Mùa nhãn chín

Thứ sáu - 26/07/2019 11:07

Bây giờ đang là mùa nhãn chín. Những cây nhãn sớm cho ta quả từ Tết Mùng 5 giết sâu bọ. Nhưng nhãn chín rộ phải là từ giữa tháng Sáu đến giữa tháng Bảy ta.  Năm nay thời tiết khắc nghiệt, mùa nhãn như kéo dài hơn. Vào mùa nhãn chín, mấy chợ nhãn cuối Phố Hiến lại có được không khí trên bến dưới thuyền thuở xưa, khách buôn xa buôn gần về ăn hàng thật là tấp nập. Từ 4, 5 giờ sáng, tiếng xe, tiếng người cười nói mời chào rộn một vùng Dốc Đá, chợ Hàng Giầu. Người ta mua nhãn làm quà biếu. Khách buôn đưa nhãn đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội,… Các bà nội trợ chọn mua vài túm cho trẻ ăn chơi. Khác với các loại hoa quả khác, khách mua cứ việc đi xem chọn, ăn nếm rồi bình phẩm, trả giá mà không sợ người bán phật lòng. Bạn đừng ngại, nếm rồi mà không mua cũng chả sao. Người dân đất nhãn tự hào được trời cho lộc thứ quả quý nên lòng họ rất thảo. Ai cũng muốn được khoe giống nhãn nhà mình.
Người dân Hưng Yên vào mùa thu hoạch nhãn

Hưng Yên có rất nhiều loại nhãn, giống nhãn. Ngon nhất phải kể đến nhãn đường phèn. Quả to vừa phải, vỏ vàng sậm, hạt nhỏ, cùi dày có vị ngọt sắc, thơm như đường phèn. Cây nhãn Tiến (tiến vua) ở Phố Hiến bốn trăm năm tuổi là thuộc giống nhãn đường phèn đó. Nhãn cùi quả to hơn một chút, cùi ngọt thanh và giòn, hơi khô, màu vỏ vàng sáng, không trơn nhẵn như vỏ nhãn nước, rất róc hạt. Nhãn nước ngọt đậm, cùi mỏng, nhiều nước, không róc hạt. Ngoài ra còn có nhãn điếc, nhãn gỗ, nhãn thóc, nhãn hôi hành…, những thứ nhãn dựa vào đặc tính của hạt, của cùi mà gọi tên. Bạn có biết chọn nhãn thế nào thì ngon không? Bạn hãy nhớ câu: “Nhãn cành la, na cành bổng”. Hãy cầm túm nhãn lên tay, dốc ngược quả lên trời, cành nhỏ mềm sụn tỏa ra, chùm đó nhiều nhãn cành la đấy. Quả cành la cuốn nhỏ, ở dưới thấp đón nhiều ánh sáng nên thơm ngon hơn quả trên cành bổng. Vô duyên nhất là cái tang nhãn chóp chài, thứ nhãn hái từ những cây, những cành thưa quả, tít trên ngọn cao mới có đôi ba quả thô cứng chọc tẳng lên trời, cô đơn như người đàn bà hiếm muộn.

Bởi lẽ mỗi người có khẩu vị khác nhau nên tùy bạn chọn cho mình nhãn cùi, nhãn nước hay nhãn đường phèn. Nhưng trước tiên ta hãy lựa thứ quả càng to càng tốt. Trung bình một cân nhãn có 70 – 80 quả, nhiều hơn thì quả bé. Thẳng hoặc có loại nhãn 50 – 60 quả một ki lô như giống nhãn Hương Chi. Được thứ quả to rồi, ta lựa cùi. Cùi nhãn phải dày, có vị ngọt đậm, róc hạt và nhiều nước. Hạt phải nhỏ, vỏ cần phải mỏng. Lựa cùi rồi lại lựa “mã”. Nhãn gọi là đẹp mã có màu vàng sáng như màu con tằm chín. Nhưng điều đáng lưu ý nhất là lựa lấy hương thơm. Mùi thơm của nhãn Hưng Yên khá đặc biệt. Một mùi thơm thanh tao, ngọt ngào như mái tóc người yêu, như má trẻ thơ, kết tinh gió, đất và nước phù sa sông Hồng. Người yêu quê nhãn sẽ nhớ hương nhãn chỉ riêng Hưng Yên, Phố Hiến mới có và cũng sẽ phân biệt được đâu là nhãn “được nước” và đâu là nhãn chưa tới nước, còn “tanh”. Ông bà ta quà là những bậc tài hoa trong nghệ thuật ẩm thực, đã dành cho mỗi thứ thức ăn một cách bình phẩm. Bưởi còn cay đắng, chưa róc vỏ, chưa thật ngon thì gọi là bưởi “he”. Bánh chưng luộc chưa thật chín rền gọi là còn “hấy”. Giò lụa nếu có bị kém phẩm chất thì không nỡ nói “thiu” mà nói “đổ mồ hôi”. Thế đó bạn ạ, khi ăn nếm, nếu bạn thấy trong vị ngọt của nhãn đang lan tỏa trong các cơ quan vị giác có chút gì như là chan chát của nhựa vỏ thì đó là nhãn chưa thật chín, còn “tanh” vậy.
Người dân Hưng Yên vào mùa thu hoạch nhãn

Nhưng “tạo vật đố toàn”. Rất hiếm có giống nhãn nào hội đủ mọi tiêu chuẩn số lượng, chất lượng, mã, hương thơm như đã nói ở trên. Vậy thì cũng lại tùy bạn chọn cho mình thứ nhãn vừa mắt (mã, độ to nhỏ), vừa miệng (cùi, vị), vừa mũi (hương), tất nhiên cũng lại phải vừa với túi tiền. Nhãn ngon cũng giống như người còn gái đẹp, có lẽ nào lại không có chút khiếm khuyết?.

Người xứ nhãn còn căn cứ vào cách chọn nhãn, ăn nhãn mà chọn bạn chơi hoặc kén dâu chọn rể. Cứ xem anh chọn thứ quả nào, chọn quả vì to hay vì vị ngọt, hay vì hương thơm mà biết tính cách con người kĩ, khéo hay thô. Nếu muốn thể hiện cho đúng là dân ăn nhãn truyền đời, bạn đừng đưa nhãn lên miệng cắn mà khẽ dùng hai ngón tay giữ quả bóp nhẹ, móng tay tách đôi vỏ quả, đưa vào khóe miệng khéo nhằn, vẫn giữ nguyên hai miếng vỏ để khi nào nhằn xong dùng mảnh vỏ quả đón lấy cái hạt úp kín lại. Vừa sạch sẽ, vừa pha chút điệu đà. Như thế người Phố Hiến gọi là “thanh” là “lịch”, chỉ sau “Thứ nhất Kinh kỳ”.

Nói về sự ngon và bổ, dân gian đúc kết: “Thứ nhất quà nhãn, từ nhì quà na, thứ ba quà hồng”. Thế nên, một ngày nào đó vào mùa nhãn chín, mời bạn đến thăm quê tôi để tận mắt chứng kiến lòng thơm thảo của người dân nơi này, để có dịp nhìn ngắm cặp mắt đen hạt nhãn mà chiêm nghiệm những triết lý nhân sinh về quả và người.
 
Nguyễn Nguyên Tản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây