Bốn mùa quê hương
Thứ hai - 05/08/2019 15:23
Mùa Xuân tháng Giêng. Trong làn mưa bụi lay phay, mướt mát xanh cây hoàn chỉnh bức tranh thiên nhiên trong lành dịu nhẹ. Nhà nhà vừa vui Tết xum họp, người với người hết thảy đều hồ hởi, tưng bừng. Má phấn thiếu nữ như hồng hơn, thơm hơn mùi trinh nguyên. Đào, Mai, Hồng, Lý… nhất loạt nở tươi, làm nên bản hòa âm hương sắc. Đi trong sáng mùa Xuân, khách bộ hành se sẽ lẩy câu Kiều:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hội hè, du xuân, hỏi, cưới… khiến khắp nơi người ta tưởng như tháng Hai sao đến quá nhanh. Nhưng ở quê tôi tháng Hai tới chầm chậm, bởi còn chờ mưa phùn rắc bụi mà dâng hương hoa nhãn. Hoa nhãn thơm một mùi ngòn ngọt, ngầy ngậy của mật ong, tưởng như có thể nâng lên môi mà nhấp được. Hương thơm nồng ấm và da diết, cháy lòng nhớ của những kẻ xa quê. Hương hoa nhãn cứ dần thơm từ phố nhỏ đến các con phố lớn mới lập từ sau ngày tách tỉnh. Tháng Hai còn là thời điểm để lòng người dịu lại cùng màu trắng tinh khiết, hương rất đỗi dịu dàng của hoa bưởi. Mùi hương ấy bâng khuâng như thầm hỏi “Cửa sổ hai nhà cuối phố/ Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ”. Nó thấm vào máu, vào tim; cài vào trang ký ức “Bóng dáng người bạn trai/ Có gì mà nhìn nhau mãi/ Bạn trai cứ huýt sáo hoài”, khiến lòng ai đâu dễ nguôi quên.
Vầng trăng non của mùa Xuân hình như là màu xanh. Nó dẫn dụ lòng người cảm nhận hương hoa lúa, hoa xoan. Ờ, trong trí nhớ lờ mờ về miền ký ức thời sơ tán chống Mỹ, hình như tôi hay gặp hương hoa lúa vào ban đêm, nhất là lúc bóng tối vừa sập xuống. Bên con đường ven cánh đồng ngôi làng tôi sơ tán, dậy lên một hương vị dịu dàng lan tỏa. Hương thơm làm nên hạt gạo nuôi sống con người ấy mới thánh thiện làm sao. Đêm nơi làng quê mang lại cảm giác yên bình, được phụ họa bởi mùi cỏ, mùi rơm rạ cháy, mùi bụi cây phèn đen tanh tanh ngai ngái nơi bờ giậu. Hoa xoan thì ngược lại, nó tặng tôi mùi thơm ngái vào sáng sớm cùng tiếng chim hót lảnh lót trên cây ổi hoa trắng, tạo thành một ban mai tinh khiết. Nó nhắc tôi trên suốt chặng đường dài nỗi nhớ về mảnh đất Hoa Dương cổ kính, với tấm lòng thơm thảo của những con người Phố Hiến đôn hậu, chân tình.
Ông Ngâu bà Ngâu với nỗi đau xa cách mỗi tháng Bảy xum họp lại tạo nên cơn mưa dầm rả rích, có khi là một tuần, thậm chí là cả tháng. Hoa ngâu có phải vì vậy mà càng mưa lại càng thơm? Lạ. Từ hiên nhà nhìn ra cây hoa ngâu tán tròn, những vầng hoa vàng li ti nhẫn nại tỏa hương thơm trong làn mưa bụi mỏng tang. Tình yêu, phải chăng luôn gắn liền với đau khổ, với nhẫn nại và khi bạn vượt được những thử thách đó rồi, bạn mới cảm nhận được hương của lòng chung thủy. Nhà thơ ơi, có phải anh đã có một kỷ niệm nào đó với hoa ngâu, mà trong nỗi nhớ sâu thẳm anh viết: “Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu”?.
Để những ngày đầu Đông nắng hoa có trên tay chùm quả nhỏ nửa xanh nửa đỏ “Chua nhíu mày còn tủm tỉm” thì tầm tháng Tám, tháng Chín dọc phố sẽ nở bừng những chùm hoa dâu da trắng, li ti li ti. Hoa lặng lặng dâng mùi thơm lạ nửa như thực nửa như mơ, có đấy mà như không có, cồn cào, da diết của mối tình đầu thơ ngây sớm hóa thành kỷ niệm. Sớm nào đó, chậm chậm đi qua ngõ phố nhỏ, bất chợt gặp lại hương hoa xưa cũ, tôi dám chắc có khá nhiều con tim phải giật mình giấu nỗi vấn vương mãi không thôi.
Nếu ai hỏi rằng “Mùi hoa có màu không?” thì không nhất quyết rằng mùi hoa có màu trắng. Bởi khi tối tháng Mười gió hoang hoải gồng gánh hương hoa khắp không gian thì ngay cả với những kẻ vô tình nhất, trong lòng cũng phải dậy lên muôn vàn con sóng. Con sóng nhắc về ngọn lửa đỏ ấm áp trong màn đêm “Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa”. Con sóng gợi nhớ “Sương thu trắng, mái đầu xanh/ Người đi sẻ những ngọt lành mang theo”, khiến ta cả đời lận đận nhớ, lận đận quên. Và cũng sẽ là thiếu sót nếu không kể đến hương cau thơm ngát góc sân nhà. Hoa cau gần như nở cả tứ mùa. Hương cau thơm trang trọng, dầy dặn. Nghe hương cau trong gió thoảng, lòng người như thấy cả khung trời quê hương, nơi có làng có xóm, có mẹ có cha, có đám rước dâu đi về ngang ngõ, có cô dâu áo trắng đẹp tinh khôi. Nếu nói hương hoa sữa là hương tình yêu thì hương hoa cau ngan ngát kia hẳn phải là hương của quê hương tôi đó.
Gió ở quê hương cũng có mùi. Ngày tháng Chạp gió mang mùi rơm rạ cháy lan xa khắp cánh đồng, mang lên phố có nhà ta ở, khiến ta phải giật mình “Ồ, đã sắp hết năm rồi sao?”. Trí nhớ giục giã ta chia xớt công việc, bớt bớt đam mê phố thị mà chạy ngay về thăm cha mẹ, để hít hà lui cui nấu món cơm nếp mới thơm lừng, có hành phi và nước mỡ béo vàng, món ngon con thường khoái chẩu. Rồi sớm mai nữa, ta lại từ biệt cánh đồng đất ải hăng hăng, từ biệt mẹ lên đường trở về với lo toan thường nhật.
Tết đã ập đến. Bạn hỡi, có thể bạn không tin nhưng tôi thì tôi nhớ cái mùi thơm kì lạ của nước lã đun sôi, cứa vào thương nhớ những ngày xa xưa ta bé bỏng, mẹ đun nước tắm tất niên. Đâu đây phảng phất mùi ấm áp của lá bưởi, lá hương nhu. Trong khói sẫm cuối ngày ba mươi, mùi nhang trầm nồng nàn lan tỏa. Nghe trong làn gió mơn man, mùi pháo tép thơm khét xen tiếng cười giòn tan, đám trẻ con xúng xính trong bộ quần áo tươi mùi vải mới.
Thời khắc Giao thừa thiêng liêng đã sắp đến gần. Không gian bừng sáng một mùi non tơ của niềm giao hòa trời đất, chung đúc từ bốn mùa quê hương.
Nguyễn Nguyên Tản