Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức Hội Nhà báo
Thứ tư - 22/12/2021 15:37
Tham luận của Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam tại Hội thảo Hội Nhà báo các tỉnh khu vực phía Bắc do Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức tháng 12/2021
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 (18/3/2004) của Ban Bí thư khóa IX và hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 43 (8/4/2020) của Ban Bí thư khóa XII, tổ chức hội nhà báo các cấp ở Hà Nam không ngừng được củng cố, phát triển, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hoạt động báo chí, công tác xây dựng tổ chức và duy trì phong trào thi đua của đội ngũ cán bộ, hội viên (CBHV), người làm báo ở địa phương. Hội thường xuyên tổ chức, động viên, khích lệ đội ngũ những người làm báo, CBHV tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước, của tỉnh; tham gia đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hội nhà báo các cấp trong tỉnh cũng đã tích cực tham gia hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; kết quả công tác lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT,VH,XH, đảm bảo quốc phòng- an ninh, công tác thông tin đối ngoại, chủ quyền biển đảo và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc...
Về tổ chức hội, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam có thuận lợi: đồng chí Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh hai khóa liên tiếp (2015- 2020; 2020- 2025); các đồng chí phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, ban thư ký các chi hội trực thuộc…đều là cán bộ cấp ủy, lãnh đạo chủ chốt các cơ quan báo chí, có năng lực, uy tín đối với CBHV, do đó, việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh có sự thống nhất, chặt chẽ, thuận lợi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, công tác báo chí và hoạt động của tổ chức hội cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá; tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường...; với Hà Nam, Tỉnh ủy- UBND tỉnh chủ trương bố trí tổ chức, bộ máy và cán bộ làm công tác hội kiêm nhiệm, lồng ghép phù hợp với các cơ quan báo chí,…điều kiện đặc thù cùng những khó khăn trên ít nhiều tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm của cán bộ hội viên.
Bên cạnh đó, hoạt động của Hội Nhà báo Hà Nam vẫn còn một số nhược điểm. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số chi hội trực thuộc còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị thế của tổ chức hội. Công tác phát triển đội ngũ gặp nhiều khó khăn (do các cơ quan báo chí thực hiện lộ trình sắp xếp đầu mối bên trong, tinh giản biên chế; nhiều cán bộ hội viên là phóng viên diện hợp đồng phải chuyển thành cộng tác viên); một số chi hội chưa chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; một bộ phận cán bộ hội viên chưa tích cực học tập nâng cao trình độ tác nghiệp báo chí đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nhận thức về nhiệm vụ chính trị, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và ý thức xây dựng tổ chức hội của một bộ phận cán bộ hội viên còn hạn chế. Sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí với các cấp hội có lúc, có việc thiếu chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương trong tỉnh chưa thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác báo chí cũng như hoạt động của Hội Nhà báo; chưa tạo điều kiện cần đủ để hội hoạt động, phát triển.
Trong bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội trong tình hình mới, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam đã tích cực, chủ động tham mưu với Thường trực tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động của tổ chức hội và hoạt động báo chí theo hướng bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Tổ chức quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và hội nhà báo. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để người làm báo nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan báo chí và các cấp hội.
Hội Nhà báo tỉnh định kỳ báo cáo với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chủ quản báo chí, cung cấp thông tin cần thiết đối với những vấn đề dư luận quan tâm, kịp thời định hướng tuyên truyền; phối hợp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức hội; đề xuất với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để hội nhà báo các cấp hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò, vị trí của hội trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho người làm báo, cán bộ hội viên; thường xuyên tổ chức cho các nhà báo, cán bộ hội viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước gắn với thực hiện Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 của tỉnh và toàn quốc, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; lựa chọn, duy trì những hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện và từng loại hình báo chí cụ thể, qua đó nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho cán bộ hội viên.
Củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức hội từ tỉnh đến cơ sở đảm bảo thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với cơ cấu tổ chức của cơ quan báo chí; thực hiện nghiêm việc kết nạp, cấp thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đúng quy định của Điều lệ Hội; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các chi hội và cán bộ hội viên, người làm báo chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và quy định đạo đức nghề nghiệp.
Thường trực tỉnh hội phối hợp với các cơ quan tham mưu, cơ quan quản lý báo chí của tỉnh trong việc định hướng, tạo điều kiện để phát triển và quản lý báo chí, đội ngũ người làm báo; tham gia công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, lãnh đạo các cấp hội; lựa chọn những cán bộ có kỹ năng, kinh nghiệm vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý làm tham gia công tác hội.
Quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cán bộ hội viên, người làm báo; hằng năm động viên, khen thưởng xứng đáng, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích, có đóng góp tích cực trong hoạt động báo chí, công tác hội. Qua đó, khích lệ đội ngũ cán bộ hội viên, người làm báo nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của người làm báo, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện, âng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tinh thần cống hiến, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu góp phần phát triển sự nghiệp báo chí và tổ chức hội trên địa bàn tỉnh.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa các đồng nghiệp!
Để tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư, thời gian tới, Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp cùng Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin- Truyền thông tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh về thực hiện quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí và tổ chức hội. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí; có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác hội; làm tốt công tác bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; quan tâm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người làm báo, cán bộ hội viên.
Để góp phần tăng cương vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hội nhà báo, tôi xin đề xuất một số ý kiến:
Trước hết đề nghị Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung chương trình các hoạt động công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Theo đó, trong chương trình một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hằng năm có thể bố trí thời gian mời những diễn giả (thực sự có uy tín; có năng lực báo cáo viên) truyền đạt một số chuyên đề cập nhật kiến thức mới liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quân sự…liên quan đến hoạt động báo chí và tổ chức hội nhà báo; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hội nhập, phát triển; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; công tác đối ngoại, an ninh, quân sự,…
Đề nghị Hội Nhà báo cụm các tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tế tại một số cơ quan báo chí và tổ chức hội đang có sự thành công trong thực hiện vai trò tham mưu và tranh thủ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức hội.
Trên đây là một số ý kiến tham luận của Hội Nhà báo Hà Nam xung quanh vấn đề: Làm thế nào để thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo?... Hy vọng thông qua hội thảo, hội nhà báo các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục tìm ra những giải pháp thiết thực, phù hợp, hiệu quả trong thực hiện chức năng tham mưu, qua đó tranh thủ được nhiều hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi từ phía cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của hội nhà báo.
Trân trọng cảm ơn và kính chúc hội thảo thành công tốt đẹp!