Cấp thiết triển khai, tích cực đưa Chỉ thị 43/CT-TW vào thực tiễn

Thứ năm - 16/12/2021 13:37
Hội Nhà báo (HNB) tỉnh Hưng Yên vừa tổ chức Hội thảo “HNB các tỉnh làm gì để thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNB?”.

Đây là chủ đề rất ý nghĩa, cấp thiết trước thềm Đại hội XI HNBVN, vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, vừa là trách nhiệm và cũng là vấn đề mà các cấp Hội đang tập trung xây dựng, để phát huy hiệu quả của Chỉ thị trong thời gian tới.

Công việc “cần làm ngay” để các cấp Hội tiếp tục phát triển hơn nữa

Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của hội viên, nhà báo bởi tầm vóc, ý nghĩa và giá trị mà Chỉ thị mang lại. Tại Hội thảo, các đại biểu đại diện thường trực HNB các tỉnh khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ và lãnh đạo một số cơ quan báo chí trong tỉnh đã có những đóng góp ý kiến quan trọng. Các cấp Hội đều cho rằng triển khai Chỉ thị 43- CT/TW là một trong những nhiệm vụ, công việc “cần làm ngay” để các cấp Hội tiếp tục phát triển hơn nữa.

Nhà báo Nguyễn Công Đán - Chủ tịch HNB Hưng Yên khẳng định: “Đã hơn 1 năm rưỡi kể từ ngày Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 43 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HNBVN trong tình hình mới. Chỉ thị do Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ký ngày 8/4/2020. Thường trực, Thường vụ và Đảng đoàn HNBVN, cũng như Thường trực, Ban Chấp hành nhiều HNB các tỉnh, thành đã quán triệt và triển khai Chỉ thị 43 cho đội ngũ những người làm báo. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên đã sớm triển khai Chỉ thị 43 của Ban Bí thư và đã ban hành Kế hoạch số 263-KH/TU ngày 13/10/2020 do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Duy Hưng ký nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ cho các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các sở, ban, ngành, các huyện, thị ủy, thành ủy cũng như các cơ quan báo chí, HNB Hưng Yên thực hiện”.

111
Phó Chủ tịch thường trực HNB Quảng Ninh Ðỗ Ngọc Hà phát biểu.

Các ý kiến tham luận tại hội thảo cũng tập trung làm rõ thêm ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như yêu cầu đòi hỏi của việc khẳng định vị thế, uy tín, vai trò trách nhiệm xã hội của tổ chức HNB các cấp trong tình hình mới. Trên tinh thần vào cuộc nhanh và hiệu quả nhất, HNB tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức quán triệt Chỉ thị này đến toàn thể hội viên trong dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Đặc biệt, để triển khai các chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành HNB tỉnh Quảng Ninh đã họp bàn và thành lập Tổ xây dựng Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của các cấp HNB tỉnh đáp ứng yêu cầu công tác Hội và công tác báo chí của tỉnh trong tình hình mới.

Nhà báo Trần Đức Long - Chủ tịch HNB tỉnh Nam Định, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nam Định cho biết: Từ kinh nghiệm thực tế trong thời gian qua, HNB tỉnh Nam Định thấy rằng, việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị là một điều kiện tiên quyết trong quá trình triển khai. Và việc ban hành Kế hoạch cụ thể, chi tiết của từng cấp Hội sẽ tạo sự chuyển biến sâu sắc nhận thức trong cán bộ, hội viên về vai trò, sự lãnh đạo của Đảng đối với việc nâng cao tính chủ động, hiệu quả công tác của các cấp HNBVN trong tình hình mới; nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên về vai trò, trách nhiệm đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp của hội viên, người làm báo...

Có thể nói, sự vào cuộc rốt ráo và trách nhiệm từ phía các cấp Hội với mong muốn sẽ tạo được những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong hoạt động Hội trong thời gian tới, nhiệm kỳ tới. Dĩ nhiên đi kèm với đó vẫn còn không ít trăn trở.

Trăn trở bài toán thu hút nhà báo giỏi làm Công tác Hội

Có thể nói, các cấp Hội địa phương đã đặt ra những mong muốn và kỳ vọng vào Chỉ thị 43 sẽ là “đòn bẩy” để các hoạt động Hội bứt phá thời gian tới. Để Chỉ thị 43-CT/TW thực sự đi vào cuộc sống hiệu quả nhất, nhiều nhà báo cho rằng, các cấp ủy địa phương, chính quyền, các sở ngành có liên quan, cần tích cực chỉ đạo, quán triệt sâu sắc tinh thần nội dung Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; tích cực phối hợp các cơ quan báo chí và các cấp Hội để thực hiện đề án quy hoạch báo chí mà Chính phủ phê duyệt; chủ động cung cấp thông tin cho HNB tỉnh trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng…

Đặc biệt là phát huy vai trò tham gia của các HNB địa phương trong công tác phối hợp trong việc đề bạt, bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan báo chí; quy hoạch, sáp nhập, thành lập cơ quan báo chí theo đúng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tạo điều kiện để HNB tỉnh, thành phố thực hiện tốt vai trò tư vấn, phản biện, giám định của một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp về các vấn đề liên quan đến hoạt động báo chí, đến đội ngũ người làm báo ở địa phương.

Đối với các HNB tỉnh, thành phố - tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vai trò tập hợp, đoàn kết đội ngũ những người làm báo địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cần thiết về biên chế cán bộ chuyên trách, kinh phí, phương tiện làm việc để HNB tỉnh hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực.

111
Toàn cảnh hội nghị.

Một số các ý kiến đề xuất được đặt ra tại Hội thảo với mong muốn rằng, các Ban của HNBVN và các ngành chức năng cần nghiên cứu, đề xuất thực hiện chế độ, chính sách phù hợp với quy định của luật pháp nhằm thu hút cán bộ có năng lực, trình độ, tâm huyết tham gia công tác Hội chuyên trách và cả kiêm nhiệm.

Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh Đỗ Ngọc Hà cho rằng: Những hạn chế mà Chỉ thị 37, Chỉ thị 43 chỉ ra sau nhiều năm vẫn chưa được khắc phục. Chẳng hạn như việc tạo điều kiện cần thiết để HNB hoạt động và phát triển vẫn chưa có những chuyển biến mạnh mẽ, chưa tạo động lực thu hút được những nhà báo giỏi về làm công tác Hội.

Được xác định là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, nhưng chính yếu tố “nghề nghiệp” lại cản trở các chế độ, chính sách của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác HNB. HNB tỉnh được xếp vào tổ chức Hội đặc thù. Trong khi công chức khối QLNN được hưởng phụ cấp công vụ 25% lương, công chức khối Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, ngoài được hưởng 25% phụ cấp công vụ còn được hưởng thêm 30% phụ cấp khối Đảng, đoàn thể nhưng viên chức khối các Hội đặc thù thì hệ số phụ cấp là zero.

Trong khi ở các cơ quan báo chí thì nhuận bút mới là chính, lương là phụ. Thử hỏi chính sách như thế thì sao thu hút được nhà báo giỏi sang làm công tác Hội? Đấy mới chỉ là lương, còn các yếu tố khác như cơ hội phát triển, điều kiện làm việc… Thế nên công tác HNB khó hấp dẫn đối với các nhà báo. Đề nghị triển khai hiệu quả Chỉ thị 43-CT/TW nên tập trung vào đột phá này.

“Tôi cho rằng để làm được như vậy, HNBVN cần phối hợp, tham mưu để Đảng, Nhà nước cụ thể hóa bằng các quy định cụ thể, thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống Hội. Có như vậy, Hội mới phát triển và việc thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW mới hiệu quả” - Phó Chủ tịch Thường trực HNB Quảng Ninh Đỗ Ngọc Hà nhấn mạnh.

 

Theo Bảo Minh/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây