Tập trung mọi nguồn lực đáp ứng đủ sách giáo khoa cho năm học mới
Thứ tư - 04/09/2024 16:12
Để kịp cung ứng đủ sách giáo khoa (SGK) trước ngày khai giảng, toàn hệ thống Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã tập trung mọi nguồn lực, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành các công đoạn trong quy trình 8 bước xuất bản SGK; huy động toàn bộ các đơn vị trong hệ thống và các đối tác để sách in xong kịp đến các địa phương, sẵn sàng cho năm học mới.
SGK luôn là vấn đề quan trọng được phụ huynh, học sinh, nhà trường và xã hội hết sức quan tâm; đặc biệt, năm học 2024-2025, việc chọn SGK và dạy học theo chương trình mới đối với lớp 5, 9 và 12 sẽ hoàn tất lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước thềm năm học mới, việc cung ứng SGK cũng như công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên ở 63 tỉnh/thành trên cả nước nhằm hướng dẫn sử dụng hiệu quả SGK mới là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất. Cùng với đó, vấn đề SGK giả, lậu cũng như SGK điện tử, giá SGK... cũng được xã hội rất quan tâm. Đó cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Tiến Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc NXBGDVN, đơn vị cung ứng đến 70% thị phần SGK trên cả nước.
PV: Thưa ông, năm học 2024-2025 là năm học đầu tiên sử dụng Bộ SGK mới lớp 5, 9, 12 để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến thời điểm này, việc cung ứng các bộ sách dành cho lớp 5, 9, 12 nói riêng và SGK nói chung đã được NXBGDVN triển khai như thế nào? Ông Nguyễn Tiến Thanh: Đến ngày 24/8/2024, NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho SGK các lớp đạt 97,5% kế hoạch, tương ứng 169,4 triệu bản. Đến thời điểm này đã hoàn thành phát hành 97,1% kế hoạch, tương ứng 175,25 triệu bản.
Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu, hiện NXBGDVN đã hoàn thành in và nhập kho đạt 101,2% kế hoạch, tương ứng 58,5 triệu bản. Phát hành đạt 99,1% kế hoạch, tương ứng 56,09 triệu bản; đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh cả nước trước ngày khai giảng năm học mới.
PV: Lâu nay dư luận than phiền nhiều về giá sách. Mặc dù đã xã hội hóa để giảm giá thành, nhưng nhiều người cho rằng giá vẫn tăng cao. Vì vậy người ta nói nhiều đến câu chuyện chuyển đổi số. Vậy NXBGDVN đã và đang làm gì để hướng tới giảm giá SGK giấy và hướng tới SGK điện tử? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Hiện NXBGDVN có 2 bộ SGK là “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”, gồm đầy đủ sách của các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12. SGK được xuất bản theo một quy trình rất nghiêm ngặt với rất nhiều công đoạn và không hề đơn giản. Quá trình này đòi hỏi phải có đội ngũ biên tập viên có năng lực chuyên môn tốt, có khả năng tổ chức bản thảo SGK với rất nhiều yêu cầu khắt khe về nội dung, kỹ thuật; đòi hỏi phải có đội ngũ tác giả giàu kinh nghiệm; đội ngũ họa sĩ hùng hậu, có chuyên môn cao.
Sau quá trình biên soạn, xuất bản sách thì các nhà xuất bản (NXB) có SGK còn phải tổ chức giới thiệu sách, tập huấn giáo viên sử dụng sách. Toàn bộ quy trình này đòi hỏi những khoản chi phí rất lớn, trong đó tập trung vào 5 yếu tố sau: Chi phí tổ chức bản thảo; chi phí nhuận bút; chi phí sản xuất (gồm giấy và công in); chi phí khâu lưu thông (hay còn gọi là chi phí phát hành); chi phí tài chính (hay còn gọi là lãi vay).
Chỉ tính riêng chi phí tổ chức bản thảo của một bộ SGK lên tới hàng trăm tỷ đồng. Chi phí nhuận bút hiện nay được tính theo tiết học (dù số lượng sách được in nhiều hay ít). Tổng nhuận bút của 2 bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” của NXBGDVN hằng năm vào khoảng gần 70 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí sản xuất cũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng (bao gồm giấy và công in) và hoàn toàn dựa vào vốn vay Ngân hàng. Chi phí cho khâu lưu thông, phát hành phí cũng là những khoản chi phí rất lớn.
Hiện nay, không chỉ có duy nhất NXBGDVN thực hiện việc biên soạn, in ấn, phát hành SGK. Có 7 NXB được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép xuất bản SGK nhưng chỉ có 6 NXB tham gia xuất bản vì để thực hiện được việc xuất bản SGK không dễ dàng như đã nói ở trên. NXBGDVN bằng kinh nghiệm, uy tín và năng lực đang chiếm lĩnh khoảng 70% thị phần SGK, nhưng hoàn toàn không phải là đơn vị độc quyền hay có bất cứ ưu đãi nào.
Thời gian vừa qua dư luận cho rằng NXBGDVN lãi lớn từ SGK nhưng trên thực tế, lợi nhuận từ SGK hầu như không có, hoặc có rất ít. Toàn bộ nguồn vốn sản xuất kinh doanh của NXBGDVN hiện nay đều là vốn vay ngân hàng (lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm). Trong khi đó, với cơ cấu giá hiện nay, sản phẩm SGK của NXBGDVN hầu như không có lãi (tỷ suất lợi nhuận chỉ tương đương lãi suất vay ngân hàng). Lợi nhuận của NXBGDVN chủ yếu có được từ các loại sách khác (như sách bổ trợ, sách tham khảo) vốn là loại sách mà bất cứ đơn vị xuất bản nào cũng được tham gia làm.
Mặc dù lợi nhuận thu được từ SGK là rất thấp như tôi đã nói ở trên, song thực hiện chỉ đạo của các cấp quản lý, đồng thời xác định trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước có quy mô hàng đầu, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXBGDVN xác định việc hỗ trợ giáo viên, học sinh và đảm bảo an sinh xã hội là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Vì vậy, từ năm học 2024-2025, NXBGDVN đã thực hiện điều chỉnh giảm giá SGK. Cụ thể: Với SGK các lớp tái bản (gồm lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11): NXBGDVN đã thực hiện tiết giảm chi phí, đặc biệt là ở 2 khoản mục quan trọng là chi phí tổ chức bản thảo và chi phí khâu lưu thông để điều chỉnh giảm giá bán. Theo đó, giá của bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm 9,6%; bộ SGK “Chân trời sáng tạo” giảm 11,2%; Đối với SGK các lớp 5, 9, 12 xuất bản lần đầu: NXBGDVN đã xây dựng và kê khai giá theo cơ cấu giá đã giảm ở các lớp đã xuất bản trước đó.
Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống NXBGDVN vì quyền lợi người tiêu dùng là hàng chục triệu học sinh trên cả nước.
Đến nay, NXBGDVN đã hoàn thành nhiệm vụ biên soạn 2 bộ SGK với đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đối với việc xuất bản SGK, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định với định hướng của NXBGDVN là đặc biệt coi trọng chất lượng nội dung sách, không ngừng nâng cao chất lượng thiết kế, chất lượng hình ảnh minh hoạ. Bên cạnh SGK giấy, mục tiêu lâu dài hơn của NXBGDVN là phát triển SGK điện tử. Đó cũng là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, là yêu cầu của Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Hiện nay SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của chúng tôi đã có phiên bản điện tử SGK, có các học liệu điện tử kèm theo (hình ảnh, video, hệ thống tài liệu bổ trợ…). Tương lai SGK sẽ là sách điện tử, sách số. Chúng tôi sẽ phải có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với thời đại.
PV: Trong quá trình chuẩn bị các bộ SGK cho năm học mới, NXBGDVN có những chiến lược, giải pháp như thế nào để không xảy ra tình trạng thiếu sách, nhất là đối với những bộ SGK mới. Và trong quá trình đó có gặp khó khăn gì không thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Để đảm bảo cung ứng đủ SGK trước ngày khai giảng năm học 2024-2025, NXBGDVN đã chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, tài chính (vốn) để triển khai in, phát hành sách đầy đủ, kịp thời. Chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch theo nhu cầu của địa phương và dựa trên thực tế in, phát hành của các năm trước để tính toán đủ sản lượng sách cần in.
Là doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của NXBGDVN chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (Luật Doanh nghiệp, Luật Xuất bản) và phải thực hiện nhiệm vụ chính trị với ngành giáo dục. Việc xuất bản, in ấn SGK thực hiện theo Luật Đấu thầu. Hiện nay, đối với việc in ấn SGK, hằng năm, NXBGDVN phải thực hiện đấu thầu trong việc cung ứng vật tư (giấy in), công in, thùng carton đựng sách. Mỗi gói thầu trung bình phải diễn ra trong khoảng 70 ngày. Do vậy, để đảm bảo tiến độ in ấn và cung ứng SGK cho năm học mới, NXBGDVN phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các công ty tư nhân làm SGK xã hội hoá.
Trên thực tế, để kịp cung ứng đủ SGK trước ngày khai giảng, toàn hệ thống NXBGDVN đã tập trung mọi nguồn lực, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành các công đoạn trong quy trình 8 bước xuất bản SGK; thực hiện đấu thầu giấy in, thùng đựng sách, công in theo Luật Đấu thầu; huy động toàn bộ các đơn vị trong hệ thống phát hành của NXBGDVN và các đối tác để sách in xong kịp đến các địa phương, sẵn sàng cho các cháu học sinh bước vào năm học mới.
PV: Được biết, đến nay, NXBGDVN đã hoàn thành việc tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5, 9, 12 ở 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy công tác này có tiếp tục triển khai trong thời gian tới khi các địa phương có yêu cầu hay không, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Thực hiện Công văn số 689/BGDĐT-GDTH ngày 23/02/2024 về việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 5, lớp 9, lớp 12 và bảo đảm cung ứng SGK năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXBGDVN đã hoàn thành công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK lớp 5, 9, 12.
Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ, đa dạng nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ công tác bồi dưỡng gồm: Phiên bản điện tử SGK, sách giáo viên; tài liệu bồi dưỡng giáo viên sử dụng SGK; video giới thiệu SGK;… Tất cả các tài liệu, dữ liệu nêu trên được đăng tải miễn phí trên website taphuan.nxbgd.vn để cán bộ quản lý, giáo viên có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về SGK các môn học.
Bắt đầu từ ngày 03/6/2024, NXBGDVN đã triển khai công tác tập huấn, bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 5, 9, 12 cho cán bộ quản lý và giáo viên các địa phương. Đến nay, NXBGDVN đã hoàn thành việc tổ chức các lớp tập huấn cho tất cả các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5, 9, 12 ở 63 tỉnh/thành phố, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể: Bồi dưỡng trực tuyến: Đã thực hiện trong 10 đợt (mỗi đợt 5 - 6 ngày/ tuần) với tổng số 725 lớp bồi dưỡng; Bồi dưỡng trực tiếp: Cùng với việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, NXBGDVN đã tổ chức nhiều các lớp tập huấn trực tiếp theo kế hoạch riêng của từng tỉnh/thành phố.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vẫn sẽ được NXBGDVN tiếp tục tổ chức thực hiện trong suốt cả năm học khi có yêu cầu từ các địa phương.
PV: Được biết, tình hình sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Vậy NXBGDVN đã và đang có những biện pháp gì nhằm ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả nói chung, trong đó có số lượng không nhỏ là SGK, sách tham khảo... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà xuất bản, đặc biệt là NXBGDVN do sách giáo dục của NXBGDVN bị in và tiêu thụ lậu đứng đầu về số lượng, địa bàn, về mức độ thiệt hại.
Theo thống kê sơ bộ của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay đã có trên 41 triệu bản SGK và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ 14 vụ với 4,5 triệu cuốn sách các loại giả sản phẩm của NXBGDVN.
Sách giả được làm rất tinh vi, mặc dù nhìn bên ngoài giống sách thật, nhưng về chất lượng in sẽ không đạt yêu cầu. Sách giả nếu có sai sót về nội dung sẽ ảnh hưởng tới kiến thức tiếp nhận của học sinh, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.
Sách giả ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết; triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước; đặc biệt có nguy cơ và tác hại đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh; là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng.
Những nguyên nhân chính dẫn đến việc còn tồn tại vấn nạn sách lậu, sách giả, theo tôi, xuất phát từ lợi nhuận cao; nhận thức, ý thức về bảo vệ bản quyền của một bộ phận người tiêu dùng chưa cao. Sách giáo dục giả có lợi nhuận cao vì các đối tượng in lậu không phải trả các chi phí như: bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn… Chi phí in ấn và phân phối sách lậu thường thấp hơn nhiều so với sách thật, đó là cơ hội để những người in sách lậu bán sách với giá thấp hơn, chiết khấu cao hơn nhưng vẫn thu được lợi nhuận lớn.
Ngoài ra, việc thực thi các quy định về bản quyền và chống sách in lậu còn chưa đủ mạnh, thiếu nhân lực và công nghệ để kiểm soát. Một số đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong luật pháp để in và phát hành sách lậu. Đồng thời, trong thị trường vẫn luôn tồn tại một bộ phận khách hàng muốn mua sách với giá thành rẻ do họ chưa có ý thức về bảo vệ bản quyền, cũng chưa hiểu rằng sử dụng sách lậu, sách giả là tiếp tay cho việc vi phạm pháp luật. Họ đơn giản coi việc mua sách lậu là cách để tiết kiệm tiền mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài.
Thêm nữa, sách giáo dục bị làm giả thường được in và phát hành nhanh chóng ngay tại thời điểm kết thúc năm học và chuẩn bị bước sang năm học mới, nhằm đáp ứng nhu cầu tức thì của thị trường trước khi sách thật có thể được phân phối rộng rãi. Thị trường có cung, có cầu ắt tạo cơ hội cho sách lậu phát triển. Những lý do và động cơ này tạo nên một môi trường thuận lợi cho sự tồn tại lâu dài của việc in và phát hành sách lậu, sách giả, gây nhiều thiệt hại cho các NXB.
Để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp từ phía các nhà xuất bản, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Về phía ngành giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt về việc triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên, học sinh. NXBGDVN đã rất tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện công tác phòng chống sách lậu, sách giả.
Có thể kể ra một số biện pháp mà NXBGDVN đã thực hiện để ngăn nạn sách giả như sau: Duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của NXBGDVN; áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa sách giáo dục giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như: mã vạch, QR code, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả...; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in và phát hành sách giả; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua các hội thảo, các triển lãm trưng bày, nhận diện sách thật, sách giả...; khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXBGDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương, không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách in lậu, sách giả.
Để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nạn in lậu sách cần phải có thêm những biện pháp mạnh mẽ, triệt để và đồng bộ. Cần tăng cường áp dụng các hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sách lậu, sách giả. Đồng thời, công tác chống nạn sách lậu, sách giả cũng rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ và đẩy mạnh truyền thông từ phía các cơ quan thông tấn, báo chí để nâng cao ý thức người tiêu dùng.
Nếu có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan quản lí nhà nước, của các nhà xuất bản và nhất là các đơn vị báo chí, truyền thông, tôi tin rằng công tác chống nạn sách lậu, sách giả sẽ có nhiều thay đổi tích cực.
PV: Thưa ông, nhiều năm qua, NXBGDVN đã trao tặng hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trước thềm năm học mới 2024-2025, hoạt động ý nghĩa này đã được triển khai như thế nào?
Ông Nguyễn Tiến Thanh: Trong nhiều năm qua, NXBGDVN đã thực hiện nhiều chương trình xã hội như chăm sóc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng hàng trăm căn nhà tình nghĩa; tặng SGK cho con thương binh, liệt sĩ; tặng sách và học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Riêng trong 5 năm gần đây, NXBGDVN đã có một số chương trình lớn như: Năm 2019, chương trình 25.000 bộ SGK tiếp bước học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường; năm 2020, chương trình tặng SGK cho các em học sinh lớp 1 có hoàn cảnh khó khăn tại nhiều địa phương trên toàn quốc, với tên gọi Cùng đón em vào lớp 1. Trong các năm 2021 và 2022, chương trình Cùng tiếp bước em tới trường trao tặng 50.000 bộ SGK mỗi năm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên toàn quốc.
Đặc biệt, trong năm 2023, ngoài chương trình Cùng tiếp bước em tới trường với số lượng sách trao tặng là 156.342 bộ SGK, NXBGDVN đã triển khai đồng thời chương trình Tặng Tủ SGK dùng chung cấp Tiểu học với số lượng là 890 tủ (tương ứng với hơn 1.000 bộ SGK và hơn 7.000 bộ sách giáo viên) cho các trường/điểm trường tiểu học vùng khó khăn trên toàn quốc. Bên cạnh 2 chương trình tặng SGK là chương trình TặngHọc bổng cho học sinh nghèo vượt khó – học tốt với 4.042 suất học bổng, tương ứng với hơn 10 tỉ đồng.
Trong năm 2024, NXBGDVN sẽ tiếp tục trao tặng khoảng 1.000 Tủ SGK dùng chung cho các trường/điểm trường cấp Trung học cơ sở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… trên toàn quốc, trung bình mỗi tỉnh 15 tủ. Mỗi tủ sách gồm 90 bộ SGK và 06 bộ sách giáo viên từ lớp 6 đến lớp 8 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời tặng bổ sung vào các Tủ SGK dùng chung cấp Tiểu học (đã được NXBGDVN thực hiện năm 2023) khoảng 30.000 bộ SGK và 2.000 bộ SGV lớp 5 (mỗi tủ sách gồm 30 bộ SGK và 02 bộ SGV). Chương trình dự kiến sẽ triển khai từ tháng 10/2024, với tổng trị giá khoảng 27 tỉ đồng.
Đây là tấm lòng của toàn thể cán bộ, công nhân viên NXBGDVN với mong muốn chia sẻ một phần khó khăn với các em học sinh và các nhà trường, giúp các em có thêm điều kiện học tập và nhà trường có thêm nguồn tài liệu dùng chung hữu ích, hỗ trợ cho công tác giảng dạy và học tập chung của giáo viên và học sinh./. PV:Xin trân trọng cảm ơn ông!