Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với khát vọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam: Tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Thứ năm - 25/07/2024 08:44
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến văn hóa, nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc,” “văn hoá còn thì dân tộc còn,” “văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội”…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một tài năng lớn của cách mạng Việt Nam đồng thời là nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn. Trải qua nhiều cương vị công tác, với những trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm, dành tâm huyết rất lớn cho cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng về xây dựng, và phát triển nền văn hoá Việt Nam: Nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, kế thừa những truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hoá của thế giới nhằm phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người. Tổng Bí thư còn nhắc lại lịch sử cho thấy, quan điểm xuyên suốt của Đảng, đó chính là phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội... bởi văn hóa có vai trò tiên phong “Soi đường cho quốc dân đi”.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Ngay từ tiêu đề, Tổng Bí thư đã khẳng định “Quyết tâm chấn hưng”, đồng thời trực diện đưa ra định hướng đường lối phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay là “xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Quyết tâm và định hướng này của Tổng Bí thư chính là dấu mốc quan trọng đối với quá trình phát triển nền văn hóa Việt Nam; khẳng định thời điểm văn hóa Việt Nam cần được chấn hưng để tạo nền tảng nhận thức đúng đắn, đầy đủ, toàn diện về văn hóa trong mối quan hệ với phát triển; tạo động lực quan trọng cho phát triển bền vững, thông qua khắc phục các hạn chế, tồn tại, phát triển hài hòa, đồng bộ giữa văn hóa với kinh tế, xã hội, với xây dựng đời sống hạnh phúc cho toàn thể nhân dân. Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có giá trị vô cùng to lớn, bởi đây không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển - sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội. Với cuốn cẩm nang này, những người làm văn hóa cũng ý thức được trách nhiệm quán triệt sâu sắc, chuyển tải, cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư để những nội dung cốt lõi của cuốn sách được lan tỏa, thấm sâu vào tâm thức của đội ngũ những người làm công tác văn hóa, biến nhận thức thành hành động cụ thể, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Mới đây tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành tháng 6/2024. Nội dung cuốn sách là sự khẳng định vai trò của văn hóa Việt Nam vô cùng quan trọng và thực sự cấp bách đối với sự tồn vong và phát triển của dân tộc trong thời đại này. Nội dung cuốn sách gồm ba phần: Phần thứ nhất có chủ đề “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, gồm 19 bài phát biểu, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại: Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc... Phần thứ hai là “Phát triển toàn diện, đồng bộ để văn hóa thật sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước bền vững”, tuyển chọn 73 bài phát biểu, bài viết, thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với các lĩnh vực văn hóa cũng như quá trình xây dựng, phát triển của các cơ quan văn hóa. Với thực tiễn phong phú và tư duy lý luận sắc bén, sự am hiểu sâu sắc về đặc trưng của từng loại hình văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo toàn diện đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật; giáo dục, đào tạo; khoa học, công nghệ; báo chí, xuất bản… Với chủ đề “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống”, phần thứ ba tuyển chọn 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của các cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người. Bởi lẽ, “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”. Chính vì vậy, việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, với đời sống tinh thần phong phú, nhân ái, giàu lòng tự trọng chính là mục tiêu xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư.
Bác đã sống trọn một đời đúng ý nghĩa, đúng lý tưởng mà Bác luôn tâm đắc. “Cái quý nhất của con người là Cuộc sống và Danh dự sống, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”