạo phê duyệt đưa vào giảng dạy trong các nhà trường. Bộ sách giáo khoa Cánh Diều là một bộ sách được đánh giá cao bởi tính phù hợp với các đối tượng học sinh. Qua một tháng giảng dạy với trường Tiểu học Đường Lâm - Thị xã Sơn Tây (Hà Nội), Hiệu trưởng nhà trường Cao Thị Phương Mai khẳng định “Bộ sách này có lượng kiến thức trong 1 đơn vị bài học là tương đối phù hợp với học sinh, tuy nhiên phần từ ứng dụng và bài đọc còn hơi dài”. 
111

Đây là năm đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nên cả cô và trò cũng có những bỡ ngỡ. Cô giáo Lê Thị Xuân Hương, dạy lớp 1 nhà trường cho biết: “Với giáo viên chúng tôi, vừa giảng dạy vừa phải rút kinh nghiệm. Qua chương trình tập huấn cũng như các chuyên đề mà phòng giáo dục tổ chức chúng tôi cũng đã tự tin hơn để giảng dạy. Hầu hết học sinh không gặp khó khăn gì trong quá trình học tập. Còn đối với những em tiếp thu chậm, chưa theo kịp chương trình và chúng tôi sẽ chú ý và dành thời gian cho các em nhiều hơn, chắc chắn, hết học kỳ 1 các em sẽ quen và sẽ bắt kịp với chương trình”.

Với sách mới, chương trình mới, thầy cô trường Tiểu học Đường Lâm đã chủ động, linh hoạt trong giảng dạy để học trò không bị áp lực, và tạo hứng thú cho các em khi đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Vinh chia sẻ: “Bản thân giáo viên chúng tôi cũng cố gắng để tiếp cận được với phương pháp giảng dạy mới. Bộ sách Cánh Diều là bộ sách hay, dễ dạy. Tôi đã chủ động thiết kế nội dung bài học phù hợp, đưa nhiều những hoạt động vào bài học để học sinh phải tích cực hợp tác cùng thầy cô, giúp cho các em hứng thú hơn, tiếp thu bài học chủ động hơn, tránh nhàm chán.

Về phía phụ huynh cũng có những ý kiến cho rằng sách giáo khoa mới, chương trình mới còn “nặng” với học sinh. Rất nhiều phụ huynh tỏ ý lo lắng khi về nhà mở sách ra thấy 1 ngày các con phải học rất nhiều, đặc biệt môn Tiếng Việt lượng kiến thức trong một tuần là rất lớn, cuối tuần là bài viết phải hệ thống lại rất nhiều. Vì vậy vứi chúng tôi cũng phải động viên, khích lệ tới phụ huynh để việc đồng hành giữa phụ huynh, giáo viên được chặt chẽ và họp có phương pháp để cùng hỗ trợ con. Khi họ hiểu được vấn đề thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi không máy móc, áp đặt khiên cưỡng bắt buộc các em phải quá lệ thuộc vào khối lượng kiến thức, mà coi việc tiếp nhận kiến thức như một sự mới mẻ, cùng khám phá, cùng học, kích thích sự sáng tạo của các em. Quan điểm của  tôi và các đồng nghiệp trong trường  là phải để các em hứng thú đến trường, mỗi ngày học là mỗi ngày vui” .

111

Còn cô Hiệu trưởng Cao Thị Phương Mai, người rất có tâm huyết với sự nghiệp trồng người, luôn lắng nghe ý kiến từ giáo viên, cũng là người đồng hành với các thầy cô kể từ khi tập huấn đến khi giảng dạy chương trình mới, cho rằng mọi sự khởi đầu muốn tốt đẹp và thuận lợi, phải có khâu chuẩn bị chu đáo để giảng dạy chương  trình mới. Với trường Tiểu học Đường Lâm, cô Mai cho biết “Chúng tôi quan tâm chú trọng từ khâu chọn sách. Hội đồng chọn sách của nhà trường nghiên cứu nghiêm túc và cuối cùng đã chọn bộ sách giáo khoa Cánh Diều để sử dụng giảng dạy trong nhà trường. Đặc biệt không chỉ giáo viên lớp 1 mới được tham dự tập huấn mà toàn thể hội đồng chọn sách của nhà trường bao gồm: BGH, giáo viên lớp 1, tổ trưởng chuyên môn tham gia. Chúng tôi coi đây là Ban cố vấn về chuyên môn. Ngoài việc tham dự tập huấn, ngay từ hè chúng tôi đã tổ chức các chuyên đề để giáo viên trong toàn trường cùng tham dự, cùng trao đổi. Để hỗ trợ cho giáo viên BGH đã phân công đồng chí Phó Hiệu trưởng nhà trường trực tiếp phụ trách và sinh hoạt chuyên môn cùng tổ 1. Chính vì vậy giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Đường Lâm rất an tâm và chủ động trong quá trình giảng dạy”.  

Hàng tuần, nhà trường dành một buổi chiều thứ ba để sinh hoạt chuyên môn. Các giáo viên chia sẻ kinh nghiệm và những vấn đề gặp phải trong quá trình giảng dạy SGK mới. Để cùng nhau tháo gỡ, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy sự lúng túng, lo lắng... trong quá trình giảng dạy đối với giáo viên lớp 1 nhà trường đã không hề sảy ra. Việc đánh giá chương trình lớp 1 “nặng” hay “nhẹ” cũng phụ thuộc đáng kể vào yếu tố tâm lý và sự chuẩn bị của giáo viên khi bắt tay vào thực hiện chương trình.

Khi được hỏi về việc chuẩn bị và tâm thế đối với giáo viên về việc thay sách lớp 2 sắp tới, Hiệu trưởng Cao Thị Phương Mai cho biết ngay từ bây giờ, nhà trường đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho việc dạy lớp 2 năm tới. BGH chọn đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt tình, tâm huyết và sẵn sàng để tham dự các chương trình tập huấn. Về cơ sở vật chất, nhà trường cũng chú trọng đảm bảo lớp học đủ phương tiện dạy học hiện đại như máy tính, máy chiếu...Và, chắc chắn, giáo viên và phụ huynh sẽ bớt cảm giác áp lực (nếu có) vì đã qua một năm tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện nay, dư luận xã hội, có một số ý kiến về sách lớp 1. Ngoài việc ủng hộ, đồng tình với nội dung biên soạn chương trình của sách lớp 1 với tính ưu việt nổi trội của các bộ sách, đặc biệt là bộ SGK lớp 1 Cánh Diều, thì vẫn có ý kiến về việc “nặng”, “nhẹ” của chương trình. Tuy nhiên, đây mới là khoảng thời gian bắt đầu, rất ngắn so với cả năm học. Khi GV, phụ huynh đã quen với chương trình và phương pháp dạy - học kiểu mới, thì “nặng”, hay “nhẹ” của chương trình không còn là sự bận tâm nữa. Quan trọng là GV có dạy tâm huyết, và hay không mà thôi. Cái mới không dễ gì được làm quen và chấp nhận dễ dàng ngay. Nhưng sự thay đổi, mang lại hiệu quả to lớn của chương trình và SGK trong quá trình dạy – học, thì sẽ được đón nhận tích cực và có sự lan tỏa trong xã hội.

111

Với 6 lớp 1 và 201 học sinh lớp 1 học chương trình mới bắt đầu từ năm học 2020-2021, bộ sách Cánh Diều được thầy trò trường Tiểu học Đường Lâm nói riêng và rất nhiều trường Tiểu học trên địa bàn Thủ đô nói chung lựa chọn bởi tính ưu việt, dễ dạy và dễ học. Với sự chuẩn bị chu đáo về đội ngũ, cơ sở vật chất... cho việc tiếp nhận và tập huấn thay sách lớp 2  trong năm học tới, chắc chắn mọi khó khăn, lúng túng cũng sẽ không đến với đội ngũ giáo viên ở vùng đất cổ kính, giàu truyền thống văn hóa, hiếu học này.

Theo Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây