Tận dụng thế mạnh, tích cực đổi mới thông tin của báo chí

Thứ năm - 27/06/2019 09:00
LTS- Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019), ngày … tại TP Hưng Yên, Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên đăng cai tổ chức hội thảo báo chí khu vực với chủ đề: "Những yếu tố làm cho báo chí địa phương không thua mạng xã hội". Nhiều lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố phía Bắc và một số cơ quan báo chí Trung ương cùng đông đảo hội viên, nhà báo các cơ quan báo chí trong tỉnh tham dự. Người làm báo Hưng Yên xin trích đăng nội dung một số tham luận tại hội thảo (đầu đề do Tòa soạn đặt).
 
Tham luận của Báo Thái Bình

Sự phát triển mạnh mẽ của internet dẫn đến sự bùng nổ các trang mạng xã hội miễn phí từ năm 2000 đến nay như các trang Facebook, Twitter, Youtube, zalo… Đặc biệt là Facebook đã tạo ra sức mạnh đột phá có tác động, ảnh hưởng to lớn đến đông đảo công chúng, thách thức các loại hình báo chí kể cả báo mạng điện tử. Sự chia sẻ thông tin cùng những ý kiến, bình luận về mọi vấn đề trong xã hội trên Facebook của nhiều người đã thu hút, lôi kéo sự chú ý của đông đảo cư dân mạng. Hiện nay, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có đông người dùng Facebook nhất với 64 triệu người, chiếm 3% tổng số tài khoản Facebook toàn cầu.
 
truyen-thong-mang-xa-hoi-2-1560817805

Thực tế cho thấy, chúng ta có nhiều tờ báo chính thống, nhiều các cơ quan truyền thông nhưng những tin hay, tin tốt chỉ được lan truyền một cách khiêm tốn, trong khi những vấn đề tốt và không tốt lan truyền trên mạng xã hội rất nhanh. Bên cạnh những mặt trái của mạng xã hội, Facebook cũng đem lại những thông tin thiết thực cho công chúng. Trong một chuyến công tác tại Australia, khi tôi vào một nhà hàng đang ngồi chờ đồ ăn cùng đoàn công tác thì một vị khách ngồi bàn bên cạnh đến chỗ tôi nói một tràng dài bằng tiếng nước ngoài. Tôi ngơ ngác nhìn anh ta vì không biết anh ta nói gì. Biết tôi không hiểu, anh ta liền chỉ vào chiếc phù hiệu VTV trên ve áo tôi, cùng lúc đó thì anh bạn phiên dịch đi cùng đoàn cũng đến và bảo: Anh ấy đang hỏi có phải các bạn đến từ Việt Nam và có phải bạn làm ở hãng truyền hình VTV? Chúng tôi cười nhìn nhau với cái nhìn thân thiện. Có phiên dịch rồi cuộc trò chuyện giữa hai bên trở nên vui vẻ, thoải mái hơn. Anh bạn người Australia vui vẻ kể như khoe với chúng tôi là vợ anh mới sinh con được 4 tháng, chẳng may cháu bị ngạt mũi, anh liền gọi cho bác sĩ ở phòng khám tư đến khám và dùng thiết bị hút dịch từ mũi cháu ra, hướng dẫn cho vợ anh cách làm. Người bác sĩ lấy điện thoại mở ra một clip hướng dẫn cách hút dịch mũi cho trẻ em, điều thật bất ngờ là clip trên lại do y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân, sau đó được người nhà bệnh nhân quay và đưa lên mạng xã hội. Vợ chồng anh bạn người Australia xem được và áp dụng chữa cho con khỏi rất nhanh. Vì thế, khi gặp đoàn chúng tôi từ Việt Nam sang, anh liền mang chuyện ra kể và nói lời cảm ơn các thầy thuốc Việt Nam. Khi biết tôi là người Thái Bình, nơi có bệnh viện phụ sản tác giả của clip trên, anh lại càng phấn khởi. Anh bảo: Người Thái Bình chúng mày giỏi vậy. Đến đây tôi mới hiểu, đúng là mạng xã hội đã giúp cho người ta mặc dù ở những vùng đất khác nhau, lại hoàn toàn chưa biết nhau nhưng rất dễ gần nhau và hiểu nhau hơn.

Về nước tôi đem chuyện kể với bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Duy Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Thái Bình. Nghe tôi kể lúc đầu anh ngạc nhiên nhưng sau đó anh nói luôn, đó là những việc bình thường, vì họ làm theo quy định của Bộ Y tế. Tôi đồng tình với hai chữ “bình thường” của anh nhưng lại không đồng ý, khi cho đây là chuyện bình thường. Vì tại sao người nước ngoài chỉ xem được những clip do các y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình thực hiện và điều đáng nói nữa là không chỉ có một clip trên mà còn có cả những clip khác. Bác sĩ Mạnh kể với tôi chuyện về một clip khác đó là, chỉ hai ngày sau khi chị Lê Thị Ánh, 23 tuổi, sống tại huyện Vũ Thư đăng tải clip trên trang cá nhân của mình về hình ảnh nữ y tá của Bệnh viện Phụ sản Thái Bình hướng dẫn cách quấn khăn và làm ổ giúp bé sơ sinh ngủ ngon, đã có gần 3 triệu lượt view, 6.700 lượt thích và hơn 81.800 lượt chia sẻ. Anh Mạnh tâm sự: Mạng xã hội đã góp phần tạo thêm niềm vui, thêm động lực cho cán bộ, nhân viên bệnh viện cùng động viên nhau làm tốt hơn công tác chăm sóc phục vụ người bệnh, qua đó phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn của mình.

Cái lợi mà mạng xã hội mang lại là rất rõ nhưng những cái hại cũng không phải ít, đơn cử như chuyện khi cá chết hàng loạt ở ven biển các tỉnh miền Trung, lập tức trên mạng xã hội xuất hiện cảnh cá chết kèm theo chú thích là trên biển Cồn Vành (Thái Bình). Thông tin này đã nhanh chóng lan truyền, làm cho các cấp, ngành đứng ngồi không yên, chỉ đến khi lực lượng công an tìm ra thủ phạm là một thanh niên cố tình lấy ảnh cá chết ở miền Trung ghép vào cảnh ở vùng biển Cồn Vành thì dư luận mới lắng xuống.

Trở lại vấn đề báo chí và mạng xã hội, chúng ta có thể thấy sự khác biệt cũng như sự hỗ trợ nhau giữa hai công cụ truyền thông này, cụ thể như mạng xã hội có ưu thế là một công cụ truyền thông mà cư dân mạng có thể tự tạo ra và trao đổi thông tin, kết nối, tương tác với nhau trên nền tảng internet. Báo chí hoạt động phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về mặt pháp lý và đạo đức như Luật Báo chí; Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí; Quy chế cung cấp và phát ngôn cho báo chí; Quy chế phỏng vấn báo chí; Quy định về đạo đức báo chí… Khi đăng thông tin trên báo chí, nhà báo phải qua nhiều khâu biên tập, xuất bản chặt chẽ và nhiều ràng buộc liên quan đến tôn chỉ, mục đích của tờ báo đó, đặc biệt là báo Đảng. Với mạng xã hội, mọi người có thể thiết lập trang mạng cá nhân, được quyền tự chủ quyết định đăng tải thông tin, trở thành “nhà báo công dân”. Do đó, có thể nói mạng xã hội là kênh thông tin lý tưởng, tiện lợi nhất và ít rào cản nhất để mọi cá nhân có thể đăng, chia sẻ thông tin với hàng tỷ người trên thế giới. Trên thực tế, ngay các cơ quan báo chí cũng đang sử dụng mạng xã hội để quảng bá, tạo sự lan tỏa thông tin của mình. Cụ thể nhiều tờ báo Đảng cũng đã phát triển các Fanpage trên Facebook như một cầu nối, một phương tiện nhanh chóng, tiện ích để truyền tài thông tin và tương tác với công chúng… Bên cạnh đó, nhiều nhà báo cũng đang sử dụng mạng xã hội để khai thác các thông tin để tác nghiệp hoặc đẩy tin, bài, ảnh, video, clip đăng trên báo lên mạng xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội cũng nảy sinh nhiều vấn đề mà báo chí ít khi vướng phải và đây cũng là lợi thế của báo chí. Mạng xã hội đưa tin chưa được kiểm chứng; lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tự do, thiếu văn hóa; đăng tải những hình ảnh, thông tin riêng tư của cá nhân khác làm ảnh hướng đến uy tín, danh dự của người khác. Thông tin trên mạng xã hội cũng là vũ khí lợi hại để kẻ xấu lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, quan điểm sai trái nhằm bôi nhọ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… Nhiều người cho rằng không thể cấm được thông tin trong bối cảnh có mạng internet toàn cầu mà phải chấp nhận nhiều loại thông tin thật, giả, tốt, xấu từ nhiều luồng khác nhau. Bản thân người tiếp nhận thông tin phải biết chọn lọc, tiếp nhận một cách thông minh.

Như phân tích ở trên thì để báo chí nói chung, báo Đảng địa phương nói riêng không thua mạng xã hội chỉ có thể khắc phục bằng việc các ngành chức năng xem xét, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động trên mạng xã hội, bảo đảm đầy đủ, khả thi; các ngành chức năng tăng cường tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về an ninh truyền thông, an ninh mạng, hay nghiệp vụ quản lý thông tin đối với các công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng công tác tham mưu, thường xuyên kết hợp và học tập kinh nghiệm từ các nước phát triển có hệ thống quản lý mạng xã hội chặt chẽ. Khuyến khích các thông tin tích cực được chia sẻ trên mạng xã hội nhằm tạo môi trường lành mạnh để người sử dụng có thể giao lưu, chia sẻ thông tin với nhau. Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giáo dục pháp luật, đặc biệt là trong các cơ sở đào tạo nói chung và các trường đại học hay các cơ quan báo chí, truyền thông nói riêng, nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về nhận thức của người sử dụng mạng xã hội.

Truyền thông mạng xã hội đã, đang và sẽ phát triển rất mạnh. Do đó, chúng ta cần xác định được những vấn đề cơ bản trong hoạt động quản lý thông tin trên mạng xã hội sẽ giúp xây dựng môi trường thông tin lành mạnh, đồng thời phát huy những ưu thế của mạng xã hội để các báo đồng hành trong hoạt động thông tin, truyền thông. Đối với các báo Đảng địa phương, trong giai đoạn hiện nay và những năm tới, các cơ quan báo chí cần đáp ứng tốt một số yêu cầu và cần có sự đổi mới để không thua mạng xã hội như: đổi mới nội dung, phương châm và cách thức lãnh đạo. Về đổi mới nội dung lãnh đạo, trước hết cần tích cực, sắc bén, chủ động, kịp thời trong việc dự báo, định hướng chính trị, tư tưởng, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để phản ánh trên báo chí. Về phương châm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí cần kịp thời, nhanh nhạy nhưng phải bảo đảm khoa học, đúng tôn chỉ mục đích… Tăng cường công tác đào tạo về báo chí theo hướng làm báo hiện đại; trong đó đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tác nghiệp thời 4.0, đào tạo sử dụng các thiết bị máy móc phục vụ quá trình tác nghiệp… để tạo ra các nhà báo đa năng. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố để báo chí thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng như: tiếp tục nâng cao vai trò của Hội Nhà báo; đổi mới công tác quy hoạch báo chí; tăng cường công tác bảo vệ quyền tác giả; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về hoạt động báo chí ở nước ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây