Hội Văn học - Nghệ thuật Hưng Yên: Đoàn kết, sáng tạo và phát triển

Thứ năm - 27/06/2024 09:46

Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hưng Yên lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018- 2024 đã bầu Ban Chấp hành Hội gồm 14 đồng chí; Ban Thường vụ 04 đồng chí, trong đó có 02 Thường trực Hội là 2 Phó Chủ tịch. Đồng chí Chu Huy Phương được UBND tỉnh giao phụ trách, điều hành Hội VHNT kể từ ngày 21/01/2019. Từ tháng 6/2020, đồng chí được bầu Chủ tịch Hội.
picture4

Với đội ngũ Ban Chấp hành trẻ trung, nhiệt tình, uy tín, đoàn kết, trách nhiệm cao cùng sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Hội VHNT tỉnh đã có một nhiệm kỳ đầy khởi sắc.

Thực hiện quy định của Điều lệ Hội, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Hội đã phát huy trí tuệ tập thể, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và Nghị quyết Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2018-2024 thành các chương trình, kế hoạch hoạt động phù hợp với từng giai đoạn công tác và giúp Ban Chấp hành điều hành mọi hoạt động công tác Hội và phát triển văn học, nghệ thuật đạt nhiều kết quả.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng được quan tâm gắn với tuyên truyền quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đặc biệt là các nội dung liên quan đến văn học, nghệ thuật như: Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị 46-CT/TU ngày 18/5/2010 của Tỉnh ủy về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT Hưng Yên trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII, XIX... Việc triển khai được Ban Chấp hành, đặc biệt là Thường trực Hội nghiên cứu tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức: Tổ chức các Hội nghị học tập, lồng ghép trong tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật như tọa đàm, tổ chức trại sáng tác, đi thực tế sáng tác,... là cơ sở để làm tốt công tác tư tưởng và triển khai hiệu quả các hoạt động văn học, nghệ thuật.
picture1

Tổ chức Hội không ngừng được củng cố với sự hoạt động hiệu quả của 09 chuyên ngành văn học, nghệ thuật. Các ban chuyên môn, các chi hội chuyên ngành Trung ương được củng cố và phát huy tốt hiệu quả hoạt động, bảo đảm hội viên được tham gia sinh hoạt Hội, khích lệ sự sáng tạo của văn nghệ sỹ, phấn đấu sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao...

Hoạt động văn học, nghệ thuật được tổ chức sôi nổi, phong phú, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và tạo môi trường để văn nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật. Các hoạt động văn học, nghệ thuật được tổ chức ngày càng mang tính chuyên nghiệp. Đội ngũ văn nghệ sỹ không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản lĩnh trong sáng tạo nghệ thuật đã góp phần tạo nên bức tranh văn học, nghệ thuật phong phú, đa dạng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, làm phong phú đời sống tinh thần nhân dân. Tiêu biểu như các hoạt động: Tổ chức Ngày thơ Việt Nam hàng năm với nhiều chủ đề, hoạt động phong phú như trưng bày những câu thơ hay, ngâm thơ, trống hội, tổ chức giao lưu, trình diễn thơ; tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề “Văn học, nghệ thuật hiện nay và xu hướng sáng tác trong thời kỳ mới” đã cung cấp cho cán bộ, hội viên những thông tin quan trọng về tình hình phát triển VHNT hiện nay, những vấn đề đặt ra cho sự phát triển của VHNT và xu hướng sáng tác trong thời kỳ mới; đăng cai tổ chức thành công Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 22 năm 2020 và Triển lãm Mỹ thuật khu vực II Đồng bằng sông Hồng lần thứ 28 năm 2023; tổ chức Lễ trao Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ V, giai đoạn 2016- 2020…
picture3
Công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động văn học, nghệ thuật đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội, thúc đẩy sự phát triển sâu rộng của phong trào văn hóa, văn nghệ ở các địa phương. Qua đó, giúp phát hiện các nhân tố mới, là tiền đề để phát triển đội ngũ người làm công tác văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Tiêu biểu như: Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức phát động Cuộc thi sáng tác tác phẩm VHNT chủ đề “Trao thêm yêu thương”, cán bộ, hội viên Hội VHNT tích cực phối hợp tác nghiệp trong các hoạt động từ thiện, hiến máu nhân đạo, gặp mặt các đội tình nguyện viên chữ thập đỏ toàn tỉnh. Tích cực hưởng ứng các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, như: Cuộc thi sáng tác tác phẩm văn học, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Hưng Yên; cuộc thi ảnh đẹp du lịch Hưng Yên lần thứ II; cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”, cuộc thi “Sáng tác ca khúc về Hưng Yên”, cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ”…
 
Đổi mới công tác quản lý, tập hợp văn nghệ sỹ; tạo điều kiện tốt về vật chất tinh thần cho văn nghệ sỹ trong quá trình sáng tạo, trung bình mỗi năm, Hội Văn học - Nghệ thuật Hưng Yên đều tổ chức từ 5 - 7 trại sáng tác cho hội viên. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã tổ chức 23 trại sáng tác, thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho gần 800 lượt hội viên,... nhờ đó giúp đội ngũ văn nghệ sỹ bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và thực tế cuộc sống để sáng tác những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống.

Hội VHNT tỉnh đã tích cực tham mưu, đề xuất các chính sách cụ thể nhằm động viên, khích lệ sự sáng tạo của văn nghệ sỹ. Chú trọng công tác thi đua, khen thưởng văn nghệ sỹ có thành tích xuất sắc, đạt Giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia, giải thưởng của Bộ, ngành Trung ương về văn học, nghệ thuật. Nhiệm kỳ qua, đã tham mưu, đề xuất tỉnh khen thưởng cho 08 văn nghệ sỹ đạt giải thưởng cấp quốc tế, quốc gia, giải thưởng của Bộ, ngành Trung ương về văn học, nghệ thuật, 31 tác giả và 01 nhóm tác giả được tặng Giải thưởng VHNT Phố Hiến lần thứ V, giai đoạn 2016 - 2020...
picture2

Việc xét hỗ trợ đầu tư cho các tác phẩm có chất lượng cao từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ được chú trọng: Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã xét hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ cho 70 bản thảo tác phẩm thuộc các thể loại văn, thơ, văn nghệ dân gian. Hỗ trợ công bố 70 tác phẩm thuộc khối Văn học, 152 tác phẩm thuộc khối Nghệ thuật, 08 triển lãm nhóm, 04 triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh cá nhân… Hội viên xuất bản được 78 tác phẩm văn học, nghệ thuật. Hàng năm, Hội còn hỗ trợ hội viên các ban Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Âm nhạc tham dự các kỳ liên hoan, triển lãm trong khu vực. Bên cạnh các tác phẩm của cá nhân hội viên, Hội VHNT đã xuất bản được 03 ấn phẩm chung của Hội: sách “Tình thơ Phố Hiến 1997 - 2020”, sách “Nhiếp ảnh - Mỹ thuật Hưng Yên 1997 - 2020” và tập ca khúc “25 năm âm nhạc Hưng Yên”.

Công tác phát triển hội viên, bồi dưỡng nghiệp vụ luôn được quan tâm, từ năm 2019 đến nay, Hội VHNT đã kết nạp được 40 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 202 người. Hội đã giới thiệu kết nạp 18 hội viên vào các hội chuyên ngành trung ương, nâng tổng số hội viên chuyên ngành Trung ương lên 70 người, chiếm 35% tổng số hội viên của Hội VHNT tỉnh. Đội ngũ văn nghệ sỹ Hưng Yên luôn đoàn kết, nêu cao tinh thần “nghệ sỹ - chiến sỹ”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng; không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực nghề nghiệp và bản lĩnh trong lao động sáng tạo nghệ thuật; tích cực tham gia các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, lớp viết văn Nguyễn Du nhằm nâng cao năng lực công tác và chất lượng sáng tác tác phẩm, kỹ năng viết bài phê bình VHNT…

Nhìn lại một nhiệm kỳ hoạt động sôi nổi, hiệu quả, có thể nhận thấy nguyên nhân quan trọng để đạt được những thành công trên là sự đoàn kết, sáng tạo, linh hoạt của tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ và toàn thể hội viên. Đây là nhân tố quyết định để triển khai thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Hội. Từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đến các ban chuyên môn, các hội viên phải thật sự đoàn kết, đồng thuận triển khai các hoạt động. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò nêu gương trong triển khai nhiệm vụ, trước tiên là người đứng đầu gương mẫu thực hiện; hội viên cao tuổi gương mẫu để toàn Hội và nhất là các hội viên trẻ học tập, làm theo. Thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với đội ngũ văn nghệ sỹ, chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng, diễn biến tư tưởng để tuyên truyền, vận động, giải thích kịp thời, từ đó giải tỏa, khơi thông nguồn cảm xúc, phát huy năng lực sáng tạo văn học nghệ thuật của các văn nghệ sĩ.

Trong niềm vui chung của văn nghệ sĩ tỉnh nhà nói chung, Hội VHNT tỉnh Hưng Yên nói riêng hướng tới Đại hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã quyết định tặng Cờ thi đua cho tập thể cán bộ, hội viên Hội VHNT Hưng Yên; Tỉnh ủy tặng bức trướng với dòng chữ “Đoàn kết, sáng tạo, phát triển”; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 3 tập thể xuất sắc của Hội. Đây là những ghi nhận kịp thời và là sự cổ vũ, động viên rất quý báu của các cấp ủy đảng, chính quyền để Hội VHNT tỉnh và các văn nghệ sĩ Hưng Yên tiếp tục phát huy thành tích, sáng tạo và cống hiến nhiều hơn nữa các tác phẩm VHNT có giá trị cao.
HD

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây