Vào cuối tháng 8, khi trà nhãn chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục thu hoạch các diện tích nhãn chín muộn. Vụ nhãn muộn năm nay tuy giảm sản lượng nhưng bù lại được giá cao nên nông dân trồng nhãn rất phấn khởi.
Gia đình anh Trần Văn Pháp ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) hiện trồng 2,7 mẫu nhãn, trong đó có 0,3 mẫu nhãn chín muộn. Sau khi cơ bản thu hoạch xong trà chính vụ thì anh Pháp lại tiếp tục vào vụ thu nhãn chín muộn. Những ngày này, anh thường xuyên có mặt ở vườn nhãn để thu hoạch nhãn xuất bán cho các thương lái và khách hàng đến mua lẻ.
Giống nhãn muộn anh Pháp đang trồng là nhãn T1, T2. Đặc trưng của hai giống nhãn T1 (quả vẹo) và T2 (quả tròn) là quả to, mọng, mã quả sáng đẹp, cùi dày, ăn giòn, vị ngọt thanh đậm nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Theo anh Pháp: “Đây là hai giống nhãn khá khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao nên nên dù trồng được gần 10 năm nhưng mới chỉ cho thu hoạch ổn định được 4 năm. Năm 2018, vườn nhãn muộn cho sản lượng gần 1 tấn quả, giá bán tại vườn trung bình 35.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng ước giảm khoảng 50%, đạt từ 4 – 5 tạ nhưng đã có thương lái đến tận vườn đặt mua với mức giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với nhãn thường”.
Với khoảng 1.600ha nhãn đang cho thu hoạch, huyện Khoái Châu được coi là “thủ phủ” nhãn muộn của tỉnh Hưng Yên, tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình...
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Bên cạnh giống nhãn chủ đạo là nhãn chín muộn Miền Thiết, những năm gần đây nông dân huyện Khoái Châu trồng thêm một số giống nhãn chín muộn mới chất lượng cao như: nhãn siêu ngọt, nhãn T1, T2... Với mẫu mã đẹp, quả to, chất lượng thơm ngon, các giống nhãn chín muộn này đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Với kinh nghiệm sản xuất nhãn gần 30 năm, chưa năm nào vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) bị thất thu. Năm nay, trong khi nhiều hộ trong xã bị mất mùa nhưng vườn nhãn nhà ông Huynh vẫn sai quả.
Theo chân ông Huynh đi thăm vườn nhãn siêu ngọt có diện tích 0,4 mẫu của gia đình, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những chùm nhãn sai lúc lỉu, sa xuống sát tay người. Ông Huynh vui vẻ cho biết: “Nhãn siêu ngọt có đặc điểm vỏ mỏng, hạt nhỏ, ăn rất thơm và ngọt sắc. Do thời gian chín muộn, chất lượng quả ngon nên giá bán cao gấp 1,5 – 2 lần nhãn chính vụ, không phải lo đầu ra vì chủ yếu được khách hàng quen đặt trước để làm quà biếu hoặc được nhiều thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận về đặt mua tại vườn. Vụ nhãn năm ngoái, gia đình tôi thu hoạch được trên 2 tấn quả, được thương lái thu mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng giảm chỉ đạt khoảng 1,5 tấn nhưng thời điểm này khách hàng đã đến đặt mua toàn bộ với giá 40.000 đồng/kg”.
Theo chia sẻ của các hộ trồng nhãn muộn lâu năm ở một số địa phương có diện tích nhãn chín muộn lớn như xã Hồng Nam, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), xã Hàm Tử (Khoái Châu), việc trồng nhãn chín muộn cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu từng năm. Đặc biệt, người trồng phải có kỹ thuật thâm canh tốt. Dù đây là các giống nhãn chín muộn tự nhiên nếu muốn cây cho thu hoạch vào thời điểm như mong muốn, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây bằng cách tiện vỏ xung quanh gốc, nắm được kỹ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để ép nhãn ra hoa đúng thời điểm…
Hiện nay, toàn tỉnh trồng hơn 4.000 ha nhãn, trong đó diện tích đã đến thời kỳ cho khai thác quả hơn 3.000 ha. Nhãn cho thu hoạch vào 3 trà: nhãn chín sớm, nhãn chín chính vụ và nhãn chín muộn. Trà nhãn chín muộn trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Khoái Châu và một số địa phương thuộc thành phố Hưng Yên, cho thu hoạch rộ từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 với các giống nhãn chủ yếu là Miền Thiết, T1, T2, siêu ngọt...
Trồng nhãn chín muộn là một trong những giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhãn rải vụ, tránh bị thương lái ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Để giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, người trồng nhãn cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; các địa phương và chủ vườn chủ động liên kết với doanh nghiệp, siêu thị và thị trường có tiềm năng để tiêu thụ nhãn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Nguồn: baohungyen.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên