Giải báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ IX năm 2020: Sự khẳng định của những cây bút trẻ
Thứ năm - 23/07/2020 16:16
Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ IX- năm 2020 do Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai tổ chức đã thành công tốt đẹp. Giải năm nay quy tụ sự tham gia của nhiều tác giả là phóng viên, hội viên nhà báo đang công tác trên địa bàn tỉnh. Đó là những cây bút giàu kinh nghiệm, tâm huyết, trong số đó có khá nhiều cây bút trẻ, đam mê nghề nghiệp, sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao, phản ánh, đề cập nhiều lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được dư luận quan tâm. Tham gia giải năm nay có 66 tác phẩm, thuộc 3 loại hình: Báo in, báo hình và báo nói. Các hội đồng sơ khảo đã chọn được những tác phẩm xuất sắc, trình hội đồng chung khảo, gồm những nhà báo có uy tín và kinh nghiệm chuyên môn, cùng những nhà quản lý trên lĩnh vực báo chí, tuyên truyền đánh giá, cân nhắc, chọn được 30 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất để trao 3 giải A, 6 giải B, 9 giải C và 12 giải khuyến khích.
Tham gia Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ IX- năm 2020 đối với thể loại báo nói và báo hình có 37 tác phẩm của các tác giả và nhóm tác giả (20 tác phẩm báo hình, 17 tác phẩm báo nói). Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng của các tác phẩm báo nói, báo hình tham gia Giải năm nay cũng nâng cao hơn so với các giải trước với nhiều nội dung phong phú và đa dạng; nhất là phản ánh những “điểm sáng” và những “mảng tối” trong nhiều lĩnh vực. Điển hình là các tác phẩm: “Xuống núi”, “An phận với cái nghèo”, “Nỗi niềm con chữ” (báo hình); “Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy”, “Chương trình OCOP-Đòn bẩy cho nông dân tiến ra thị trường”, “Dành trọn tình yêu với Báo” (báo nói). .. Nhiều nhà báo như: Song Nguyễn, Hồng Uyên, Hòa Giang, Đức Hải, Đoàn Bình, Lệ Xuân, Minh Lý, Ngọc Hà. .. đã khẳng định sự đam mê, trưởng thành về nghề thông qua tiếp cận, lựa chọn trúng những đề tài có tính thời sự được dư luận đang quan tâm và thể hiện tác phẩm một cách tinh tế, giàu tính sáng tạo. Đặc biệt, với những tác phẩm, như: “Xuống núi” (báo hình), hoặc “Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủỵ” (báo nói), các nhóm tác giả thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao với nghề báo và sự trăn trở với vấn đề lớn của đất nước, đó là xây dựng nông thôn mới. Điều đáng quý của những tác phẩm kể trên là thông qua những câu chuyện, những hình ảnh sinh động, thuyết phục người xem, người nghe, đã khẳng định sự đúng đắn, kịp thời và đầy chất nhân văn của Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong xây dựng làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng thông qua các tác phẩm tham gia Giải, nhiều nhà báo đã tạo dấu ấn nghề nghiệp của mình bằng những thước phim, hình ảnh có chất lượng kỹ thuật cao, giàu tính thẩm mỹ với những góc nhìn mới lạ, độc đáo. Chất lượng của các tác phẩm tham gia Giải càng khẳng định sự phát triển trên lĩnh vực phát thanh - truyền hình của tỉnh nhà.
Trong số 23 tác phẩm dự giải ở loại hình báo in có khá nhiều tác phẩm được đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức. Đặc biệt, Giải năm nay ghi nhận sự nỗ lực vượt bậc của các nhà báo trẻ như: Phương Linh, Quang Tấn, Ngọc Sang, Văn Ngọc, Lê Nam, Hoành Sơn… Tuy là “phái yếu” nhưng nữ nhà báo Phương Linh luôn tích cực đi cơ sở, thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” để thông tin kịp thời những vấn đề bạn đọc quan tâm. Với loạt bài 4 kỳ “Mở lối cho du lịch cộng đồng”, nữ nhà báo đã mạnh dạn phản ánh một trong những “trụ cột” kinh tế của tỉnh: phát triển kinh tế du lịch. Bằng thực tế trải nghiệm những mô hình du lịch cộng đồng, người viết đã thành công khi chỉ ra được những thế mạnh cũng như những hạn chế, thách thức đối với loại hình du lịch giàu tiềm năng này. Không dừng lại ở đó, thông qua việc tham khảo ý kiến các chuyên gia, tác giả đã đề xuất hệ thống giải pháp nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của Gia Lai. Ngoài ngành du lịch, nông - lâm nghiệp là lĩnh vực được các nhà báo thể hiện khá thành công. Với loạt bài “Thăng trầm cây mía”, nhóm tác giả Quang Tấn - Ngọc Sang đã nêu lên được những vấn đề cần quan tâm đối với cây mía và đời sống khó khăn của người trồng mía hiện nay. Cùng với đó, “Sức bật tam nông” của nhóm tác giả Ngọc Sang - Hồng Thi - Ngọc Minh cũng đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin vừa cụ thể, vừa khái quát về công cuộc xây dựng nông thôn mới đang diễn ra một cách sôi động hiện nay. Trong lĩnh vực đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo Văn Ngọc thể hiện sự dấn thân của mình bằng những chuyến thực địa vào rừng sâu để kịp thời phản ánh tình trạng phá rừng đang diễn ra một cách phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. ..
Có thể khẳng định, sự “trỗi dậy” của các nhà báo trẻ là hiện tượng hợp quy luật phát triển của báo chí. Tuy nhiên, hiện tại, họ vẫn chưa thể làm mờ đi vai trò dẫn dắt, nêu gương của thế hệ đi trước. Năm nay, cả nước long trọng kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Đây là đề tài rất hay, nhưng vô cùng khó, bởi lịch sử đã lùi xa, lớp người trực tiếp tham gia kháng chiến còn lại không nhiều. Dẫu vậy, “cây phóng sự” Ngọc Tấn vẫn chọn cho mình lối đi riêng đầy thách thức và khá thành công với loạt bài “Tây Nguyên trong mùa xuân đại thắng”. Tuy không đạt giải cao nhất như những năm trước nhưng sự đóng góp của anh là rất đáng trân trọng.
Tuy vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế về số lượng, chất lượng tác phẩm tham gia giải, nhưng có thể khẳng định, Giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ IX-năm 2020 tiếp tục khẳng định được uy tín của một giải báo chí có tính chất chuyên nghiệp và ngày càng có quy mô, sức hút với đội ngũ người làm báo trong và ngoài tỉnh, nhất là đã tạo sân chơi bổ ích để hội viên nhà báo trong tỉnh giao lưu, học hỏi nhằm không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay.