Tập trung nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Thứ ba - 13/08/2024 08:20
Thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tại tỉnh ta, các chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Đến năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,86%; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,34%.
Hằng năm, UBND các cấp đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; chủ động tổ chức triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Chính quyền các cấp đã tập trung huy động tối đa các nguồn lực xã hội hỗ trợ để giảm nghèo một cách bền vững. Các ban, ngành, đoàn thể làm tốt vai trò tiếp cận, hướng dẫn, kết nối nguồn lực hỗ trợ người nghèo để họ chủ động phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau… 6 tháng đầu năm 2024, Quỹ Vì người nghèo các cấp đã vận động, tiếp nhận số tiền trên 47 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động chăm lo cho người nghèo.
Tại huyện Văn Giang, đến tháng 3/2024 qua khảo sát, đánh giá, huyện còn 131 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 0,38%. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu hết năm 2024 không còn hộ nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Giang đã ban hành Nghị quyết về giảm nghèo nhanh, bền vững. Trong đó, xác định các giải pháp cần phải tập trung thực hiện là: Thường xuyên rà soát, làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của từng hộ, nhóm hộ, từ đó có giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp và hiệu quả; vận động các chi họ, dòng họ nâng đỡ, cưu mang người nghèo trong dòng tộc. Phân công các chi bộ, đoàn thể cử đảng viên, cán bộ, hội viên ưu tú, sản xuất, kinh doanh giỏi giúp cho từng hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp và cơ chế đặc thù để hỗ trợ sinh kế và nâng cao thu nhập của người nghèo. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo…
Tại xã Việt Hưng (Văn Lâm), nếu như năm 2022, tỉ lệ hộ nghèo là 2,11% thì đến hết năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo còn 1,16% (giảm 0,95% so với năm 2022). Trao đổi về kết quả trong công tác giảm nghèo, đồng chí Hoàng Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Việt Hưng cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội của xã như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… linh động, sáng tạo và chủ động trong cách hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo như: Hỗ trợ giống, vốn, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi… Từ sự hỗ trợ thiết thực này, nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên. Cùng với đó, xã xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là chìa khóa để người lao động nói chung, người nghèo nói riêng có sinh kế để mưu sinh dài lâu. Đến nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn xã đạt gần 87%. Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Hiện nay, trong xã có gần 600 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Ngày 10/7/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành Kế hoạch số 336/KH-MTTQ-BTT hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xây dựng và sửa chữa nhà ở đợt 1, năm 2024. Theo đó, hỗ trợ 159 hộ nghèo xây dựng nhà ở với mức hỗ trợ 80 triệu đồng/nhà/hộ và 81 hộ nghèo sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/nhà/hộ. Trong 6 tháng năm 2024, các hội, đoàn thể cũng tích cực vận động, ủng hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Những chính sách an sinh xã hội đặc thù riêng của tỉnh hướng tới người nghèo, đối tượng yếu thế được thực hiện song hành cùng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên như: Hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo; hỗ trợ về y tế… đã giúp các hộ nghèo có điểm tựa để vươn lên.
Để đạt mục tiêu tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,5% vào cuối năm 2025 và không còn hộ nghèo đến năm 2030, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chính sách giảm nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động, tích cực phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện tốt, kịp thời các chính sách đặc thù của tỉnh đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế. Tập trung huy động, vận động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa giảm nghèo bền vững; quan tâm tổ chức các cuộc vận động, trọng tâm là phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục triển khai, lồng ghép hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với các chính sách giảm nghèo khác của tỉnh…