Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam – 20-11: Khoa Tiếng Trung – Những năm tháng đẹp nhất của đời tôi
Thứ hai - 11/11/2019 12:03
Tại đây, tôi đã được thu hưởng nền giáo dục toàn diện, được các thầy cô tâm huyết và tài năng giảng dạy, được gặp bao bạn bè thân thiết. Đó là những tháng năm đẹp nhất của đời tôi.
Lứa chúng tôi tựu trường nhập học Khoa tiếng Trung Quốc(TQ) vào cuối năm 1974. Lớp T74 ra đời. Với những hiểu biết lúc bấy giờ của tôi thì vào Khoa Trung văn là hẩm hiu nhất so với các Khoa Nga, Anh, Pháp Trường Đại học Ngoại ngữ(ĐHNN), nay là Đại học Hà Nội (ĐHHN).
Học xong năm thứ nhất, ông tôi là cán bộ Bộ Văn hóa (VH) có ý định chuyển cho tôi sang học tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Nhưng tôi trả lời ông rằng tôi có những bạn bè thân thiết trong lớp nên tôi không chuyển. Và thế là 4 năm học diễn ra trong sự cố gắng của toàn lớp. Nhiều thời gian chúng tôi thức cùng tiếng chuông nhà thờ Trung Văn để học từ mới &cùng luyện đặt câu,...
Nhiều năm sau nghĩ lại, chúng tôi thầm biết ơn đội ngũ các thầy cô giáo cùng cán bộ công nhân viên(CBCNV) trong nhà trường mỗi người một công việc đã chăm lo cho chúng tôi bao tháng ngày khi đất nước còn vô cùng gian khổ.
Ngày ấy chúng tôi được Nhà nước nuôi toàn bộ, học không phải đóng tiền, ngày hai bữa “vác” bát xuống nhà ăn đã có các cô, các chị CBCNV nấu sẵn, phục vụ. Bữa ăn sáng cũng được nhà trường lo- thường là nửa chiếc bánh mì. Hồi đó nhà trường cấp cho mỗi tháng là 22 đồng, đóng hết 18 đồng tiền ăn, còn được lĩnh 4 đồng đủ tiêu trong tháng, có bạn để dành… còn thừa tiền tiết kiệm.
Ngày ấy chúng tôi ngoài học tiếng Trung và tiếng Nhật ra, còn được học các môn thể thao như điền kinh, xà, tạ, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá...Chúng tôi được học tập trong một môi trường tốt nhất có thể. Đời sinh viên(SV) thi đua học tập, tham gia các hoạt động ngoại khóa: trò chơi, cách học, các cuộc thi,…tràn ngập tiếng cười, cả năm chả nghe thấy một tiếng ta thán về sự bạo hành ngoài xã hội, tình thầy trò thật cao quý và nghĩa bạn bè rất mặn nồng...
Bốn năm học tập, chúng tôi nhận ra rằng: Đội ngũ các thầy cô giáo Khoa tiếng TQ ngày ấy là những người thầy tâm huyết và tài năng.
Chẳng hiểu từ lúc nào mà chúng tôi đã coi thầy Chủ nhiệm (CN) Khoa - Lê Văn Sen như là người cha của mình. Thầy dạy chúng tôi từ mới và cách phát âm ngay từ những ngày học đầu tiên. Giọng thầy luôn vang to, khỏe và sôi nổi, cuốn hút cả lớp vào những tiết học hào hứng. Thầy kiên nhẫn uốn nắn cách phát âm cho từng người. Thầy dường như lúc nào cũng reo lên “hấn hảo” hoặc “ hảo jí le” dù chúng tôi chỉ phát âm tàm tạm hay dịch xuôi xuôi một câu nào đấy...Cách giảng của thầy là thế: Luôn khuyến khích, khen ngợi học trò. Đó là phương pháp giảng dạy rất hiệu quả mà bây giờ đang áp dụng nhưng có vẻ chưa phổ biến bằng ngày xưa. Dường như thầy thuộc hết quê quán cùng tính nết của chúng tôi. Vậy nên cánh con trai chúng tôi thì gần gũi thầy, còn cánh con gái thì làm nũng thầy...
Trong năm học thứ nhất, bao nhiêu là bỡ ngỡ, khó khăn, cùng nỗi buồn... đã qua đi vì chúng tôi có thầy CN Khoa - Lê Văn Sen và cô giáo CN Trần Thị Thanh Liêm. Cô Liêm ngày ấy vừa ra trường nhưng đã được Khoa chọn mặt gửi vàng làm chủ nhiệm lớp T74. Cô sớm tối có mặt với lớp chúng tôi. Khi giảng bài hay sinh hoạt lớp, cô lúc nào cũng vô cùng nhiệt tình, hết sức dịu hiền và rất ân cần, mặc dù bọn con trai chúng tôi nghịch ngợm quá sức...
Năm thứ 2, thầy Trần Như Bổng chủ nhiêm chúng tôi. Thầy cũng mới ra trường nên không thể nói là nhàn khi chủ nhiệm T74. Tham gia giảng dạy cho lớp chúng tôi còn có thầy Trương Văn Mỹ dạy Ngữ pháp, thầy Lê Duy Minh, cô Viên Huệ Thuyền dạy Khẩu ngữ, thầy Nguyễn Văn Đổng dạy Ngữ văn, cô Hồ Hoàng Hoa dạy Tiếng Nhật, thầy Trương Đình Nguyên (Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ) dạy Cổ văn và thầy Cung Văn Lược dạy viết chữ Hán. Cả lớp tôi chăm chú như uống từng lời khi thầy Nguyên giảng “Quan quan thư cưu” và “Khứ niên kim nhật thử môn trung. Nhân diện đào hoa tương ánh hồng...”. Còn thầy Minh đã say sưa dịch nhiều bài hát Việt Trung – Trung Việt thịnh hành dạy cho chúng tôi, trong đó có bài “Tự nguyện” của Trương Quốc Khánh, SV chúng tôi rất thích.
Năm thứ 3 và 4 chúng tôi được thầy Nguyễn Trung Hiền chủ nhiệm, thầy dạy môn Ngữ văn. Hai năm trời thầy Hiền gắn bó với lớp tôi. Dáng thầy gầy, tiết năm trò đói thầy mệt, nhưng nụ cười và ánh mắt của thầy như khích lệ chúng tôi. Chính thầy đã làm chúng tôi mê các tác phẩm “Cố hương”, “Chúc phúc”của Lỗ Tấn cùng nhiều tác phẩm văn học TQ khác. Tham gia giảng dạy cho lớp tôi còn có thầy Đinh Trọng Thanh dạy Ngữ văn, thầy Nghiêm Việt Hương dạy tiếng Nhật.
Các thầy cô chúng tôi trình độ uyên thâm, tình cảm nồng ấm: Thầy Đinh Trọng Thanh còn cho chúng tôi ở nhờ tại ngôi nhà vốn rất chật chội của mình… Thật vô cùng đáng quý và trân trọng.
Vào thời gian đó, tìm được những nhà giáo như các thầy cô Khoa Tiếng TQ Trường ĐHHN có trình độ cao về tiếng Hán, tiếng Nhật là rất hiếm có. Các thầy cô đã truyền cảm hứng, lòng say mê hiếu học cho chúng tôi. Chúng tôi vô cùng hạnh phúc có được các thày cô là tấm gương, có được tri thức tiếng Hán lẫn kiến thức văn hóa, ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm ưu ái của Ban giám hiệu cùng CBCNV các ban, phòng để bước vào đời.
Mấy trăm SV Khoa tiếng TQ ngày ấy của các lớp T67, T68, T69,… T73, T74 đã trở thành lực lượng phiên dịch tiếng TQ chủ yếu và giỏi giang ở các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, quân sự,...Họ được các Bộ, Ngành tin dùng và trở thành công cụ quan trọng không thể thiếu trong bang giao với nước Trung Quốc đông dân nhất thế giới. SV Khoa tiếng Trung đã có những đóng góp to lớn và xứng đáng trong việc tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung, cũng như trong sự nghiệp dựng xây và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Đó là nhờ công ơn dưỡng dục của các thầy cô.
... Khoa Trung văn đã tròn 60 năm thành lập (1959- 2019). Và chúng tôi đã xa trường hơn 40 năm. Lớp T74 chúng tôi mấy chục SV đều trưởng thành và luôn nhớ về mái trường thân yêu, luôn nhớ về mái ấm Khoa tiếng Trung, nơi có những thầy cô tâm huyết và tài năng, nơi có các anh chị SV các khóa trước ân cần, các thế hệ SV sau này học tập giỏi giang, nơi có những bạn bè T74 thân thiết gắn bó như hình với bóng,...
Không nghi ngờ gì nữa, những tháng ngày học tập tại Khoa tiếng Trung Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, nay là ĐHHN là những năm tháng đẹp nhất của đời tôi.
Trong tôi vẫn thường hiện lên dãy nhà D3, D4, D5 cùng hàng xà cừ sừng sững xanh tươi để nhớ về bạn bè cùng khoa, cùng lớp, cùng giường hai tầng,… một thuở, để cúi đầu tri ân các thầy cô giáo Khoa Tiếng Trung tâm huyết và tài năng cùng đội ngũ Cán bộ công nhân viên đáng kính của nhà trường ngày ấy. Thầy xưa và bạn cũ đang song hành chỉ hướng cho chúng tôi, tôi thấy mình phải sống sao cho xứng đáng là SV của Khoa tiếng Trung, là SV lớp T74 vô cùng yêu dấu.
Nguyễn Công Đán Cựu sinh viên lớp T74 Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên