Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Bác Hồ với báo Hưng Yên, báo Hưng Yên với Bác

Thứ hai - 20/05/2019 09:20
Bác Hồ luôn luôn quan tâm đến báo chí, dù với cương vị là Chủ tịch nước bận trăm công nghìn việc Bác vẫn bố trí thời gian để viết báo và đọc báo. Bác không chỉ đọc các báo xuất bản ở Trung ương, báo của các Bộ, ban ngành đoàn thể mà còn đọc các báo ở địa phương - chủ yếu là các báo của cơ quan Đảng bộ tỉnh, thành phố. Qua đó Bác thấy được những thành tích cá nhân, tập thể thì biểu dương, tặng huy hiệu của Bác. Thấy báo nêu những vụ việc không tốt, Bác viết bài phê phán, hoặc có công văn gửi về địa phương nơi có tiêu cực để kịp thời uốn nắn, sửa chữa. Báo chí ở tỉnh Hưng Yên - cụ thể là báo Hưng Yên là cơ quan của tỉnh Đảng bộ Hưng Yên cũng được Bác đọc thường xuyên.
So-527--Bac-Ho-voi-bao-Ten-Lua-cua-Hung-Yen
Nhân dân Hưng Yên hân hoan đón Bác về thăm ngày 5-1-1958.
Quý 3 năm 1961 báo Hưng Yên đổi tên là báo Tên Lửa xuất phát từ phong trào làm thủy lợi nhanh, mạnh đạt năng suất tới một ngày công đào đắp một người đạt từ 8 đến 12 mét khối đất. Cũng vào năm ấy Liên Xô (cũ) phóng tầu vũ trụ mang tên Tên lửa lên mặt trăng. Bác đọc báo Tên Lửa thấy không ổn vì cứ thế các tỉnh sẽ có báo Vũ Trụ, báo Mặt Trăng, báo Sao Chổi, Sao Hỏa… Chuyện này Bác có ý kiến với ông Trần Minh Tước (tức nhà thơ Xích Điểu) lúc đó là Giám đốc Sở báo chí Trung ương, mời ông Lê Ngọc Dưỡng là Tổng biên tập báo Hưng Yên, cũng là Tổng biên tập báo Tên Lửa lúc đó lên Hà Nội nghe ông Trần Minh Tước truyền đạt lại ý kiến của Bác nên trở lại tên báo như cũ là báo Hưng Yên. Như vậy báo Tên Lửa chỉ tồn tại có mấy tuần.

Bác đọc báo Hưng Yên qua mục "người tốt, việc tốt" - Mục nêu các gương tốt việc tốt của người lớn, biểu dương những tấm gương lao động sáng tạo, hăng say, những phát minh sáng chế nông cụ và công trình khoa học, gương học tập, chiến đấu của các tầng lớp bộ đội, công nhân, giáo viên, tiêu biểu báo Hưng Yên nêu, báo Hưng Yên số nào cũng có chuyên mục "Cháu ngoan Bác Hồ" do nhà báo Như Nhất phụ trách. Anh Như Nhất nguyên là cán bộ tuyên giáo ở huyện Phù Cừ được điều về báo Hưng Yên. Như tên gọi mục "Cháu ngoan Bác Hồ" tặng các tấm gương học giỏi, chăm ngoan, làm việc tốt, đối tượng biểu dương là các cháu ở độ tuổi thiếu niên nhi đồng.

Nhờ hai mục "Người tốt việc tốt", "Cháu ngoan Bác Hồ" mà từ năm 1961 đến 9/1969 có tới hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tỉnh Hưng Yên, kể cả các cháu thiếu niên nhi đồng đã được Bác Hồ tặng huy hiệu và có người từng được Bác Hồ tặng huy hiệu qua thành tích nêu trên báo Hưng Yên. Sau này họ phấn đấu đã trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua. Trong số đó có Phạm Thị Vách, Vũ Thị Tỵ, Lê Thị Lục (anh hùng lao động nông nghiệp), Đào Thị Lệ, chiến sĩ thi đua ngành giáo dục…

Nhưng Bác không chỉ khen mà còn có chê - cũng từ báo Hưng Yên những năm tháng đó. Nêu một vài vụ việc tiêu cực, Bác đọc rồi có ý kiến với lãnh đạo tỉnh để kiểm tra, kịp thời chỉ đạo sửa chữa khuyết điểm.
Năm 1963, ông Vũ Phi tên thật là Nguyễn Đăng Dũng là một giáo viên, thân phụ cộng tác viên Nguyễn Việt Tiến - báo Hưng Yên có kể "Năm đó ông có viết cho mục ý kiến bạn đọc của báo Hưng Yên phê hán những hủ tục mê tín dị đoan, tệ bói toán nhảm nhí ở xã Hiệp Cường, Kim Động. Bài báo được Bác Hồ xem và ghi bằng bút mực đỏ bên cạnh "Tại sao đến nay vẫn còn tình trạng này?"

Ghi rồi Bác đưa cho Văn phòng Chủ tịch nước gửi cho Tỉnh ủy Hưng Yên và đưa sang Tòa soạn báo Hưng Yên. Sau nhờ có bài báo đăng mà tệ mê tín ở Hiệp Cường giảm hẳn.
Bác Hồ quan tâm đến báo Hưng Yên không chỉ về mặt nội dung và hình thức của tờ báo, Bác còn góp ý đặt tên báo thế nào cho phù hợp. Từ kinh nghiệm đặt tên báo của Hưng Yên trên đây nên cả nước có 64 tỉnh thành, tức là 64 cơ quan báo thuộc tỉnh ủy, thành ủy quản lý hầu hết mang tên tỉnh thành. Đến nay chỉ còn hai tỉnh mang tên trận đánh nổi tiếng báo Ấp Bắc (tỉnh Tiền Giang) và tờ Đồng Khởi (Bến Tre).
 
Lê Hồng Thiện
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây