Họ đang sống và nghĩ như thế nào?

Thứ hai - 20/09/2021 11:28

Họ là những nhà văn, nhà thơ, những người luôn có khả năng chống lại sự tẻ nhạt của đời sống bằng chính cuộc sống thường nhật và tác phẩm của họ. Nhưng Covid-19 tràn tới; cả thế giới đã thay đổi. Sự thay đổi không lường trước này có thay đổi cuộc sống và suy nghĩ của các nhà văn, nhà thơ?

Báo Văn nghệ trân trọng mời một số nhà văn, nhà thơ chia sẻ cuộc sống và suy nghĩ của mình trong một ngày 6-9-2021. Ngày 6-9-2021 có gì đặc biệt? Không. Ðó chỉ là một ngày đầu tuần bình thường như muôn ngày đầu tuần đã đi qua cuộc đời của họ. Nhưng những ngày họ đang sống hiện nay là vô cùng khác biệt.

Có thể họ đang làm những việc khác thường và có những suy nghĩ khác thường so với những ngày mà cái tên Covid chưa xuất hiện. Cũng có thể họ vẫn sống và suy nghĩ về nhiều điều từng sống và suy nghĩ mà không gì có thể dễ dàng thay đổi họ. Những chia sẻ ở đây được ghi chép lại là nhật ký của một thời mà khi dịch bệnh qua đi, các thế hệ sau này sẽ hình dung ra các nhà văn nhà thơ đã sống thế nào trong những ngày Covid…

Văn nghệ xin trân trọng mời bạn đọc ghé thăm một số nhà văn, nhà thơ xem họ đang sống như thế nào và  suy nghĩ những gì trong một ngày cụ thể: ngày 6-9-2021.

 

BẮT ĐẦU TỪ 4 GIỜ SÁNG...

Thái Bá Lợi

4 giờ. Thức dậy, tìm một chỗ nào đó để ngồi hay nằm nguyên trên giường, cố gắng không nghĩ ngợi gì.

5 giờ. Vệ sinh cá nhân. Dọn dẹp chỗ ở, thắp hương bàn thờ.

Sáng nay 6 giờ đi tiêm phòng ở tổ dân phố. Không chọn loại vaccine nhưng tiêm Pfizer. Sau đó bước vào cuộc trường kỳ với thuốc men và ăn uống. Trước đây chỉ vài năm thấy bạn bè, có người còn ít tuổi hơn, đi đâu cũng kè kè một túi thuốc mình rất ngạc nhiên. Ghét của nào trời trao của ấy, bây giờ túi thuốc của mình còn lớn hơn nhiều người. Tim mạch (đã đặt hai cái stent), HP trào ngược dạ dày, tiểu đường liệu pháp insulline…Chơi gần vài chục loại thuốc mỗi ngày. Còn ăn uống thì ngày trước buổi sáng một bát phở hoặc tô bún là yên tâm rong chơi cả ngày, gặp gì ăn nấy; còn bây giờ phải ăn nhiều bữa, điều độ, ít chất bột, giàu chất đạm, rau củ, trái cây... Có hôm ngon miệng ăn nhiều một chút thì gout nó tìm đến. Đúng là “tứ bề thọ bệnh”.

111
Nhà văn Thái Bá Lợi (Đà Nẵng)   Nhớ phố, nhớ bạn.

7 giờ sáng. Thường ngày vào buổi sáng viết lách vài giờ; chỉ vài giờ thôi vì dù có viết cố cũng chẳng có chữ nghĩa đâu mà viết. Có hôm gắng làm thêm thì hôm sau cũng phải sửa chữa nhiều hoặc bỏ. Sau đó đến cơ quan làm việc hết buổi rồi về. Cái gì của cơ quan thì trả lại cho cơ quan, không mang công việc về nhà.

Nhưng hôm nay đang trong mùa dịch, không đến cơ quan mà cũng chẳng viết lách gì. Các anh ở Quảng Nam có làm một khu tưởng niệm ở xã Bình Dương đặt tên là Vườn Mẹ, nhờ viết bài ủng hộ thì viết. Nhớ có hai khu tưởng niệm luôn ám ảnh mình là tượng đài Mẹ Tổ quốc kêu gọi trên đồi Mamayev, ở Vongagrad, trước gọi là Stalingrad; và khu tưởng niệm 6 triệu người Do Thái bị Đức Quốc xã sát hại trong diệt chủng Holocaust ở trung tâm Berlin. Một tôn vinh sự hi sinh cao cả của nhân dân Xô viết và Hồng quân đánh bại phát xít Đức ở Stalingrad; một là lời xin lỗi cảm động của nước Đức với người Do Thái, với nhân loại. Muốn nhắn gửi các anh đang làm dự án Vườn Mẹ, dù công trình này nhỏ, nhưng phải có võ, nghĩa là phải làm cẩn thận, tránh vết xe đổ của nhiều công trình tượng đài hoành tráng, tốn rất nhiều tiền của mà hiệu ứng xã hội chẳng được bao nhiêu.

Đang viết thì ông cháu ngoại gần sáu tuổi đến. Mặt ông buồn xiu vì bốn tháng nay không đến trường. Hôm qua khai giảng trực tuyến, lớp mới, cô giáo mới. Xem xong một cách hờ hững, ông cháu phán: Không phải cô giáo, đó là YouTuber. Đứng một lúc, ông cháu nói: Đời chán quá, ông ngoại ơi! Biết được mục đích câu ta thán này, đưa cho ông cháu cái điện thoại và dặn một giờ sau phải trả lại. Nhưng như mọi người biết, làm gì có chuyện chỉ một giờ!

Buổi chiều: đọc sách. Ngày trước còn trẻ khỏe những lần rảnh rỗi thế này thường chọn những cuốn sách khó để đọc. Bây giờ có tuổi, sức nhìn kém phải chọn loại sách dễ đọc. Đọc lại Chiến tranh và hòa bình. Trong nền văn học Nga vĩ đại có hai cái đỉnh. Cụ Đốt (F.Dostoieski) và cụ Lép (L.Tolstoy). Trước đây cứ nghĩ cụ Đốt dữ dội, còn cụ Lép thì chừng mực. Nhưng không phải vậy. Cụ Đốt nói: “Suốt đời tôi, tôi chỉ làm một việc là đẩy tới cùng điều mà các bạn mới làm một nửa”. Và cụ đẩy Anh em Karamazov, Tội ác và hình phạt cùng các tác phẩm khác làm độc giả toát mồ hôi chạy theo. Dù sao như vậy ta cũng biết được đường đi của cụ. Còn cụ Lép phức tạp hơn nhiều. Tôi bị ám ảnh đoạn văn cụ tả hội nghị Phili bàn việc giữ hay bỏ Moskva mà ngày trước hay được gọi là Mạc Tư Khoa. Sau khi nghe các tướng tranh luận sôi nổi, Kutuzov nói: “Trí óc tôi dù khôn dù dại cũng chỉ biết mong chờ vào mình mà thôi. Nhân danh nước Nga và Hoàng thượng tôi tuyên bố bỏ Mạc Tư Khoa!”. Đọc lại nhân vật Natasa thì ca này không phải đơn giản. Là một tiểu thư xinh đẹp, thông minh, hát hay, là tâm điểm trong các buổi tiếp tân quý tộc. Đến khi lấy chồng Natasa thay đổi chóng mặt. Cứ tưởng cô sẽ thành một mệnh phụ phu nhân trên cả đài các, có thể từ tivi các trở lên. Nhưng Natasa sinh con sồn sột năm một, không còn trang điểm, tự cho con bú, không hát nữa. Đặc biệt đối với chồng, cái anh chàng Pier ngơ ngác ấy, tất cả đều đúng. Nàng quyết liệt bảo vệ chồng. Xây dựng nhân vật kiểu này, cụ Lép như muốn nói với người đọc: “Thưa các vị độc giả khả kính. Ta sẽ không để cho các vị tư duy về các nhân vật của ta đơn giản và hời hợt đâu”. Cho nên ta không ngạc nhiên khi đọc bản thảo Cha Sergy của mình, cụ Lép vỗ tay vào đùi: Cha này viết hay thật!

Buổi tối: thời còn khỏe mạnh và chưa có dịch, nhiều hôm nhậu nhẹt với bạn bè. Nếu không say xỉn thì khi có đôi chút men có lẽ tư duy sắc sảo hơn cho những điều hôm sau sẽ viết. Giờ không còn uống rượu bia nữa, cũng không có hôm sau viết gì, thế là xem bóng đá.

Và ngày mai có lẽ cũng như vậy, cũng có thể thay đổi đôi chút nhưng không nhiều.

 

THÊM NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Nie Thanh Mai

Tôi thức dậy lúc năm giờ ba mươi sáng. Sớm hơn mọi ngày một chút. Có lẽ chỉ vì tôi luôn nghĩ ngày hôm nay, như thường lệ sẽ đánh thức con gái dậy, chuẩn bị mọi thứ để con bé đến trường. Hôm qua là khai giảng năm học mới. Và những ngày đầu tiên của năm học mới luôn sẽ rất thú vị và háo hức. Chỉ khác là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lịch cho năm học mới ở Đắk Lắk sẽ bắt đầu từ ngày 15-9. Và bây giờ con gái tôi vẫn cuộn mình trong chăn.
111
Nhà văn Nie Thanh Mai (Đắk Lắk)  Như mọi ngày trong đời.

Không như những ngày này, khi thành phố giãn cách. Quán ăn sáng, quán cà phê lạ quen đóng cửa im ỉm. Không thấy tấm bảng treo hẹn ngày mở cửa trở lại. Tôi vẫn giữ thói quen với cà phê, nhưng là tự pha ở nhà, hôm tẩn mẩn pha trong phin nhôm, hôm quấy nhanh trong tích tắc loại cà phê sấy lạnh của bạn tặng. Trong khi đợi cà phê nhỏ từng giọt xuống ly, tôi nấu thức ăn sáng. Nước súp và mì gạo, hành sắt nhỏ để sẵn ở ngăn đá.Trước lúc ra vườn tưới cây, tôi bật bếp ga nấu ấm nước. Pha trà cho chồng và pha cà phê cho mình. Giống như rất nhiều người xứ Buôn Ma Thuột, tôi thích uống cà phê lúc sáng sớm. Nhưng phải là ở quán, với bạn. Thường tôi sẽ rời khỏi nhà trước giờ làm việc hơn một tiếng đồng hồ, rẽ vào quán cà phê quen. Gọi cà phê pha phin. Chúng tôi sẽ nói những câu chuyện vui vẻ nạp năng lượng cho một ngày làm việc sau đó. Đôi khi năm bảy người, họa sĩ, nhà thơ, cả những người bạn không liên quan đến văn chương. Rộn ràng. Cũng đôi khi chỉ có tôi với Hương, hai người phụ nữ, cà phê và bàn chuyện con cái, học hành, lương bổng…

Hôm nay tôi có lịch trực cơ quan. Từ ngày Buôn Ma Thuột bùng phát dịch, thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Nếu không có lịch làm việc thì không ai được ra đường. Mà thực ra cũng chẳng ai muốn ra khỏi nhà. Ở sau cánh cửa nhà, cảm giác an tâm sẽ làm mình ngủ ngon hơn những rong ruổi ngoài kia. Chỉ có 1/3 số người được làm việc ở cơ quan, những người còn lại không có lịch trực sẽ làm việc trực tuyến. Tôi rà soát công việc bằng cuộc họp ngắn qua ứng dụng. Và tranh thủ đọc lướt qua tạp chí các tỉnh gửi đến giao lưu với Hội VHNT, trả lời Email, duyệt công văn, báo cáo, kiểm tra tiến độ thực hiện tạp chí Chư Yang Sin…

Những ngày Buôn Ma Thuột bùng phát dịch Covid-19, bao trùm thành phố là sự yên ắng. Phố xá vắng ngắt, rộng thênh thang. Bóng dáng người quen người lạ lướt qua nhau vội vàng sau những khẩu trang kín bưng. Những căn nhà nếu không đóng cửa im ỉm thì cũng chỉ he hé cho chút khí trời lùa vào nhà. Chỉ có tiếng loa phường là rõ mồn một trên mọi dãy phố, con đường.

Khi trở về nhà từ cơ quan, bỗng thấy thèm những điều bình dị của ngày hôm nào quá. Khi mà quán xá rộn ràng, gặp bạn bè và bàn chuyện văn chương, cuộc đời…

 

PHẢI ĐỦ QUẢNG ĐẠI ĐỂ CHO QUA SỰ VÔ ƠN...

Hữu Việt

Đêm qua tôi thức khuya để viết một cái gì đó nhân dịp 20 năm vụ khủng bố 11-9 mà tôi ngẫu nhiên có mặt ở nước Mỹ đúng thời điểm đó. Ký ức buồn vui lẫn lộn ùa về nhưng không dễ chuyển thành con chữ. Tôi đã rất khó nhọc để hoàn thành 2000 chữ lúc trời gần sáng.
111
Nhà thơ Hữu Việt (Hà Nội)   Cắt hoa thắp hương đầu tháng cho cha mẹ.

Chủ đề Covid-19 như thường lệ là nội dung chính buổi giao ban đầu tuần. Tiếp sau việc một bộ phận bác sĩ nhảy việc, đến lượt tình nguyện viên.  Không phải họ ngại khó, khổ, nguy hiểm mà không chịu nổi áp lực đến từ người dân vùng dịch. Nhiều người trong số họ bị chê bai, hạch sách, thậm chí lăng mạ chỉ vì những sơ xuất nhỏ lúc công việc bị quá tải hoặc do làm việc quá sức. Hoá ra trên đời muốn làm việc tốt không dễ. Phải đủ quảng đại để cho qua sự vô ơn và phải đủ khinh bỉ để tha thứ cho sự thớ lợ. Tất nhiên cả sự kiên định nữa để không đánh mất mục tiêu của mình bởi những điều tầm thường. Có lẽ mình phải lên tiếng về hành vi vô ơn phản văn hoá này.Thức dậy lúc 8 giờ sáng, tôi chỉ kịp vệ sinh cá nhân thần tốc, khoác vội chiếc áo sơ mi và bắt đầu họp trực tuyến với toà soạn. Họp trực tuyến tiện cái là bạn chỉ cần chỉn chu “nửa trên” vì nó xuất hiện trên màn hình và sau khi check-in điểm danh xong, có thể tạm tắt camera, tranh thủ ăn sáng, pha cà phê nhâm nhi mà không ảnh hưởng đến ai cả vì chẳng ai biết hoặc họ cũng đang bận làm những việc giống mình.

Họp xong tôi vội ra vườn tưới cây và cắt một vài bông hoa dâng lên bàn thờ mẹ. Ngày mai là mùng 1. Mùa Covid, đến đi chợ cũng phải theo phiếu thì lấy đâu ra hoa nên tôi thường cắt những cành hoa giấy và lan tiêu vườn nhà. Hoá ra cũng đẹp. Và sẽ đẹp hơn nếu mẹ chứng cho lòng thành của con cháu.

Trong lúc chờ cơm trưa, tôi tranh thủ “kết liễu” cuốn tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nó tuy mỏng, nhưng nặng và không thể đọc nhanh được. (Tôi bắt đầu đọc nó từ tuần trước). Trong lúc ăn cơm, tôi tranh thủ lướt zalo, đọc hoạt động của CLB Văn học trẻ Hà Nội. Họ vừa tổ chức một buổi trò chuyện online, chủ đề “Văn chương của ngày mai” qua nền tảng trực tuyến Google Meet. Giặc Covid không cho ta đặt ra những kế hoạch dài hạn, nên hoạt động trực tuyến trở thành công cụ khả dĩ nhất. Phải học anh em trẻ. Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam mới giao cho tôi và nhà thơ Phan Hoàng lập kế hoạch tổ chức Ngày thơ Việt Nam trực tuyến vào dịp rằm tháng Giêng năm sau nếu đại dịch chưa được khống chế. Không thể hoãn được nữa, hoãn hai lần rồi và công chúng thơ cũng sốt ruột lắm rồi.

Buổi chiều tôi lên cơ quan. Trong thời gian giãn cách, toà soạn chỉ làm việc với 50% quân số để đảm bảo các quy định phòng dịch. Thật ngạc nhiên trên đường khá đông ô tô xe máy lưu thông. Thấy bảo từ hôm nay sẽ siết giãn cách nghiêm ngặt hơn nữa mà đường lại đông hơn mới lạ! Đồng bào thủ đô của tôi ơi, cứ thế này thì bao giờ mới hết dịch? Không tự cứu mình thì chả có giời nào cứu được đâu. Hãy tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch nhé bà con.

Chiều làm việc diễn ra bình thường, công việc suôn sẻ, trừ tin không vui là chốt số người nhiễm mới Covid hôm nay vẫn ở mức 5 con số. Trên đường về mở Spotify nghe radio Nhân Dân, một sản phẩm “báo tiếng” mới toanh của báo Nhân Dân mới ra mắt. Những truyện ngắn đang phát mình đã đọc bằng mắt, nay nghe lại vẫn thấy thú vị.

Lúc bình thường chúng ta đã luôn thấy thiếu thời gian. Nhưng phải chăng sự “lúc nào cũng thiếu” ấy khiến chúng ta lãng phí thời gian vì đó là cái cớ để ta giả bộ không nhận ra hoặc cố tình lờ đi để lười đọc, viết. Dịch Covid buộc loài người phải căn chỉnh lại nhiều thứ, trong đó có sửa chữa việc sử dụng thời gian, thứ mà tạo hoá hào phóng cho mỗi người một cách eo hẹp.

 

MỘT NGÀY BÌNH THƯỜNG MÀ ĐẶC BIỆT

Võ Sa Hà

Bình thường, vì với một người già đã về hưu vài năm như tôi, nhịp sống hàng ngày đã được lên lịch sẵn. 4h30: dậy, vào Trường ĐHSP Thái Nguyên thể dục (vì nhà tôi ở cạnh Trường). Tôi thường đi chân đất, khoảng 6000 bước rồi toạ thuyền, tập thể dục, đi một bài quyền…. Khuôn viên trường rộng thoáng, nhiều cây xanh, lại có hồ cá lung linh. Nơi này, tôi đã gắn bó từ 1976 cho nên gần như mỗi bước chân lại chạm vào một kỷ niệm nào đấy. Nhiều hôm bần thần vì chợt nhớ về một chuyện cũ…
111
Nhà thơ Võ Sa Hà (Th ái Nguyên)   Chìm trong suy tưởng.

Khoảng 8h30 lên mạng, xem thời sự, ưu tiên số 1 là tình hình dịch bệnh rồi đến bóng đá, quần vợt. Tiếp đó, đọc các trang về văn học, những vấn đề mình quan tâm, những tác phẩm của bạn bè hoặc mình yêu thích. Cũng có thể viết gì đó: thơ, truyện, suy nghĩ vặt, bình thơ, phân tích văn học nhà trường.6h10: về nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng cho hai con trai 11 và 7 tuổi. 6h30 gọi chúng dậy ăn sáng. 7h00: đưa thằng bé đến trường, thằng lớn đã tự đạp xe từ năm 9 tuổi. 7h15: tắm. 7h30: đi ăn sáng ở những quán quen thân. Khoảng 8h00: về nhà, cũng có thể đi uống cà phê một mình hoặc với một hai người bạn. Thường ngồi bờ sông Cầu ngắm cầu Gia Bảy và dòng nước lặng lờ như nỗi buồn cố hữu của Thái Nguyên. Những hôm vợ được nghỉ có thể cả nhà cùng đi…

11h30: xuống bàn ăn, vừa uống rượu vừa xem vợ nấu cơm và chuyện phiếm. Đây cũng là lúc để lướt Facebook của bạn bè, người thân. 12h15: ăn trưa cùng vợ. 13h: nghỉ trưa. 14h30: lại lên mạng, ngồi bàn viết. 17h00: các con đi học về, cho chúng ăn vặt, rồi bắt chúng đạp xe thể dục. 18h00: xuống bàn ăn ngồi uống rượu một mình. Vợ đi đánh bóng chuyền đến hơn 19h mới về, nên đây là khoảng thời gian lướt Facebook, ngẫm nghĩ, làm thơ….

19h30: ăn tối. 20h30: cho hai thằng bé học bài. 22h30: ép chúng đi ngủ, bố xem ti vi. 24h00: tắt điện ngủ.

Lịch một ngày là thế! Tuy nhiên luôn có những việc đột xuất, bất thường với hàng trăm thứ không biết trước như: những ngày mưa bão, những hôm mất điện, nhà có khách, đi thăm người ốm, đi khám bênh, hiếu hỉ, sinh nhật, tân gia… cho nên cũng nhiều co giãn, thay đổi…

Ngày 6-9-2021 cũng vậy, cơ bản vẫn bình thường theo lịch nhưng cũng rất đặc biệt. Đặc biệt vì đây là ngày đầu tiên lũ trẻ được đến trường sau nhiều tháng ở nhà, cho nên bố mẹ phải chuẩn bị kỹ hơn. Thái Nguyên là một tỉnh may mắn vì chưa bùng phát dịch, lũ trẻ ở nhà quá lâu nên rất thích đến trường. Bố phải chụp ảnh cho chúng để giữ làm kỷ niệm…

Đặc biệt nhất là khoảng 18h, nhận được tin nhắn của người yêu cũ từ Sài Gòn sau hơn 10 năm không liên hệ (tính từ khi lấy vợ 2010). Số điện thoại lạ nhưng cách viết đặc biệt đã trở thành thói quen của cả hai từ rất lâu rồi. Tin nhắn báo điều dữ, thậm chí cực sốc. Buồn… lo… thương… nhớ… mà bất lực… Lại cầm bút làm thơ:

TỪ SÀI GÒN

Tin nhắn:

- I.Em dính cô vít rồi A.Anh ơi!

từ 0909268…

chính tả này hơn 10 năm chưa thấy

ô người ấy

toàn thân lẩy bẩy

điện thoại chục lần

vẫn điệp khúc buồn:

- Thuê bao quý khách vừa gọi …

nhắn tin không hồi đáp

chắc chắn là nguy cấp lắm rồi

I.Em ơi …!!!

Linh cảm xấu

rất có thể là tin nhắn chót

điên lo và hãi sợ

biết làm gì lúc này

thừa thãi cả tim óc chân tay…

Quảng Uyên mây trắng trời

Bằng Giang sông bạc sóng

xin chiếc thuyền trăng ngày cuối tháng cô hồn

gửi vào khung trời em tất tất yêu thương

(18h ngày 6-9-2021 - 30 tháng Bảy Tân Sửu)

Thế mới biết chả ngày nào giống ngày nào, bình thường mà vẫn khác. Suy cho cùng, con người không phải là cái máy, sống như được lập trình buồn chán và tẻ nhạt biết bao!

Với tôi, nếu ngày nào làm được những bài thơ đặc biệt thì đó sẽ là ngày đáng nhớ. Ngày 6-9-2021 là một ngày đáng nhớ của tôi.


MỘT NGÀY ĐÁNG NHỚ

Trần Nhã Thụy


6-9-2021 là một ngày đáng nhớ.

Ở Sài Gòn đó là ngày đầu tuần, cũng là ngày đầu tiên sau hai tuần chính quyền áp dụng chỉ thị “Tăng cường giãn cách”. Trên lý thuyết, ngày 6-9 sẽ là ngày được “sổ lồng”. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế thì Sài Gòn lại tiếp tục áp dụng chỉ thị 16+ cho tới ngày 15-9, rồi mới tính tiếp.

Như vậy, ngày 6-9 đối với tôi cũng như các công dân khác ở Sài Gòn mà nói thì chưa thể là ngày “Bình thường mới”.

111
Nhà văn Trần Nhã Th ụy (TP Hồ Chí Minh)  Hãy ngước mắt lên

Buổi chiều tối ngày 5-9, khi tôi đang ngồi cặm cụi làm bản tin chương trình trao quà trong ngày của nhóm thiện nguyện Trụ lại Sài Gòn (TLSG) thì trời đổ mưa tầm tã. Chặp sau thì nghe hai cậu con la ầm lên rằng: “Mưa dột rồi ba ơi”. Tôi chạy lên coi thì thấy nước mưa không biết từ đâu chảy ròng ròng xuống theo vách tường, lan khắp sàn. Mưa dột kiểu này không thể lấy xô hứng, mà chỉ có thể lấy giẻ thấm nước. Chúng tôi huy động các đồ cũ trong nhà để làm giẻ lau. Cũng may cơn mưa chóng tạnh.

Sáng ngày 6-9, việc đầu tiên của tôi là leo lên mái nhà để xem xét, tìm phương án chống dột. Cũng may, ngay phía sau nhà có một công trình nhà ở dang dở, hai người thợ hồ bị mắc kẹt lại đang rất rảnh, sẵn sàng phụ tôi việc này. Cũng xin nói thêm, những ngày trước, khi chỉ thị 16 áp dụng triệt để, chúng tôi đã có chương trình hỗ trợ tiền và thực phẩm cho bà con trong xóm, trong đó có những người thợ hồ này. Sau đó, họ đánh tiếng rằng nếu nhà có cần sửa chữa gì cứ kêu họ làm cho. Tôi nghĩ là mình không có nhu cầu sửa sang nhà cửa lúc này, cho đến khi bất ngờ bị mưa dột.

Sau khi quan sát, chú thợ hồ yêu cầu mua thêm 2 ống keo silicon để bắn vào mép tường, còn phần hồ chú sẽ tự xử lý. Thế là tôi xách xe đi tìm chỗ mua.

Lúc này mới thấy các cửa hàng vật liệu xây dựng đều đóng cửa. Sau một hồi lòng vòng, may mắn có một tiệm tạp hóa mở cửa. Đó là một cái cửa cuốn được mở lên chừng nửa mét. Tôi cho xe lên vỉa hè và chúng tôi ngồi xổm nói chuyện, người trong kẻ ngoài. Tôi mua 2 ống keo silicon với đồ bắn keo tổng cộng hết 128.000 đồng. Tôi đưa 130.000 đồng. Vừa đưa xong thì thấy bóng các chú công an đi tới, bà chủ vội vàng bấm cửa cuốn xuống, đồng thời nhanh tay thối lại cho tôi tờ 2000 đồng. Tờ tiền không hiểu vì sao ướt nhẹp.

Sửa mái nhà xong. Tôi vẫn tiếp tục công việc điều hành nhóm thiện nguyện TLSG. Ngày 6-9 có hai việc đáng nhớ. Chúng tôi hỗ trợ tiền cho các gia đình có người mất do đi cào nghêu ở Sông Vệ (Quảng Ngãi) và hỗ trợ tiền hỏa táng cho một gia đình cũng quê Quảng Ngãi nhưng ngụ cư tại đường Kênh Nước Đen (Sài Gòn)

Với các nhà văn, cái tên Kênh Nước Đen nghe như hư cấu. Nhưng đó là cái tên có thật. Trong những ngày dịch Covid hoành hành nặng nề ở Sài Gòn này, cá nhân tôi trải nghiệm những sự thật khắc nghiệt, đáng nhớ.

Ngày 6-9, chúng tôi, gồm tôi, nhà văn Trần Đức Tiến, nhà văn Hoàng Đình Quang, là Ban giám khảo của cuộc thi truyện ngắn Miền Đông Nam Bộ (do Hội VHNT Bình Dương đăng cai) cũng đã đi tới chặng cuối cùng của việc chấm thi.

Ngày nào, với tôi cũng đầy ắp công việc. Trong lúc này, tôi nghĩ đó là điều may mắn.

 


Nguồn Văn nghệ số 38/2021

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3861-2.jpg TS9-3794-2.jpg
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay2,096
  • Tháng hiện tại71,083
  • Tổng lượt truy cập3,040,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây