Những kỷ niệm sâu sắc của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Bác Hồ

Thứ hai - 01/07/2024 11:08
Theo PGS, TS Đàm Đức Vượng, Nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, khi đang là cán bộ của Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (trực thuộc Viện Mác - Lê-nin - Hồ Chí Minh), ông đã có vinh dự được làm việc cùng đồng chí Nguyễn Văn Linh. Lần thứ nhất, vào tháng 3/1990, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư của Đảng và lần thứ hai, vào tháng 12/1991, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trong hai lần làm việc và trò chuyện thân tình đó, ông đã có cơ hội được trực tiếp nghe đồng chí Nguyễn Văn Linh kể cho nghe về những kỷ niệm sâu sắc của đồng chí Nguyễn Văn Linh với Bác Hồ kính yêu.
nvl
Kính yêu Bác dù chưa một lần gặp gỡ
Đồng chí Nguyễn Văn Linh được biết tên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ngay từ năm 1929, khi hoạt động tại Hải Phòng trong tổ chức học sinh đoàn, do Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng lãnh đạo. Được tuyên truyền về cuốn sách "Đường cách mệnh" của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí càng hăng hái hoạt động cách mạng. Ngày 1/5/1930, đồng chí hăng hái đi rải truyền đơn trên đường phố Hải Phòng và bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi giam tại Côn Đảo đến năm 1936. Ra tù, đồng chí tiếp tục lăn vào phong trào cách mạng và lại bị địch bắt, đày ra Côn Đảo từ năm 1941 đến năm 1945. Suốt khoảng thời gian này, đồng chí đã ra sức học tập những tác phẩm uyên bác, sâu sắc mà diễn đạt lại gần gũi, dễ hiểu của lãnh tụ Hồ Chí Minh để trang bị cho mình những kiến thức lý luận chính trị, đặc biệt là lý luận về Đảng cách mạng.
Đồng chí bồi hồi kể lại nhớ lại: “Trong những ngày sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ Côn Đảo trở về, tôi lao ngay vào hoạt động cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi hoạt động tại miền Nam. Mấy lần muốn lên Việt Bắc mong được gặp Bác Hồ, nhưng tiếc rằng, ý nguyện đó không thực hiện được".
Kỷ niệm lần thứ nhất được gặp vị lãnh tụ thực sự thương dân
Năm 1963, sau ba năm tiến hành phong trào Đồng khởi ở miền Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), đồng chí Nguyễn Văn Linh được triệu tập ra Hà Nội để báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam. Vừa đặt chân tới Hà Nội, có người đến báo: "Mời đồng chí đến gặp Bác Hồ". Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể lại: "Đồng chí nhớ lúc ấy Bác làm việc tại một căn nhà đầu tiên trong khu nhà khách Hồ Tây. Vừa bước vào nhà, Đồng chí đã thấy trên bàn làm việc của Bác trải tấm bản đồ miền Nam. Sau ít phút, Đồng chí thấy Bác đi từ trên gác xuống. Bác mặc một bộ đồ màu nâu và đi chân đất. Da dẻ Bác hồng hào, với gương mặt quắc thước. Hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm xưa mà đồng chí đã có lần thấy trên sách, báo, nay hiện ra trước mắt đồng chí với tất cả niềm cảm phục sâu sắc và niềm kính yêu vô hạn. Đồng chí chưa kịp chào, Bác đã nói:
- Chú Cúc ở miền Nam đã ra đấy hả?
- Vâng, thưa Bác! Đồng chí đứng lên chào Bác. Bác nói:
- Mời chú ngồi.
Rồi Bác hỏi tiếp:
- Đồng bào miền Nam có mạnh khỏe không?
 - Thưa Bác, đồng bào rất mạnh khỏe và đánh Mỹ cũng rất hăng.
Bác tỏ ý hài lòng. Ngừng một lát, Bác lại hỏi:
 - Chú chỉ trên bản đồ cho Bác biết hiện nay Trung ương Cục đóng ở đâu?
Đồng chí chỉ cho Bác vị trí Trung ương Cục đóng lúc bấy giờ tại tỉnh Tây Ninh. Bác nói:
 - Các chú chọn Tây Ninh làm trụ sở Trung ương Cục là đúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể rằng, bà con ta ở Tây Ninh rất yêu nước, cùng đồng bào miền Nam chiến đấu rất hăng hái. Nhiều người được tuyên dương anh hùng. Tây Ninh là một tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trong kháng chiến thường thiếu gạo ăn, nhiều người phải ăn mì, ăn sắn mà cũng không đủ. Đã có lúc Trung ương Cục phải điều hai trung đoàn xuống miền Tây lấy gạo. Nói đến chuyện gạo, Bác lại hỏi:
 - Các chú ăn một tháng hết bao nhiêu cân gạo?
- Thưa Bác, bộ đội phải chiến đấu, nên được ăn khoảng từ 25 đến 30 cân, còn những anh chị em ở cơ quan dân chính đảng được ăn khoảng từ 10 đến 15 cân.
 - Ưu tiên cho bộ đội như thế là tốt, nhưng làm sao có đủ gạo để ăn?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh báo cáo với Bác là Trung ương Cục đã phát động nhân dân, cán bộ, bộ đội khai phá những vùng đất có thể trồng được lúa. Hơn nữa, do làm tốt công tác dân vận, địch vận, nên những bà con ở vùng giải phóng có thể ra vùng địch kiểm soát để mua gạo, thực phẩm về ăn. Đã có một số lần cán bộ ngầm vận động binh lính địch chở gạo đến bán cho bộ đội ta.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh bồi hồi nhớ lại: "Nghe đồng chí báo cáo như vậy, Bác rất xúc động và khen làm được như vậy là tốt. Bác xúc động làm đồng chí cũng không nén nổi niềm xúc động trào dâng. Xúc động bởi khi gặp đồng chí, Bác không hỏi ngay vấn đề chiến lược, sách lược đấu tranh, vấn đề chính trị, quân sự, mà hỏi ngay đến đời sống của bộ đội, cán bộ, sức khỏe của đồng bào. Chỉ có những vị lãnh tụ thực sự thương dân mới như vậy. Bác không chỉ quan tâm đến "thế sự" mà còn rất quan tâm đến "nhân tình". Bác bao giờ cũng nghĩ tới đồng bào, chiến sĩ, lo lắng từ miếng cơm, manh áo, cọng rau, quả cà. Điều đó đã cổ vũ chúng đồng chí rất nhiều".
Kỷ niệm lần thứ hai và những lần tiếp theo được gặp vị lãnh tụ “đồng bào miền Nam luôn luôn ở trong trái tim”
bhmn
Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (13-2-1969). Ảnh tư liệu.
Cuối năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Linh lại có dịp ra Hà Nội công tác. Ở Hà Nội một thời gian, đồng chí được gặp Bác. Lúc này sức khỏe của Bác đã yếu. Gặp đồng chí, Bác hỏi ngay:
- Từ khi ra miền Bắc công tác, chú có nhận được tin tức gì về tình hình phong trào cách mạng miền Nam không?
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thưa với Bác là thường xuyên nhận được báo cáo của Trung ương Cục miền Nam gửi Bộ Chính trị và xin sự chỉ đạo. Bác khen: "Thế là tốt". Theo kế hoạch dự kiến, thời điểm đó, Bác sẽ cùng các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh sang làm việc với Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, song, do sức khỏe yếu, nên Bác không đi được.
Thời gian ở lại Hà Nội, thỉnh thoảng đồng chí Nguyễn Văn Linh lại được gặp Bác. Lúc này Bác ốm, phải nằm nghỉ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh vô cùng xúc động khi thấy bên giường của Bác luôn treo tấm bản đồ miền Nam. Mỗi lần đồng chí vào thăm Bác, nhìn bản đồ, lại thấy thêm những mũi tên xanh, đỏ. Đỏ là tượng trưng cho quân ta, còn xanh là tượng trưng cho quân địch. Mỗi ngày trên bản đồ lại thấy vẽ khác đi. Điều đó chứng tỏ Bác theo dõi tình hình miền Nam rất sát. Đồng chí được biết, mỗi tuần mấy lần, các đồng chí ở Bộ Tổng tham mưu vẫn cử các sĩ quan tác chiến đến báo cáo cho Bác nghe tình hình chiến sự ở miền Nam. Bác nằm nghe và chăm chú nhìn bản đồ để theo dõi.
Trong những ngày ở Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Linh có vinh dự được Bác mời ăn cơm. "Đồng chí thấy hôm ấy Bác ăn rất ngon. Ăn xong một bát, Bác bảo anh Vũ Kỳ xới thêm bát nữa. Anh Vũ Kỳ xới bát cơm sau hơi xốp xốp, áng chừng độ nửa bát thôi. Ăn xong, Bác bảo. “Thôi, chú đi nghỉ nhé, mai còn làm việc”. Nói xong, Bác lên lầu; anh Vũ Kỳ đi theo. Một lúc sau, anh Vũ Kỳ quay lại, nói nhỏ với đồng chí: "Bác lại bắt đầu đau đấy. Mọi khi Bác chỉ ăn được có nửa bát, nhưng hôm nay Bác dặn đồng chí là có chú Cúc ở miền Nam ra, chú phải xới cho Bác hai bát đấy nhé, nhớ xới xốp xốp thôi. Bác ăn để chú Cúc thấy Bác còn khỏe, khi về, chú ấy còn nói với đồng bào, chiến sĩ miền Nam là Bác còn khỏe để đồng bào, chiến sĩ yên tâm chiến đấu". Nghe anh Vũ Kỳ nói vậy, Đồng chí càng xúc động, từ những việc nhỏ như thế, Bác cũng vì đồng bào miền Nam!
Hôm Bác mất, một số đồng chí trong Bộ Chính trị và đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng có mặt. Đồng chí Nguyễn Văn Linh kể: "Đồng chí nhớ lúc ấy Bác không còn nói được nữa. Bác chăm chú nhìn các đồng chí trong Bộ Chính trị và Đồng chí. Bác nắm tay đồng chí và đồng chí cúi xuống nắm chặt tay Bác. Qua cái nắm tay, Đồng chí hiểu rằng, đây không phải chỉ Bác bắt tay cá nhân đồng chí, mà qua đồng chí, Bác muốn tỏ rằng, đồng bào miền Nam luôn luôn ở trong trái tim Bác. Cũng qua cái nắm tay đó, Bác muốn gửi gắm niềm tin vào nhân dân miền Nam nhất định thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng chí nhớ có lần Bác nói với đồng chí Lê Duẩn là Bác muốn vào miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn thưa với Bác là khi nào cách mạng thành công, miền Nam giải phóng thì mời Bác vào. Bác bảo, lúc ấy thì còn nói làm gì. Bác muốn vào bây giờ, lúc mà đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu. Gian khổ như thế, sự có mặt của Bác là cần thiết. Theo đề nghị khẩn thiết của Bác, Bộ Chính trị hứa chuẩn bị, song lúc ấy, sức khỏe của Bác đã quá yếu, nên không thể đi được. Mỗi lần nhớ đến chuyện Bác muốn vào Nam là đồng chí lại vô cùng xúc động. Các đồng chí khác được gần Bác hơn, hiểu Bác nhiều hơn. Riêng đồng chí, do liên tục công tác tại miền Nam, nên ít có dịp được gặp Bác, song đồng chí luôn hướng về Bác với tất cả lòng kính yêu vô hạn.
HD

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây