Đam mê và trách nhiệm với nghề

Thứ tư - 22/07/2020 15:02

Viết báo là nghề vinh dự, tự hào nhưng người cầm bút cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách; nếu không tâm huyết với nghề và có tinh thần trách nhiệm cao thì rất dễ nản lòng. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21 - 6), cùng lắng nghe những sẻ chia, tâm sự của họ về nghề báo.

P.V Lê Thị Phương Linh - Chi hội Báo Gia Lai
Trưởng thành hơn sau mỗi bài viết

Được phân công theo dõi mảng văn hóa - du lịch, P.V Phương Linh để lại ấn tượng trong người đọc bởi phong cách viết nhẹ nhàng, trau chuốt trong từng câu chữ nhưng vẫn làm nổi bật được thông tin cần thiết. P. V Phương Linh đã có nhiều bài viết hay, ấn tượng giới thiệu về những gương người tốt - việc tốt trong gìn giữ bản sắc văn hóa, nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh. “Tôi mong muốn thông qua những tác phẩm của mình nhiều người sẽ có ý thức hơn trong việc chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và có nhiều cách làm huy để kích cầu du lịch" - P.V Phương Linh tâm sự.

Không chỉ bó hẹp trong những đề tài thuộc lĩnh vực được phân công, P.V Phương Linh còn có những bài viết dài kỳ phản ánh nhiều vấn đề nóng; cũng không ít đề tài đề cao tính nhân văn, mang đậm hơi thở cuộc sống… Gần 8 năm gắn bó với nghề, P.V Phương Linh được đánh giá là người năng động, nhiệt huyết, tích cực đi và bám sát cơ sở. Có những đợt, để đầu tư cho những đề tài lớn, có chiều sâu, chị dành thời gian “lang thang” ở các làng cả tuần lễ.

Dù đã có nhiều kinh nghiệm làm báo, nhưng để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, P.V Phương Linh luôn cầu thị, học hỏi cách tiếp cận nhân vật, cách triển khai đề tài từ các đồng nghiệp đi trước. Đồng thời, chị còn là một P.V nhanh nhẹn trong làm báo đa phương tiện khi có thể viết kịch bản, quay phim, dựng chương trình và đọc lời bình. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, nhiều tác phẩm của chị đã đạt giải Báo chí tỉnh. Gần đây nhất, tác phẩm “Làng nghề truyền thống Gia Lai tìm hướng đi” của chị đã đạt giải C Giải Báo chí tỉnh lần thứ VIII năm 2019. “Làm nghề báo, được đi nhiều nơi, viết nhiều bài viết giúp tôi trưởng thành hơn. Tôi thấy các P.V trẻ cần tích cực đi cơ sở nhiều hơn, để có sự trải nghiệm và có trách nhiệm hơn với nghề cầm bút.

Năng nổ trong chuyên môn, P.V Phương Linh còn là một Bí thư Chi đoàn tài năng, là một đảng viên trẻ nhiều tâm huyết. Áp lực công việc, nhưng chị đã tổ chức nhiều hoạt động, tặng nhiều công trình sân chơi cho thiếu nhi vùng khó.

P.V Hoàng Sơn Trung - Chi hội Nhà báo Tây Gia Lai
Những P.V đa năng

Đó là từ khái quát nhất khi nói về những P.V công tác tại Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện. Lợi thế của họ trong công tác là bám sát và nhạy bén nguồn tin, nhiều sự kiện, thông tin nóng được P. V địa phương nắm bắt, phản ánh kịp thời. Tuy nhiên, vì nhân lực ít, các P.V đài huyện phải đảm nhận nhiều phần việc như viết kịch bản, quay phim, dựng hình, trực kỹ thuật, nhiều người còn kiêm luôn nhiệm vụ đọc phát thanh. Có những phần việc họ không được đào tạo bài bản, nhưng họ vẫn tự tìm tòi, học hỏi, để nâng cao tay nghề.

Là P.V đa năng, nhưng hiện tại, đài truyền thanh - truyền hình huyện vẫn đang là cơ quan tuyên  truyền do UBND huyện quản lý, vì thế hầu hết P. V không được cấp thẻ nhà báo để tác nghiệp, bên cạnh đó, chế độ nhuận bút đang còn thấp… Là hội viên Hội Nhà báo tỉnh, P.V Sơn Trung rất mong muốn có thêm nhiều chương trình tập huấn do tỉnh tổ chức để nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn, đồng thời, có thêm nhiều sân chơi thể dục - thể thao, văn hóa - văn nghệ giữa các chi hội trên địa bàn tỉnh để mở rộng mối quan hệ.

P.V Phạm Thị Hồng Điệp - Chi hội Nhà báo Thường trú
Phản ánh chân thực sự việc

Là P.V Thông tấn xã Việt Nam thường trú khu vực miền TrungTây Nguyên. P.V Hồng Điệp đã tâm sự: “Với những người làm báo trẻ, ngoài chuyên môn cần “mắt sáng, lòng trong, bút sắc thì mới vững với nghề”, P.V phải có đạo đức nghề nghiệp và thực sự bản lĩnh để nhìn nhận sự việc một  cách khách quan, để nêu gương cái tốt, đấu tranh với cái xấu, có như thế mới được độc giả đón nhận và luôn tin tưởng về thông tin mà tờ báo cung cấp”. Và do thường xuyên viết những bài “có vấn đề”, nhiều vụ việc liên quan đến pháp luật nên P.V gặp phải không ít rào cản khi tiếp cận sự việc, điều đó đòi hỏi người cầm bút phải “dấn thân”, sử dụng nhiều kỹ năng nghề nghiệp để thực hiện. Bên cạnh đó, ngoài phát hiện đề tài, P.V cần phải có kỹ năng để làm sao có tin bài kịp thời nhưng cũng phải chỉn chu câu chữ và hấp dẫn người đọc.

Đã có người từng hỏi tôi “nghề báo có vất vả không?”. Chắc chắn là có. Bởi ngoài công việc, các P.V còn có cuộc sống riêng, gia đình, con cái. Trong khi đặc thù của nghề P.V là không làm theo giờ hành chính, phát hiện được sự việc hay là lên xe đi ngay, không kể đêm tối. Tuy nhiên, những khó khăn, gian khổ trong tác nghiệp được bù đắp bằng sự yêu mến, tin tưởng của độc giả, đó cũng chính là động lực để đội ngũ P.V tiếp tục gắn bó với nghề.

 

 

                                                                                     Phan Lài
                                                     (Người làm báo Gia Lai)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây