"Điều không thể mất"

Thứ bảy - 24/08/2019 09:25

"Điều không thể mất"


Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay
Ta đã có những ngày sung sướng nhất
Đã uống cả men nồng và rượu chát
Đã đi qua cùng tận của con đường

31 năm trước, Lưu Quang Vũ đã nắm tay người bạn đời của mình - nữ thi sĩ Xuân Quỳnh để theo mây trắng về trời. 31 năm, là khoảng thời gian vừa đủ để con người ta chiêm nghiệm và nhìn lại sự vận động biến thiên xoay vần của xã hội, của cuộc đời trong những vở kịch của Lưu Quang Vũ...

Tháng 8, tháng NGƯU LANG - CHỨC NỮ, tháng mưa ngâu tầm tã,... đối với tôi đó còn là “Tháng Lưu Quang Vũ”. Tôi mê kịch Lưu Quang Vũ lắm! Mê đến lạ kỳ, mê hơn hết thảy những tác phẩm văn chương nào mà tôi từng đọc, từng tiếp xúc. Vì những vở kịch ấy khiến tôi gai người nhất, có nhiều lay động về xúc cảm nhất và đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều suy ngẫm chiêm nghiệm trên đời mà tác giả đã chạm đến...

Tôi không được sống trong thời bao cấp, nhưng qua những vở kịch của Lưu Quang Vũ, tôi hiểu được phần nào bức tranh “cơ cực” “thương khó” mà ông bà, bố mẹ tôi từng sống. Đó là cuộc sống “Một nắm rơm cũng phải trả tiền thưa đồng chí ạ!" (Lời thề thứ 9)... Khi đất nước ta bước ra từ cuộc chiến, những giá trị cốt lõi cần phải định lại, khi cơ chế quan liêu bao cấp đè nặng kìm hãm sự phát triển về mọi thứ đẩy cuộc sống của mọi tầng lớp trong xã hội vào lối đi tối tăm... Lưu Quang Vũ bằng mẫn cảm nghệ sĩ, bằng cái tài và cái tâm vô cùng lớn của mình đã viết những vở kịch từ những khát khao đổi mới, muốn thay đổi những điều cũ kỹ lạc hậu để sao cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Tác giả luôn đau đáu, dằn vặt và nghiền ngẫm về những giá trị căn cốt trên đời đang dần mất đi, về lòng tốt, tình người giữa con người với nhau... Vậy nên, những vở kịch Lưu Quang Vũ luôn song hành với cuộc vận động của xã hội, luôn mang hơi thở và nhịp sống của trường học, xí nghiệp nhà máy, bệnh viện, làng xã, cơ quan trí thức thượng tầng... Ở đâu ta cũng bắt gặp những con người tựa như nhân vật mà tác giả đã sinh ra.

Khi cái tốt - xấu, thật - giả sống lẫn lộn đan xen với nhau. Khi một cơ chế cũ cổ hủ lạc hậu đã sinh ra những lớp người vì vụ lợi trước mắt cho bản thân mà sẵn sàng chà đạp lên những giá trị nhân bản cốt lõi vốn có – là đạo đức, nhân phẩm. Lưu Quang Vũ đã dũng cảm lên án một cách mạnh mẽ và chua chay mà đầy thấm thía nhân văn. Đó là câu chuyện gian lận thi cử (Mùa hạ cuối cùng), câu chuyện gia đình ông Ủng - vì cái lợi trước mắt mà từ mặt tình huyết tử cha con (Ông không phải là bố tôi), gã trưởng thôn Tuần (Lời thề thứ 9), Nguyễn Chính (Tôi và chúng ta)... Lưu Quang Vũ luôn đấu tranh vì những lẽ phải trên đời. Vì thế mà khi kết thúc mỗi vở kịch đều khiến cho người đọc người xem ấm lòng, có niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp.

Lưu Quang Vũ còn nghiền ngẫm, trăn trở về những kiếp người lương thiện nhỏ bé trong xã hội, nhưng lại lâm vào những hoàn cảnh éo le. Từ đó, tác giả đặt ra câu hỏi về lòng tốt giữa con người với con người, về sự hoàn hảo trong chính lương tâm, phẩm giá mà ai ai cũng muốn hướng đến – “Thành phố nơi ta đang ở chỉ là chấm trên quả địa cầu và mỗi chúng ta chỉ là những con người bé nhỏ trong thành phố, mà quả địa cầu này cũng chỉ là chấm nhỏ trong vũ trụ vô tận. Chúng ta gắng sức để làm gì ?" (Mùa hạ cuối cùng). Đó là gia đình cậu Luân (Trái tim trong trắng), cô chiến sĩ Nhâm (Điều không thể mất) hay họa sĩ Lê Chí (Nguồn sáng trong đời)... Ta thấy được tình yêu mà tác giả gửi gắm vào nhân vật của mình, đó còn là niềm tin, khát khao hoàn thiện cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn. Đó là giá trị nhân văn và cái tâm của tác giả, cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt 53 vở kịch của Lưu Quang Vũ.

Hôm nay, chúng ta đi xem những vở kịch được chào đời từ thập niên 80 của thế kỷ 20, vậy mà cứ ngỡ như đó là cuộc sống, là những câu chuyện mà ta bặt gặp hằng ngày trong xã hội đương đại chảy trôi này. Những câu hỏi, những vấn đề mà hôm nay người ta vẫn phải đặt ra cho nhau đã được Lưu Quang Vũ trăn trở từ hơn 30 năm về trước: câu chuyện mâu thuẫn về vật chất đầy đủ với tinh thần, câu chuyện về máy móc chung sống với con người và làm đảo lộn nhiều giá trị vốn có (Hoa cúc xanh trên đầm lầy), câu chuyện gian lận thành tích trong giáo dục (Mùa hạ cuối cùng), và cả những câu chuyện tham ô tham nhũng của giới quan chức thượng tầng,...- đó vẫn là những vấn đề thời sự mà cả xã hội hiện nay vẫn quan tâm. Một tác phẩm văn chương có giá trị phải là tác phẩm của mọi thời đại khác nhau, Lưu Quang Vũ đã làm được điều đó. Phải là người có cái nhìn vượt thời đại, cái tài hơn người về tính dự báo về cuộc sống mai hậu...

Kịch của Lưu Quang Vũ còn giàu tính triết lý về nhân sinh về con người, những lời thoại kịch có thể coi như ngạn ngữ hay châm ngôn trên đời, kiểu như: “có những cái sai không thể sửa, chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa” (Hồn Trương Ba da hàng thịt), “Cuộc sống mạnh hơn tất cả, một cuộc sống hướng tới sự hài hòa giữa một người và mọi người, giữa tôi và chúng ta”, hoặc “Trách nhiệm của chúng ta là đào tạo ra những con người dám gánh vác tương lai trong xã hội, những con người có ý thức về nhân cách của mình, chứ không phải là cái máy chỉ biết nhắm mắt tuân lệnh, càng không phải là những kẻ ích kỷ và giả dối”... Chỉ qua những câu thoại của nhân vật, ta thấm thía những tư tưởng, những lẽ đời- điều mà tác giả gửi gắm, răn dạy.

Và để chắp cánh cho những vở kịch của mình bay xa, Lưu Quang Vũ đã thổi vào đó một thứ văn chương, một chất thơ lồng trong kịch. Trong từng câu thoại của nhân vật, từng dấu chấm dấu phẩy ngắt nghỉ câu - cũng là dụ ý nghệ thuật của tác giả... Trước khi đến với sân khấu, Lưu Quang Vũ được biết đến là một nhà thơ trẻ trong kháng chiến chống Mỹ. “thơ là phần đẹp nhất, bay bổng nhất của cuộc đời”, thơ chính là niềm đam mê lớn nhất của tác giả. Lưu Quang Vũ viết kịch cho mọi người và viết thơ cho chính mình. Những câu thơ tuyệt diệu, si mê lòng người kiểu như:

 
Nơi lá chuối che nghiêng như một cánh buồm
Cánh buồm xanh đi về trong hạnh phúc
Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi

 
Sinh thời, Lưu Quang Vũ quan niệm “kịch cũng là một thứ thơ được trình bày trong không gian và thời gian kỳ diệu của sân khấu, thông qua diễn xuất của diễn viên”. Những vở kịch thường có những bài thơ ngắn, những bài đồng giao ở đầu mỗi cảnh diễn. Chất trữ tình, chất thơ ấy như những trận mưa xuân tô điểm và thổi hồn vào bầu trời tháng giêng- là những tình huống kịch... Cái tài của tác giả còn nằm ở chỗ đó, tác giả đã đan xen hài hòa chất kịch và chất thơ trong những tác phẩm của mình, vì thế người ta coi Lưu Quang Vũ là thi sĩ của sân khấu

Cho đến nay, Lưu Quang Vũ vẫn là tác gia kịch lớn nhất của Việt Nam và là người trẻ nhất được trao tặng giải thưởng “Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật”. Không ai giỏi hơn Lưu Quang Vũ về cách đặt vấn đế thời sự và sự tìm tòi sáng tạo ở những phần khuất tối dễ bị con người ta đi lướt ... Tuy cuộc đời nghiệt ngã ngắn ngủi đã không cho Lưu Quang Vũ đi hết nghiệp văn chương của mình. Nhưng nếu cuộc sống hôm nay hay ngày mai vẫn còn khát khao những điều tốt đẹp và hướng tới những giá trị căn cốt nhân bản trên đời thì 53 vở kịch ấy sẽ còn sống. Giống như tựa đề của vở kịch cuối cùng mà Lưu Quang Vũ viết “Điều không thể mất”. Để con người luôn tin rằng:

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Sao rãnh nước trong veo đến thế...?

                                                                            Hà Nội - Mùa kịch Lưu Quang Vũ - 2019

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đức Cầm

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây