Tham luận của Hội Nhà báo Quảng Ninh tại Hội thảo: “Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức Hội Nhà báo”
Thứ sáu - 03/12/2021 15:37
Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh hoan nghênh và đánh giá cao việc Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên tổ chức hội thảo chủ đề “Hội Nhà báo các tỉnh làm gì để thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo?” Trong bối cảnh các cấp uỷ, chính quyền và tổ chức Hội Nhà báo các cấp đang đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số này và trong không khí thi đua chào mừng Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, thì chủ đề này có ý nghĩa rất thiết thực.
I. Tình hình hoạt động của Hội Nhà báo và các chi hội trực thuộc
Trước năm 2019, tỉnh Quảng Ninh có 3 cơ quan báo chí, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài PTTH tỉnh, Báo Hạ Long (thuộc Hội VHNT tỉnh), cùng các đài truyền thanh – truyền hình cấp huyện. Trên địa bàn cũng có chưa nhiều các cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú. Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất 3 cơ quan báo chí nêu trên của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của tỉnh (thuộc Văn phòng UBND tỉnh).
Là địa bàn có sự phát triển sôi động về kinh tế, văn hoá, xã hội, những năm gần đây, nhiều cơ quan báo chí của trung ương, của các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương khác đã đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú ở tỉnh Quảng Ninh. Đến tháng giữa năm 2021, có tổng số 70 cơ quan báo chí ngoài tỉnh đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, phóng viên chuyên trách theo dõi địa bàn tỉnh Quảng Ninh với tổng số 128 phóng viên.
Hội Nhà báo tỉnh trước năm 2019 có 5 chi hội, liên chi hội trực thuộc (Báo Quảng Ninh, Đài PTTH tỉnh, Báo Hạ Long, các nhà báo thường trú, TP Cẩm Phả, Văn phòng Hội) và Câu lạc bộ hội viên nhà báo cao tuổi. Sau khi tỉnh hợp nhất các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo tỉnh hợp nhất Liên chi hội Đài PTTH tỉnh và Chi hội Báo Quảng Ninh thành Liên Chi hội nhà báo Trung tâm Truyền thông tỉnh; giải thể Chi hội Báo Hạ Long và chuyển hội viên nhà báo ở chi hội này về sinh hoạt ở Chi hội Văn phòng. Đến nay, trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh có: Liên Chi hội nhà báo Trung tâm Truyền thông tỉnh, Chi hội TP Cẩm Phả, Chi hội Văn phòng Hội, CLB nhà báo cao tuổi, với tổng số 412 hội viên.
Về hội viên là phóng viên thường trú: Chi hội các nhà báo thường trú ở tỉnh Quảng Ninh được thành lập và duy trì hoạt động ổn định từ gần 20 năm nay, hiện có trên 30 hội viên. Từ khi VOV thành lập VOV Đông Bắc, Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc của VOV đã thành lập Chi hội nhà báo và đề nghị cả chi hội này tham gia sinh hoạt theo Quy định 979-QĐ/HNBVN ở Hội Nhà báo tỉnh. Như vậy, ở Quảng Ninh có 2 chi hội phóng viên thường trú.
Nhìn chung, Hội Nhà báo tỉnh và các Liên chi hội, chi hội nhà báo ở tỉnh Quảng Ninh đều hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội, cơ bản chấp hành tốt các chỉ đạo của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo tỉnh.
Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chỉ rõ:
Về ưu điểm, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, nội dung và phương thức hoạt động của các cấp Hội có nhiều đổi mới, ngày càng phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Vai trò, chất lượng hoạt động của các cấp Hội Nhà báo ở tỉnh được nâng cao.
Về hạn chế, 4 vấn đề được chỉ ra là: (1) Nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội Nhà báo tỉnh tuy đã được đổi mới nhưng chưa đáp ứng tốt yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn, sức cuốn hút và tập hợp của Hội chưa cao. Sức thu hút hội viên của tố chức Hội chưa mạnh; (2) Chất lượng, nội dung hoạt động của một số cơ sở Hội chưa phong phú, hấp dẫn. Phương thức hoạt động của Hội có đổi mới nhưng chưa theo kịp với sự phát triển của báo chí. Một số cấp hội chưa có những giải pháp cụ thế, thiết thực và đồng bộ để thực hiện các nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị, do vậy chưa phát huy hết vai trò của mình đối với báo chí và những người làm báo. (3) Vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo và hội viên nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội; (4) Sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí với tổ chức Hội chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là: Một số cán bộ và hội viên của Hội chưa thực sự tâm huyết, ý thức xây dựng Hội của một số hội viên chưa cao; một số nội dung trong Chỉ thị 37-CT/TW chưa được cụ thể hóa thành các quy định của cơ quan quản lý nhà nước, như: cán bộ chuyên trách, kinh phí, phương tiện công tác,... nên việc triển khai thực hiện thiếu sự thống nhất; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của Hội có lúc chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
II. Triển khai Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư
Xác định các nhiệm vụ được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ ra trong Chỉ thị số 43-CT/TW là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo trong tình hình mới, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến toàn thể hội viên trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam; tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Trong văn bản số 2607-CV/TU ngày 21/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh giao cho Hội Nhà báo tỉnh: Xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cấp Hội nhà báo tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác Hội và công tác báo chí của tỉnh trong tình hình mới. Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Hội Nhà báo tỉnh thống nhất, chặt chẽ theo Điều lệ Hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, biện pháp phong phú, sáng tạo, thiết thực.
Triển khai các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn và thành lập Tổ xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Nhà báo tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác Hội và công tác báo chí của tỉnh trong tình hình mới.
Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh xác định, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của truyền thông và mạng xã hội; cùng sự biến đổi nhanh chóng và toàn diện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… đòi hỏi báo chí, đội ngũ người làm báo và tổ chức Hội Nhà báo phải có những điều chỉnh để thích ứng và phát triển.
Triển khai Chỉ thị 43-CT/TW, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh xác định tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Bí thư đã chỉ đạo trong phần nhiệm vụ của tổ chức Hội Nhà báo. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với nhiệm vụ giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin & Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức cho các phóng viên, hội viên nhà báo nghiên cứu, quán triệt chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua việc học tập Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Đại hội XIII của Đảng. Nhiệm vụ này được Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo nên việc triển khai thực hiện của phía Hội Nhà báo tỉnh khá thuận lợi. Ở Quảng Ninh, trong các đợt học nghị quyết, Tỉnh uỷ đều chỉ đạo trực tuyến đến các sở, ngành, đến tận cấp xã nên 100% cán bộ, đảng viên và đội ngũ phóng viên đều được học tập. Sau học tập, đều có viết thu hoạch và xây dựng chương trình hành động cụ thể.
Đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, Hội và các cơ quan báo chí đã chủ động phối hợp với các đơn vị mở các lớp: Lớp cao học báo chí tại Quảng Ninh cho 22 nhà báo; phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ mở lớp tại Quảng Ninh trung bình mỗi năm 3 lớp, cử hội viên đi học tại Trung tâm. Các chi hội làm nòng cốt tham mưu và thực hiện mở lớp riêng tại cơ quan báo chí, điển hình như Liên chi hội Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh 3 năm qua đã mở được 9 lớp. Thông qua các cuộc thi, liên hoan, giải báo chí, Hội Nhà báo tỉnh cũng thường xuyên rút kinh nghiệm về nghiệp vụ cho hội viên để việc sáng tạo tác phẩm chất lượng cao của hội viên ngày được nâng lên. Cùng với phát động, hưởng ứng các cuộc thi, giải báo chí của tỉnh và Trung ương, Hội Nhà báo tỉnh duy trì việc mỗi quý phát động một cuộc thi báo chí. Qua đó đã góp phần động viên, khích lệ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ của hội viên.
Thứ hai, việc củng cố xây dựng tổ chức Hội cũng được tăng cường. Sau khi tỉnh Quảng Ninh hợp nhất các cơ quan thông tin, báo chí để thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh đã kịp thời điều chỉnh tổ chức cơ sở Hội như nêu trên.
Việc kết nạp hội viên đảm bảo đúng theo quy định của Điều lệ Hội. Đợt đổi thẻ vừa qua, Hội Nhà báo tỉnh kiên quyết không đề nghị đổi thẻ với những người không đủ tiêu chuẩn (đã chuyển công tác). Công tác kiểm tra, giám sát của Ban Kiểm tra, của Hội đảm bảo kịp thời, nghiêm túc. Việc chấp hành pháp luật về báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo được ba cơ quan chủ trì giao ban báo chí hằng tháng của tỉnh duy trì đều đặn. Thông qua đó, các biểu hiện vi phạm đều được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời. Năm 2020, Hội Nhà báo tỉnh đã phải kỷ luật 5 hội viên, trong đó đề nghị xoá tên 02 hội viên. Các hội viên tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực đều được Thường trực Hội và Ban Kiểm tra của Hội yêu cầu giải trình và chấn chỉnh kịp thời, nghiêm túc.
Thứ ba, trong tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với các cơ quan tham mưu cho tỉnh: (1) Tổ chức tốt các giải báo chí. Hội Nhà báo tỉnh được giao là cơ quan thường trực Giải báo chí tỉnh Quảng Ninh. Giải này được duy trì tổ chức liên tục từ năm 1998 đến nay; cơ cấu giải giống như Giải báo chí quốc gia. Hội cũng phối hợp tham mưu cho tỉnh phát động Giải Búa liềm vàng; phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức các cuộc thi, giải báo chí chuyên đề. (2) tham gia vào quá trình hợp nhất 4 cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh để thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh – cơ quan báo chí đa phương tiện, vận hành theo mô hình toà soạn hội tụ. Đây là mô hình cơ quan báo chí hợp nhất đầu tiên trong cả nước. (3) Phối hợp tham mưu cho tỉnh ký kết hợp tác truyền thông với các cơ quan báo chí trong cả nước để đẩy mạnh truyền thông về tỉnh; tuyên truyền việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa bàn Quảng Ninh…
Thứ tư, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho hội viên và động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức Hội, hội viên nhà báo. Tại các hội nghị giao ban báo chí hằng tháng, hội nghị thông tin báo chí hằng tuần của tỉnh, Thường trực Hội Nhà báo tỉnh kịp thời ghi nhận và có ý kiến với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền hành nghề chính đáng của hội viên nhà báo. Hội Nhà báo tỉnh cũng kịp thời biểu dương, khen thưởng với các tổ chức cơ sở Hội và hội viên có thành tích tiêu biểu.
III. Đề xuất, kiến nghị:
Những hạn chế mà Chỉ thị 37, Chỉ thị 43 chỉ ra sau nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Chẳng hạn như việc tạo điều kiện cần thiết để Hội Nhà báo hoạt động và phát triển vẫn chưa có những chuyển biến mạnh mẽ, chưa tạo động lực thu hút được những nhà báo giỏi về làm công tác Hội. Được xác định là tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, nhưng chính yếu tố “nghề nghiệp” lại cản trở các chế độ, chính sách của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác Hội Nhà báo. Hội Nhà báo tỉnh được xếp vào tổ chức Hội đặc thù. Trong khi công chức khối QLNN được hưởng phụ cấp công vụ 25% lương, công chức khối Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, ngoài được hưởng 25% phụ cấp công vụ còn được hưởng thêm 30% phụ cấp khối Đảng, đoàn thể. Nhưng viên chức khối các Hội đặc thù thì hệ số phụ cấp là zero. Trong khi ở các cơ quan báo chí thì nhuận bút mới là chính, lương là phụ. Thử hỏi chính sách như thế thì sao thu hút được nhà báo giỏi sang làm công tác Hội? Đấy mới chỉ là lương, còn các yếu tố khác như cơ hội phát triển, điều kiện làm việc… Thế nên công tác Hội Nhà báo khó hấp dẫn đối với các nhà báo. Đề nghị triển khai hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW nên tập trung vào đột phá này.
Thêm kiến nghị nữa là HNBVN sang nhiệm kỳ mới cần sửa Quy chế thi đua khen thưởng, vì quy chế hiện tại nhiều bất cập mà ai làm công tác Hội Nhà báo ở các tỉnh, thành phố cũng đều đã biết. Có như vậy mới động viên, khen thưởng kịp thời các cấp Hội, hội viên nhà báo./.