Nhiệm kỳ qua, Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện tốt vai trò là “mái nhà chung", là nơi tập hợp đoàn kết hội viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra, góp phần tích cực vào sự phát triển báo chí trên địa bàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Nhân dịp Đại hội HNB tỉnh Bạc Liêu lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2020 -2025), nhiều hội viên đã chia sẻ ý kiến thể hiện sự tin tưởng, đồng thời gửi gắm tâm tư nguyện vọng của mình với mong muốn củng cố “mái nhà chung” thêm vững chắc.
* Nhà báo Lê Châu Loan (Biên tập viên Phòng Thư ký tòa soạn, Báo Bạc Liêu):
MONG HOẠT ĐỘNG CỦA HNB TỈNH ĐA DẠNG, PHONG PHÚ THIẾT THỰC HƠN
Là hội viên đã gắn bó nhiều năm với tổ chức HNB tỉnh, sự kỳ vọng của bản thân tôi nói riêng và các hội viên nói chung tại Đại hội lần này là mong muốn HNB tỉnh tiếp tục có những đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động. Hội nên quan tâm hơn nữa việc nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí nhằm đáp ứng tình hình mới và có khả năng cạnh tranh cao với các loại hình báo chí đa dạng như hiện nay. Đồng thời, HNB tỉnh cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất những chính sách khen thưởng đột xuất để động viên những người làm báo giỏi; chỉ đạo các chi hội tổ chức nhiều cuộc hội thảo, trao đổi; mở rộng các hình thức họat động trao đổi nghiệp vụ, tổ chức cho hội viên đi nghiên cứu thực tế, giao lưu học hỏi kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh...
Tôi mong trong nhiệm kỳ tới, hoạt động của HNB tỉnh sẽ ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực hơn, khẳng định vai trò, vị trí của HNB trong giai đoạn mới. Một trong những vấn đề cần quan tâm của HNB tỉnh nữa là công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên; thời gian và cách thức tổ chức nên bố trí hợp lý; có hình thức mở các lớp bồi dưỡng phù hợp để tất cả các khâu vận hành của tờ báo đều được tham gia. Chẳng hạn như bên cạnh các lớp nghiệp vụ về viết báo cần có thêm các lớp về kỹ thuật biên tập, dàn trang… để có một sự cải tiến toàn diện của tờ báo đảng địa phương. Điều này có ý nghĩa thiết thực trong việc từng bước nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền của báo chí trên địa bàn tỉnh.
* Phóng viên Trịnh Hữu Thọ (Phòng Chính trị, Văn hóa xã hội, Báo Bạc Liêu):
TỔ CHỨC NHIỀU HOẠT ĐỘNG ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NỘI DUNG CÁC TÁC PHẨM BÁO CHÍ
Là hội viên, nhà báo trẻ, theo tôi, trước hết mỗi người làm báo phải có lòng yêu nghề, tinh thần lao động nghiêm túc và tôn trọng tác phẩm của chính mình. Một bài báo hay không chỉ đơn thuần là làm nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước mà phải chạm đến trái tim và tác động mạnh mẽ, tích cực đến suy nghĩ, nhận thức của công chúng, đó cũng là mục tiêu mà tôi buộc mình phải phấn đấu trong từng bài viết. Là hội viên trẻ, trong nhiệm kỳ qua, tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do HNB tỉnh phối hợp tổ chức, tôi được nâng cao năng lực chuyên môn, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm hay, quý báu để áp dụng vào hoạt động nghiệp vụ thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghề báo là nghề không ngừng đổi mới, đòi hỏi mỗi người làm báo cần tích cực học hỏi, bổ sung kiến thức về nghề và vốn hiểu biết xã hội để có cái nhìn sâu rộng về mỗi đề tài của tác phẩm báo chí, tạo nên những tác phẩm sâu sắc và hấp dẫn. Muốn được như vậy, ngoài nỗ lực bản thân thì rất cần sự giúp sức của tổ chức HNB.
Trước thềm Đại hội Hội Nhà báo tỉnh lần thứ VIII, tôi mong muốn, nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, HNB tỉnh tiếp tục mở các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; tổ chức sinh hoạt nghề nghìệp; tổ chức tham quan thực tế, tạo điều kiện cho hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với hội viên HNB các tỉnh, thành trong cả nước. qua đó góp phần nâng cao chất lượng nội dung các tác phẩm báo chí, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
* Phóng viên Hồng Đào (Đài Truyền thanh huyện Hòa Bình):
THAM MƯU NHỮNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO HỘI VIÊN LÀM NGHỀ TUYẾN CƠ SỞ
Phóng viên đài huyện là những người đa năng, bởi chúng tôi không chỉ làm báo nói mà còn kiêm cả báo viết, báo hình. Mặc dù có những phần việc chưa được đào tạo thật sự bài bản, chuyên nghiệp, chủ yếu là tự học hỏi lẫn nhau và tự nâng cao tay nghề qua thực tiễn, nhưng chúng tôi phải đảm trách nhiều phần việc từ viết kịch bản, đi cơ sở tác nghiệp thu thập, xử lý thông tin, quay phim, dựng hình, biên tập, đôi khi kiêm luôn cả việc đọc phát thanh, trực kỹ thuật... Thế nhưng, đài huyện vẫn chưa được các cơ quan chức năng công nhận là cơ quan báo chí mà chỉ là cơ quan tuyên truyền do UBND huyện quản lý nên hầu hết phóng viên không được cấp thẻ nhà báo để tác nghiệp; chế độ nhuận bút tin, bài rất thấp, đời sống nhiều anh em còn khó khăn.
Chúng tôi mong rằng, trong nhiệm kỳ tới, HNB tỉnh sẽ phát huy vai trò là cầu nối để hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho anh em hội viên làm công tác tuyên truyền ở tuyến huyện. Ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nâng cao kỹ năng, tay nghề cho hội viên thì cần tham mưu kịp thời những chính sách, cơ chế hỗ trợ anh em làm nghề ở tuyến cơ sở, để đảm bảo các điều kiện cho anh em tác nghiệp, cống hiến, góp vai trò của mình vào công tác báo chí của địa phương.
* Biên tập viên Thái Chí Nguyện, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Bạc Liêu:
HỘI NÊN TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ CHUẨN HÓA ĐỘI NGŨ NHÀ BÁO TRẺ CHƯA QUA ĐÀO TẠO CHUYÊN NGÀNH BÁO CHÍ
Là một nhà báo trẻ, bản thân tôi cũng như các bạn đồng nghiệp cùng trang lứa luôn ý thức được tinh thần, trách nhiệm của người cầm bút. Được đứng vào hàng ngũ của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa là niềm vinh dự lớn lao.Trong gói hành trang vào nghề của mình, tôi luôn mang theo một tình yêu đặc biệt với nghề, một tinh thần không ngại dấn thân. Nhưng tôi nghĩ như vậy đối với một nhà báo trẻ vẫn chưa đủ mà cần phải phấn đấu, tôi luyện thật nhiều. Và trong hơn 8 năm công tác, chúng tôi những cây viết trẻ luôn nhận được sự quan tâm của HNB tỉnh, lãnh đạo cơ quan tạo điều kiện cho công tác chuyên môn cũng như cử tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ theo chuyên đề. Qua đó, tôi được bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Song, với một tinh thần cầu thị, tôi mong muốn thời gian tới, HNB tỉnh nên tổ chức một diễn đàn với hình thức như “cà phê nhà báo”, ví như Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh có “cà phê văn nghệ sĩ”, Trung tâm Văn hóa tỉnh có “cà phê doanh nhân” chẳng hạn để chúng tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các anh chị, chú bác nhà báo đi trước. Đặc biệt là nếu có thể thì phối hợp với các ngành hữu quan mở lớp chính trị riêng cho giới báo chí hay mở những lớp nghiệp vụ báo chí dài hạn, chuyên sâu nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà báo trẻ chưa qua đào tạo chuyên ngành Báo chí…
Nhật Quỳnh
(Nhà báo & nghề báo Bạc Liêu)