* Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của bão số 3, trong các ngày từ 2 - 4.8, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra mưa lớn kèm theo gió trên diện rộng với lượng mưa bình quân cả đợt đo được tại các huyện, thị xã, thành phố gần 180mm, kèm theo gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Mưa bão đã làm một số diện tích cây trồng ở tỉnh bị úng ngập cục bộ; một số công trình điện, bãi rác, mái tôn bị hư hại. Tại vị trí K118+200 đê tả sông Hồng xuất hiện sự cố sạt chân mái đê…
Để khắc phục ảnh hưởng của mưa úng, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã huy động 82 trạm bơm với 335 tổ máy bơm bơm nước tiêu úng. Cùng với đó, các địa phương đã tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão… Đến ngày 4.8, nhiều diện tích bị ngập úng đã được tiêu úng kịp thời; nông dân tranh thủ ra đồng khơi thông rãnh thoát nước, dựng buộc cây trồng bị đổ…
* Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn thành phố Hưng Yên có mưa lớn từ đêm ngày 2 sang ngày 3.8 khiến nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hưng Yên bị úng ngập cục bộ.
Theo khảo sát của Công ty TNHH một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên, toàn thành phố có 18 điểm ngập cục bộ, nhưng thời gian ngập không kéo dài đã cơ bản được tiêu thoát hết. Chỉ có một số điểm ngập kéo dài sau mưa khoảng 1 giờ như: Đường Trưng Trắc; đường Nguyễn Công Hoan; đường Nguyễn Thiện Thuật nhưng đến chiều ngày 3.8 đã hết ngập. Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập úng khoảng 30ha nhãn thuộc các xã: Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng và một số diện tích rau xanh bị dập nát. Thành phố có 15 cây xanh bị ngã đổ tại một số tuyến đường. Để chủ động ứng phó với mưa, bão, ngay từ trước khi mưa, toàn bộ hệ thống cống thoát nước trên địa bàn thành phố đã được nạo vét, cải tạo, đấu nối liên thông nhằm tăng khả năng tiêu thoát nước mưa. Ngoài ra, khi xảy ra mưa lớn, toàn bộ lực lượng phản ứng nhanh của Công ty TNHH một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên đều có mặt tại hiện trường để đặt các biển báo cảnh báo nguy hiểm, trục vớt vật cản dòng chảy và khai thông tuyến cống thoát nối giữa hồ Nam Hoà và hồ An Vũ để điều hoà mực nước nhanh hơn, hiệu quả hơn.
* Theo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn huyện Tiên Lữ đã xảy ra mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ từ đêm ngày 2.8.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống mưa úng như: Nạo vét, khơi thông dòng chảy, sẵn sàng các phương án bơm tiêu nước đệm, mưa bão ít ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn, trên địa bàn huyện chỉ ghi nhận khoảng 10ha lúa của xã Thủ Sỹ bị ngập úng. Các trạm bơm hiện đang được tích cực vận hành, đặc biệt là trạm bơm dã chiến để tiêu thoát nước cục bộ tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ úng ngập cao.
* Tại huyện Khoái Châu, công tác phòng, chống bão số 3 được triển khai từ sớm. Tuy nhiên, từ ngày từ 2- 4.8, trên địa bàn đã xảy ra mưa lớn, đã làm 400ha cây ăn quả, 150ha rau màu, cây giống, 30ha lúa tại những xã vùng trũng bị ngập úng cục bộ. Nhằm khắc phục ảnh hưởng do mưa bão, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi Châu Giang đã chỉ đạo vận hành 6 máy bơm của Trạm bơm Ninh Tập và 6 máy bơm của Trạm bơm Nghi Xuyên bơm nước tiêu úng. Đến ngày 4.8, một số diện tích bị ngập úng nước đã được rút cạn; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cùng các địa phương đang hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây trồng sau mưa bão.
* Theo tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện từ ngày 3.8 đến 14 giờ ngày 4.8 khoảng 200mm. Do lượng mưa lớn, nước không tiêu thoát kịp nên 250ha cây trồng của huyện bị ngập úng, trong đó, có 100ha cây ăn quả, 60ha lúa, 50ha hoa, cây cảnh, 40ha rau các loại. Một số tuyến đường trong khu dân cư trên địa bàn huyện bị ngập úng, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.
Trước diễn biến của thời tiết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra diện tích trồng trọt, nuôi thả thủy sản, khơi thông dòng chảy; phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Châu Giang vận hành các trạm bơm tiêu để tiêu thoát nước cho diện tích nông nghiệp bị ngập úng. Bên cạnh đó, huyện tăng cường hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp tiêu, thoát nước như: Sử dụng máy bơm của gia đình, khơi rãnh thoát nước tại các diện tích trũng...
* Theo báo cáo của huyện Yên Mỹ, do ảnh hưởng của bão số 3, từ ngày 1-4.8, trên địa bàn huyện có nhiều đợt mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa đo được trên 200mm. Mưa lớn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân; gây ngập úng cục bộ gần 50ha rau màu, cây ăn quả trên địa bàn huyện, tập trung ở các xã Hoàn Long, Yên Phú, Minh Châu... Huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn khẩn trương hướng dẫn nông dân thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của ngập úng như: Sử dụng các loại máy bơm nước; khơi thông dòng chảy... Bên cạnh đó, Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện đã huy động tối đa công suất của các trạm bơm tiêu úng để bơm tháo nước trên ruộng, chủ động gạn tháo nước đệm trên các sông trục; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, đề phòng mưa lớn tiếp tục diễn ra… Với việc chỉ đạo kịp thời của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, người dân, đến trưa ngày 4.8, hầu hết các diện tích bị ngập úng trên địa bàn huyện đã được khắc phục.
* Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhãn đang ở giai đoạn thu hoạch và nhiều diện tích phát triển quả non; cây có múi, chuối phát triển quả non; lúa đang cuối đẻ nhánh, đứng cái; rau màu vụ hè thu mới trồng... Theo nhận định Sở Nông nghiệp và PTNT, trong thời gian tới có thể sẽ diễn ra nhiều đợt mưa, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Do đó, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh, các địa phương và nông dân cần tiếp tục chủ động các phương án phòng, chống mưa bão, trước hết tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đặc biệt là những diện tích cây trồng bị ngập nước; áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng sau mưa bão…
PV