Giải báo chí Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên lần thứ IV: Kịp thời phát hiện nhiều nhân tố mới cách làm hay, đồng thời mạnh dạn phê phán sai trái, tiêu cực

Thứ tư - 22/06/2022 16:49
Cùng với Báo giới cả nước đang có nhiều hoạt động kỉ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng 21/6/1925-21/6/2022, hôm nay, Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức Lễ trao giải Báo chí Nguyễn Văn Linh lần thứ IV. Đây là việc làm nhằm tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc - những tác phẩm có sự dấn thân phát hiện tìm tòi những nhân tố điển hình mới trong phát triển kinh tế văn hóa xã hội và giữ gìn an ninh trật tự của tỉnh Hưng Yên, đồng thời cũng tôn vinh những tác phẩm báo chí mang tính phản biện phê bình các tiêu cực sai trái.
111
Ban tổ chức trao Giải A cho các tác giả đoạt Giải báo chí Nguyễn Văn Linh lần thứ IV
Đội ngũ báo chí Hưng Yên thật vinh dự và tự hào khi có Giải Báo chí mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - nhà cách mạng kiên định và sáng tạo - người con ưu tú của quê hương Hưng Yên. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một trong những người lãnh đạo và thực hiện công cuộc đổi mới, đồng thời tên tuổi ông gắn liền với loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân với bút danh N.V.L.. Dù bận rộn với trọng trách là Tổng Bí thư đồng chí Nguyễn Văn Linh vẫn dành thời gian viết báo. Những bài báo ngắn gọn - có bài chỉ nhỏ như “bao diêm”, nhưng đã tạọ được sức mạnh công luận, đồng thời phát động được phong trào chống tiêu cực trong toàn Đảng toàn dân, góp phần xóa bỏ quan liêu bao cấp. Nhân dân cả nước tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào báo chí. Vai trò của báo chí được đề cao. Nội dung báo chí hấp dẫn và thiết thực với cán bộ, nhân dân. Nhân dân xếp hàng mua báo. Đó là hiện tượng  đáng mừng của báo chí cách mạng Việt Nam, khẳng định vai trò không thể thiếu của báo chí, để báo chí thực sự là công cụ sắc bén của cấp ủy và chính quyền, đồng thời cũng là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Với vinh dự có Giải Báo chí mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, đội ngũ những người làm báo quê Nhãn đã nỗ lực cố gắng để có những tác phẩm xứng tầm với tên gọi của giải. Mùa Giải Báo chí 2021-2022 có 87 tác phẩm tham dự, trong đó có 14 tác phẩm báo in, 21 tác phẩm báo điện tử, 19 tác phẩm phát thanh, 33 tác phẩm truyền hình của các đơn vị báo, đài tỉnh, các đơn vị tuyên truyền của lực lượng vũ trang các trung tâm Văn hóa truyền thanh huyện, thị, thành phố, các đặc san, các trang thông tin điện tử trên địa bàn. Các Ban Giám khảo chấm 2 vòng độc lập, khách quan, công bằng theo Điều lệ Giải, đã chọn ra được 28 tác phẩm báo chí nổi trội, xuất sắc.

Giải báo chí mùa này ghi nhận sự phong phú về nội dung và công phu trong cách thể hiện.  Các tác phẩm báo chí tập trung phản ánh các địa phương đơn vị thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế văn hóa xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, mở rộng đầu tư các khu cụm công nghiệp, các tuyến đường giao thông, ứng dụng công nghệ số, tăng cường phòng chống dịch Covid, đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch 93A của UBND tỉnh về xử lí các vi phạm đất nông nghiệp và công trình thủy lợi... Tiêu biểu như tác phẩm phát thanh “Sức sống từ một nghị quyết hợp lòng dân” của Trung tâm Văn hóa Truyền thanh Phù Cừ phản ánh về việc Đảng ủy xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ ra Nghi quyết số 150 vào  năm 2017 lãnh đạo chuyển đổi cây trồng,  khôi phục lại giống vải u trứng chín sớm, thơm ngon và đẹp mã, từ vài sào ban đầu, đã mở rộng hàng trăm ha, thu nhập 400 đến 500 triệu đồng một ha, năm nay được mùa, được giá, bình quân trên dưới 150 ngàn đồng/1kg; tác phẩm phát thanh “Triệu phú từ đồng quê” của Trung tâm Văn hóa Truyền thanh Ân thi giới thiệu về những nông dân xã Hồng Quang, huyện Ân Thi  mượn thuê ruộng đất, tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ khí vào sản xuất, đem lại năng suất cao trong trồng trọt. Hoặc phóng sự truyền hình “Bà Xoa sạm và 170 mẫu lúa” của Đài PTTH tỉnh kể về gương một nữ nông dân ở Cao Quán, Hồng Tiến, Khoái Châu, người khác bỏ ruộng thì bà đi mượn hoặc thuê lại, rồi bà vỡ hoang, sau 7 năm dài khai khẩn, bà có được những cánh đồng rộng với tổng cộng 170 mẫu đất trồng lúa, trong đó có 100 mẫu lúa nếp đặc sản đem về cho bà hàng trăm tấn thóc mỗi vụ...

Cùng tuyên truyền v kinh tế, các hoạt động đầu tư, phát triển công nghiệp dịch vụ là đề tài được báo chí quan tâm phản ánh. Lĩnh vực công nghệ số dựa trên nền tảng intenet đã được một số tác phẩm báo chí đề cập toàn diện và đa chiều. Như Tác phẩm báo in “Chuyển đổi số - Chìa khóa cho sự phát triển” của Báo Hưng Yên và “Tăng cường phòng ngừa tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm Intenet trên địa bàn tỉnh Hưng Yên” của đặc san Thông tin Truyền thông. Các tác giả đã đưa ra những giải pháp phát triển để ng dụng công nghệ số, đồng thời ngăn chặn những sai phạm trên không gian mạng...

Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Hưng Yên, 2 Phim tài liệu: “Hưng Yên – vùng đất hưng thịnh và yên bình” và “Hưng Yên những chặng đường lịch sử” đã công phu tìm tòi, khẳng định về truyền thống văn hóa, vừa có sự tổng kết các giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hưng Yên. Một số tác phẩm báo chí khác đã thành công về đề tài xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị như “Xây dựng phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân”, “Giờ sinh hoạt toàn đảng bộ - Cách làm mới của Mĩ Hào” cùng của Báo Hưng Yên, “Học tập và làm theo Bác ở một chi bộ nông thôn” (Trang Thông tin Ban Tuyên giáo tỉnh ủy), “Các cấp Hội Phụ nữ lan tỏa những giá trị tốt dẹp trong cộng đồng” (Trang Thông tin của Tỉnh Hội Phụ nữ)...

Một thành công đáng ghi nhận nữa là mùa giải lần này có nhiều tác phẩm báo chí nêu được giải pháp bảo vệ môi trường. Tác phẩm tọa đàm phát thanh “Để dòng nước trong xanh lại về Bắc Hưng Hải” của Đài PTTH tỉnh  hoặc tác phẩm “Nghịch lý lò đốt rác từ chối rác” của Báo Hưng Yên đã nêu  hậu quả cùng nỗi khổ của người dân sống cạnh bãi rác, sống cạnh những dòng sông đen bốc mùi... Từ đó kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường.

Cùng với những tác phẩm báo chí giới thiệu nhân tố mới cách làm hay, người tốt việc tốt, một số tác phẩm báo chí có sự tìm tòi mang tính phản biện, nói rõ sự thật như các tác phẩm “Trăn trở mùa nhãn chín” của Thường trú TTXVN tại Hưng Yên”, “Quyền lợi của người lao động Ngọc Tề có được đảm bảo?” của Báo Hưng Yên, “Những công trình thách thức Kế hoạch 93A” của đài Hưng Yên... là những tác phẩm thể hiện tinh thần phê bình của nhà báo trước các hiện tượng tiêu cực.

Bên cạnh những ưu điểm, thì mùa giải lần này vẫn còn những hạn chế cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Đó là một số tác phẩm nêu vấn đề mang tính chất vụn vặt hoặc nêu không trúng vấn đề dư luận quan tâm. Do đó, công cuộc phát triển kinh tế, công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa, nhiệm vụ giữ gìn trật tự an ninh, nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa được phản ánh đầy đủ. Những nhân tố mới cách làm hay chưa được giới thiệu kịp thời để nhân rộng. Nội dung của các tác phẩm dự thi cũng như của báo chí thường nhật còn có khoảng cách với cuộc sống của người dân và chưa theo kịp với sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền.

Cách thể hiện trình bày nội dung của một số tác giả chưa có sự đầu tư chắt lọc, rơi vào sơ sài, đơn điệu một chiều: một số tác phẩm báo in viết theo văn phong làm báo cáo, tác phẩm phát thanh bố cục không cân đối và thiếu tiếng động, một số tác phẩm truyền hình dùng lại hình ảnh cũ, hình ảnh nghèo thông tin, một số bài báo điện tử lại viết như báo in, dài dòng ôm đồm và không có hình ảnh minh họa... Đã xuất hiện tình trạng chọn bài dự thi gọi là cho có. Cách làm như vậy, chất lượng không cao là điều đã được báo trước.

Một tiêu chí bao trùm và cũng là một thước đo giá trị đối với mỗi tác phẩm dự Giải Báo chí Nguyễn Văn Linh phải là: Tác phẩm đó có đi vào lòng dân? Cán bộ và nhân dân có quan tâm đến nội dung của tác phẩm đó? Nhân dân có nghe, có xem không?

Bài học qua những tác phẩm “Những việc cần làm ngay” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dạy chúng ta rằng: hãy viết cho ngắn gọn, hãy viết cho thiết thực với cán bộ và nhân dân, hãy bớt bỏ những sao chép này nọ, bớt bỏ những lan man dài dòng, hãy đi vào và tìm hiểu cuộc sống còn khó khăn của nhân dân, để xem cán bộ và nhân dân Hưng Yên vượt qua khó khăn như thế nào, để xem cán bộ và nhân dân Hưng Yên sáng tạo và bảo vệ những điều tốt đẹp trong cuộc sống như thế nào? Có như thế, báo chí Hưng Yên mới làm tròn nhiệm vụ vừa là công cụ đắc lực của cấp ủy và chính quyền, đồng thời là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Với phương châm như thế, tin tưởng rằng, mùa Giải báo chí Nguyễn Văn Linh cao quý lần sau, những người làm báo Hưng Yên sẽ có sự chuẩn bị công phu hơn để có nhiều tác phẩm báo chí xứng tầm dự thi. Và những người làm báo Hưng Yên cần có ý thức trách nhiệm cao hơn, đầy đủ hơn để hoàn thành tác phẩm dự thi giải báo chí Nguyễn Văn Linh.
      

Nguyễn Công Đán 
Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí Nguyễn Văn Linh lần thứ IV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây