Bản lĩnh dấn thân sau mỗi tác phẩm báo chí
Thứ ba - 02/07/2019 09:24
Để có một tác phẩm hay, có rất nhiều yếu tố như chọn đề tài, cách thể hiện, phương pháp thu thập và thể hiện những thông tin trong tác phẩm của mình, cũng như vai trò của ban biên tập và người đứng đầu cơ quan báo chí... Tuy nhiên, theo tôi bản lĩnh dẫn thân của mỗi tác giả đằng sau tác phẩm có một vai trò rất quan trọng trong việc thành công của một tác phẩm được khán, thính giả, độc giả đón nhận.
Những năm gần đây, qua theo dõi các tác phẩm đạt giải cao tại các kỳ thi giải Báo chí quốc gia; liên hoan truyền hình toàn quốc, tôi càng thấy rõ điều này. Vì các tác phẩm đoạt giải cao tại các kỳ thi, liên hoan này như: Bảo kê ở chợ Long Biên của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam; Mãi lộ giao thông của cảnh sát giao thông Hà Nội của nhóm tác giả Báo Tiền Phong. Hay phóng sự truyền hình “Đường của thầy” của nhóm tác giả Đài PT&TH Yên Bái... Trong các tác phẩm này, bản lĩnh dấn thân của nhà báo được thể hiện rất rõ nét. Một nhà báo nữ như phóng viên Liên Liên của Đài Truyền hình Việt Nam đã mất rất nhiều thời gian để vào khu vực chợ Long Biên và khám phá ra rất nhiều bí mật ở khu vực này, sau đó phản ánh và đã được các ngành chức năng vào cuộc dẹp bỏ tình trạng "bảo kê" ở đây.
Vấn đề là việc dám dấn thân của các nhà báo thì ai cũng hiểu được, nhưng "dám" thể hiện hay không lại là một câu chuyện khác. Nhất là với những người làm báo ở địa phương, việc "thân quen" các sở, ngành, các địa phương, doanh nghiệp cũng là những cản trở mà không phải nhà báo nào cũng vượt qua được để dấn thân. Bên cạnh đó, khi đi vào các vấn đề "gai góc" của xã hội, thường đụng chạm, ảnh hưởng đến việc làm ăn của một "nhóm" người trong địa bàn nói riêng và xã hội nói chung. Mà khi đã đụng chạm đến quyền và lợi ích trước mắt hay lâu dài, thì các đối tượng bị phản ảnh sẽ tìm rất nhiều cách để ngăn trở nhà báo tác nghiệp.
Còn nhớ năm 2015, tôi được Ban giám đốc giao cho đi làm loạt phóng sự về: Thực trạng xe quá tải hoành hành ở Hưng Yên và nạn cát tặc trên sông Hồng, sông Luộc. Dù việc đi làm gần như bí mật, nhưng chỉ mới ghi hình được buổi đầu tiên đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại và tin nhắn đề nghị không đưa hình ảnh của đơn vị, cá nhân họ lên sóng. Tiếp đến là việc khi mình đang ghi hình họ, thì cũng có từ hai đến ba người cầm máy điện thoại để ghi hình mình. Buổi tối, anh phóng viên quay phim còn điện thoại cho tôi là "buổi chiều mình ra giữa sông Luộc ghi hình tàu hút cát, có 2 người ghi hình biển số xe và theo xe của em về đứng ở cổng nhà không biết làm gì??? Tôi cũng chỉ biết động viên đồng nghiệp của mình, đồng thời báo cáo lại cho lãnh đạo cơ quan biết mọi việc như: Đã quay được những hình ảnh gì, phỏng vấn ai, ở đâu, đã làm việc với cơ quan nào...? Lãnh đạo cơ quan và lãnh đạo phòng lúc đó rất ủng hộ tôi, đồng thời khẳng định sẽ hỗ trợ, cũng như tạo mọi điều kiện để chúng tôi tác nghiệp an toàn... đồng thời không quên giục kíp phóng viên phải làm khẩn trương, coi trọng các yếu tố an toàn cho người, máy móc và bảo mật thông tin.
Song, chính bản thân tôi cũng bị đối tượng lạ nhắn tin xin không được thì có ý đe dọa. Nhưng nhìn lại sự việc, tôi thấy mình phải quyết tâm làm bằng được. Sau đó, loạt phóng sự của chúng tôi vẫn lên sóng. Năm 2016, tôi mang phóng sự: Hệ lụy cát tặc đi thi và đạt giải B Giải báo chí về môi trường.
Trong làng báo chí Hưng Yên, tôi thấy không chỉ có lĩnh vực phản ánh về mặt trái của xã hội, mà còn cả các lĩnh vực khác. Ngay như khi viết về các tấm gương người tốt việc tốt, nếu như tác giả không mạnh dạn dấn thân, có bản lĩnh và vốn sống, cách thể hiện mới mẻ thì cũng sẽ không có được những tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Mai Phương